Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực
- Thưa ông, gần đây có nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất huy động dưới 6 tháng thậm chí xuống 5%, thấp hơn cả mức trần 6% được Ngân hàng Nhà nước đưa ra. Tại sao các ngân hàng thương mại lại có hành động này?
- Việc những ngân hàng thương mại chủ động giảm lãi suất huy động dưới 6 tháng xuống dưới mức trần do Ngân hàng Nhà nước quy định đã phản ánh quan hệ cung - cầu trên thị trường tiền tệ. Hiện nay, thanh khoản trong hệ thống ngân hàng khá tốt, nhiều ngân hàng dư giả về nguồn vốn nên sẵn sàng giảm lãi suất huy động. Điều này giúp giảm chi phí đầu vào, đồng thời điều tiết lượng tiền đầu vào và tránh lãng phí. Bên cạnh đó, các ngân hàng có điều kiện tăng cường huy động nguồn vốn trung, dài hạn với lãi suất cao hơn.
- Thưa ông, lạm phát hiện ở mức 1,83% và cả năm được dự báo tăng dưới 5%. Đây có phải là một cơ hội để giảm trần lãi suất huy động đối với kỳ hạn dưới 6 tháng hay không?
- Không thể căn cứ vào lạm phát đã xảy ra so với cuối năm ngoái để định hình về lãi suất tiền gửi trong tương lai. Điều cần làm là phải dựa vào kỳ vọng lạm phát cuối năm nay thế nào để điều chỉnh lãi suất tiền gửi, trần lãi suất tiền gửi. Ví dụ như năm nay lạm phát là khoảng 5%, thì lãi suất trần tiền gửi có thể giảm một chút để bảo đảm lãi suất cực dương cho khách hàng thời điểm cuối năm khi nhận lại số tiền gửi. Cụ thể, nếu trần lãi suất giảm 0,5% thì người gửi tiền vẫn được hưởng lãi suất như hiện nay là từ 5,5 - 6%. Đến cuối năm, nếu như lạm phát đúng như kỳ vọng đã đặt ra, thì người gửi đến thời điểm này vẫn được nhận lãi suất là 5,5 - 6%. Điều này hoàn toàn phù hợp về mặt lý thuyết.
- Vậy, ông dự đoán thế nào lạm phát trong năm 2014, và liệu có thể hạ trần lãi suất đối với tiền gửi từ 0 đến 6 tháng hay không?
- Kỳ vọng lạm phát đến cuối năm nay khoảng 5%, cùng lắm, nếu nhiều tác động khách quan bên ngoài thì lên hơn một chút. Do đó, có thể trần lãi suất huy động giảm 0,5% và điều này là hoàn toàn phù hợp thực tế. Mức hạ này vẫn bảo đảm từ nay đến cuối năm có mức lãi suất riêng gửi tiền phù hợp với kỳ vọng lạm phát của cuối năm, đồng thời cũng là giúp cho các ngân hàng thương mại có khả năng giảm lãi suất đầu ra, cho vay tăng lên, giúp kích thích và tăng trưởng tín dụng tốt hơn từ nay đến cuối năm. Trần lãi suất huy động có thể điều chỉnh giảm ngay trong quý III này, chậm nhất là đầu quý IV.2014.
- Việc giảm trần lãi suất huy động có giúp giảm lãi suất cho vay không, thưa ông?
- Việc giảm lãi suất đầu vào chỉ là một trong điều kiện để giảm lãi suất đầu ra. Muốn giảm lãi suất đầu ra thì các ngân hàng một mặt phải quản lý tốt hơn những chi phí của mình, thứ hai là nợ xấu không được nâng lên, thứ ba là dự trữ thanh khoản nhà nước yêu cầu không có sự thay đổi, cuối cùng là những mối quan hệ giữa ngân hàng với khách hàng. Có những khách hàng có rủi ro, thì không thể giảm thêm lãi suất nữa. Vì nguyên tắc của ngân hàng khi cho vay là lợi nhuận đi kèm với rủi ro.
- Hiện nay, nhiều người lại kỳ vọng tỷ giá tăng, nên băn khoăn giữa việc gửi tiền đồng và USD. Ông có quan điểm như thế nào về vấn đề này?
- Chênh lệch lạm phát của Việt Nam so với Hoa Kỳ khoảng 4%. Điều này cộng với điều chỉnh tỷ giá, thì lãi suất có thể lệch nhau khoảng 5%. Như vậy, thì lãi suất gửi USD và đồng Việt Nam gần như là bằng nhau. Nhưng người dân vẫn mặn mà gửi tiền đồng Việt Nam hơn, vì tin tưởãng tỷ giá sẽ giữ được ổn định và không lo ngại về rủi ro tỷ giá. Hơn nữa, người dân muốn có nhu cầu chi tiêu ngay lập tức thì rõ ràng dùng đồng VN để gửi vẫn thuận tiện để rút ra khi cần thiết. Điều này cũng phù hợp với lộ trình quản lý chống đô la hóa của Ngân hàng Nhà nước.
- Tức là theo ông thì từ nay đến cuối năm sẽ không điều chỉnh về tỷ giá và nếu điều chỉnh thì điều chỉnh ở mức độ không đáng kể?
- Năm nay Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra thông điệp từ đầu năm là có điều chỉnh tỷ giá thì tối đa là 2% thì cũng đã điều chỉnh 1% rồi. Cho nên Ngân hàng Nhà nước có thể điều chỉnh tối đa tăng 1% nữa thì tôi nghĩ khá là phù hợp với năm nay.
- Xin cám ơn chuyên gia!