Đây là dự kiến của Chính phủ đưa ra trong Phiên họp thứ 34 cho ý kiến đánh giá bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 Uỷ ban Thường vụ Quốc khai mạc vào sáng qua (8/5).
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, tăng trưởng GDP quý I/2019 đạt 6,79%, tiếp tục có sự cải thiện nhưng đang có dấu hiệu tăng chậm lại ở cả ba khu vực. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,68% nhưng thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm 2018.
Chính phủ nhận định nếu các quý còn lại của năm nay đều đạt mục tiêu kịch bản đề ra, dự kiến tăng trưởng GDP cả năm 2019 ở mức 6,78%.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP đề ra như trên, Chính phủ đề nghị trong những tháng tới, các bộ, ngành và địa phương phải hết sức nỗ lực, cố gắng, tập trung thực hiện các biện pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phấn đấu thực hiện không thấp hơn mục tiêu đề ra, trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng phải đạt cao hơn.
Trong khu vực dịch vụ, nếu bối cảnh thuận lợi, nhất là việc đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành dịch vụ đạt nhiều kết quả tích cực, tăng trưởng khu vực dịch vụ cả năm đạt mức cao (trên 7,2%) thì tăng trưởng GDP toàn nền kinh tế cả năm có khả năng vượt mục tiêu đề ra, đạt mức tăng trưởng bằng hoặc cao hơn so với năm 2018 (7,08%).
Bên cạnh đó, Báo cáo Chính phủ cũng nhận định tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Công tác điều hành và thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của chính sách tiền tệ còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức do độ mở của nền kinh tế lớn, khả năng chống chịu của nền kinh tế trong nước chưa thực sự vững chắc.
Ngoài ra, việc quản lý, khai thác và sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản còn nhiều lãng phí, không theo quy hoạch, vi phạm pháp luật; môi trường nước, không khí tại nhiều khu, cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất, lưu vực sông không bảo đảm an toàn.
Tình trạng, kỷ luật, kỷ cương một số nơi chưa nghiêm; tổ chức bộ máy còn cồng kềnh; phối hợp công tác giữa các ngành, các cấp hiệu quả chưa cao, còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm…