Dư nợ cho vay phi sản xuất tại TPHCM đang chiếm 14% tổng dư nợ. Trong đó bất động sản chiếm khoảng 10,6%, tương đương 85.000 tỷ đồng.
Trong phiên trả lời chất vấn đại biểu tại kỳ họp thứ 7, Hội đồng nhân dân TPHCM khóa VIII hôm nay (6/12), Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, ông Tô Duy Lâm cho biết, theo chỉ thị 01 ngày 1/3/2011, dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất (gồm cả bất động sản) chỉ được chiếm 16% tổng dư nợ.

Theo đó, trên địa bàn TPHCM, dư nợ cho vay phi sản xuất đang chiếm 14% tổng dư nợ, dư địa còn khoảng 2%. Trong đó, dư nợ cho vay bất động sản chiếm khoảng 10,6% tổng dư nợ, tương đương khoảng 85.000 tỷ đồng, ông Lâm cho biết.

Từ tháng 4/2012, Ngân hàng Nhà nước đã loại trừ dư nợ cho vay một số nhu cầu như xây dựng, sửa chữa, mua nhà để ở, nhà để ở kết hợp với cho thuê... khỏi lĩnh vực không khuyến khích. Điều này có nghĩa cho vay bất động sản không còn hạn chế gắt gao như trước đây.

Tuy nhiên, theo ông Tô Duy Lâm, việc cho vay kinh doanh bất động sản vẫn cần điều hành phù hợp với nguồn vốn của ngân hàng nhằm đảm bảo tính thanh khoản, do hiện nay huy động của các tổ chức tín dụng chủ yếu là ngắn hạn trong khi vốn cho vay bất động sản chủ yếu là trung và dài hạn.

Đánh giá về tình hình tồn kho bất động sản trên địa bàn TPHCM, Phó Giám đốc Sở xây dựng Nguyễn Văn Danh cho biết, giá trị hàng tồn kho bất động sản trên địa bàn khoảng 30.000 nghìn tỷ đồng. Trong đó, có một số hàng tồn kho ở dạng đặc biệt như tồn kho 74 dự án chung cư, giá trị khoảng 24.000 tỷ đồng; tồn kho nhà thấp tầng 17 dự án, tương đương 2.400 tỷ đồng; tồn kho mặt bằng thương mại cho thuê hơn 1.000 tỷ đồng.

Theo ông Danh, hiện thị trường bất động sản nổi bật lên một số khó khăn như chính sách thắt chặt tiền tệ ảnh hưởng đến việc sản xuất trong bất động sản, hiện Nhà nước chưa có công cụ hỗ trợ hữu hiệu tháo gỡ khó khăn.

Các doanh nghiệp trên địa bàn mang tính nhỏ lẻ, thiếu tính chuyên nghiệp nên chiến lược về đầu tư chưa cao, ảnh hưởng đến chiến lược phát triển, cơ cấu hàng hóa bất động sản. Tiềm lực tài chính nhà đầu tư hạn chế, đa số phải thông qua tín dụng, hợp tác đầu tư.

Từ đó, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM nêu ra một số giải pháp khơi thông thị trường bất động sản. Với các giải pháp từ Trung ương, ông Danh cho biết, Chính phủ sẽ có Nghị định riêng về nhà tái định cư, nhà ở thu nhập thấp, tạo điều kiện chuyển đổi mục tiêu các dự án nhà ở, cơ cấu lại các sản phẩm, giúp tháo gỡ khó khăn hàng tồn kho.

Trung ương cũng sẽ chỉ đạo ngân hàng có lãi suất phù hợp để đảm bảo giảm nợ xấu, doanh nghiệp TPHCM tiếp cận được vốn vay ưu đãi. Có lãi suất riêng phù hợp với mua nhà thu nhập thấp, nhà xã hội. Cho phép người nước ngoài mua và sở hữu nhà tại Việt Nam.

Về phía TPHCM, trước mắt thành phố chỉ đạo cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được gia hạn nộp tiền thuê đất, được chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, ông Danh cho hay.

Theo Cục Thống kê TPHCM, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố cuối năm 2011 ước đạt 764.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM dự kiến tăng trưởng tín dụng năm 2012 trên địa bàn khoảng 5,4%, tính ra, dư nợ tín dụng đến cuối năm của thành phố ước 805.000 tỷ đồng. Như vậy, dư địa 2% cho vay phi sản xuất ước tính khoảng 16.000 tỷ đồng.

Số liệu thống kê cũng cho hay, tổng dư nợ tín dụng TPHCM cuối tháng 11 khoảng 797.600 tỷ đồng, tăng 4,4% so với cuối năm 2011. Riêng tháng 11, giải ngân vốn hỗ trợ sản xuất cung ứng hàng hóa mạnh giúp cho tín dụng trên địa bàn tăng trưởng 1%.

Lãnh đạo Sở Công thương thành phố cho biết, tính từ đầu năm đến nay, 30 ngân hàng thương mại trên địa bàn đã cam kết cho vay hỗ trợ sản xuất 28.300 tỷ đồng và hàng trăm triệu USD.

Theo Gafin
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.