13/10/2019 4:47 PM
Hàng loạt công trình hạ tầng thành hình hài, một vóc dáng của TPHCM năng động, lột xác phát triển từng ngày. Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển, việc xây dựng nhà ở xã hội để bố trí cho những hộ gia đình thu nhập thấp là nhu cầu hết sức bức thiết…

Cư dân đi dạo buổi chiều trong một dự án nhà ở xã hội tại huyện Bình Chánh,TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

“Mắc cạn” dự án đối tác công - tư

Những ngày này, hàng trăm khách hàng mua nhà tại dự án nhà ở xã hội tại số 35 Hồ Học Lãm (phường An Lạc, quận Bình Tân) tiếp tục lo lắng. Bởi vì dự án đã trễ hạn giao nhà hơn 2 năm, nay chủ đầu tư lại thông báo sẽ cho nhận nhà “kỹ thuật”, một khái niệm hoàn toàn xa lạ, vì không có trong luật pháp về nhà ở!

Năm 2015, UBND TPHCM chấp thuận phương án hợp tác công - tư xây dựng nhà ở xã hội tại địa chỉ này: Quỹ Phát triển nhà ở TPHCM (HOF) có đất sạch, Công ty cổ phần Tư vấn Thương mại Địa ốc Hoàng Quân (HQC) là đơn vị phát triển dự án. Cơ chế chia sẻ quyền lợi như sau, HOF nhận 254 căn hộ, HQC nhận 646 căn hộ. Với phương thức mới này, hy vọng thành phố sẽ có thêm giải pháp để tạo nhiều quỹ nhà cho người thu nhập thấp. Khi tung ra thị trường, căn hộ được tiêu thụ sạch sẽ, kế hoạch sẽ bàn giao nhà vào giữa năm 2017.

Tuy nhiên, khi dự án xây dựng đạt 80% thì không thể tiếp tục hoàn thành, rơi vào dang dở. Rất nhiều cuộc họp diễn ra giữa 3 bên: khách hàng - HOF - HQC; nhưng không có lối ra. Mới đây nhất, HQC hứa sẽ bàn giao nhà vào ngày 30-9, nhưng thực tế công trình hết sức ngổn ngang, người dân không chịu nhận căn hộ.

Trả lời với truyền thông, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị HQC, cho biết sẽ bàn giao nhà cho cư dân trong năm nay, nhưng chỉ là nhà “kỹ thuật”, đồng thời hồ sơ pháp lý sẽ nộp cho các cơ quan chức năng như Sở Xây dựng, Sở TN-MT và Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy… Tuy nhiên, luật không có khái niệm bàn giao nhà “kỹ thuật”, cư dân chỉ nhận nhà với điều kiện phải hoàn tất tòa nhà từ A đến Z, đồng thời phải có biên bản nghiệm thu của các cơ quan chức năng. Tất nhiên, ngày dọn về nhà mới của khách hàng chưa biết đến khi nào!

Theo lãnh đạo HQC, khi bắt tay hợp tác làm dự án này thì gói tín dụng 30.000 tỷ đồng (hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà thu nhập thấp và người mua nhà) đang thực thi. Chẳng bao lâu sau đó gói tín dụng kết thúc, đẩy công ty rơi vào khốn đốn, vì vốn phải tự xoay xở. Chủ đầu tư rơi vào hoàn cảnh khó khăn, người mua cũng rơi vào tình trạng tương tự, vay không được, không được hỗ trợ lãi suất. Đó là nguyên nhân dẫn tới dự án “gãy gánh nửa đường”.

Rõ ràng, giải pháp công - tư này bế tắc, không chỉ lệ thuộc về vốn, đặc biệt là trách nhiệm không rõ ràng: Thành phố là chủ đầu tư nhưng lại lệ thuộc hoàn toàn vào đơn vị phát triển dự án; quy trách nhiệm cho ai cũng không rõ; không ai đứng ra bảo vệ nghĩa vụ, quyền lợi của các bên.

Tháo gỡ vướng mắc cho nhà ở xã hội

Từ kết quả khảo sát thống kê, nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2016-2018 là 80.000 hộ. Ngoài ra, theo Sở Xây dựng, với quy định mới của Luật Nhà ở, chỉ có 2 loại nhà là nhà ở xã hội và nhà thương mại.

Nhà ở xã hội sẽ đóng vai trò bố trí tái định cư đối với hộ gia đình, cá nhân không đủ điều kiện bồi thường hoặc giá trị bồi thường không đủ để tự tạo lập nhà ở mới.

Đây là nhu cầu rất lớn, sẽ phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM. Thời gian qua, mặc dù thành phố nỗ lực rất nhiều để xây dựng nhà ở xã hội, nhưng số lượng nhà hoàn thành không đáp ứng nhu cầu người dân.

Hiện tại, theo Sở Xây dựng, thành phố đã có nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Bên cạnh việc khuyến khích các nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà ở xã hội, UBND TP đã chủ động rà soát quỹ đất do thành phố quản lý để mời gọi đầu tư xây dựng quỹ nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước.

Tuy nhiên, cái khó hiện nay là chưa có quy định về quy trình lựa chọn nhà đầu tư đối với các khu đất do Nhà nước quản lý, chưa có nguồn vốn ưu đãi để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia. Thành phố đã kiến nghị Bộ Xây dựng sớm tháo gỡ những khó khăn nói trên. Đầu tiên, bộ có hướng dẫn về quy trình lựa chọn nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đối với các khu đất công.

Về vốn, Bộ Xây dựng cần phối hợp các bộ, ngành trung ương tham mưu Chính phủ cân đối, bố trí vốn đầu tư phát triển cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay ưu đãi hỗ trợ đối với các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, cũng như người dân mua nhà…

Dưới góc nhìn doanh nghiệp đã và đang xây dựng nhà ở xã hội, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành, cho rằng cần phải có “chiếc đũa thần” nhiệm màu mới xoay chuyển cục diện chương trình nhà ở xã hội hiện nay. Về thủ tục, phải xóa hẳn để làm lại, bởi vì hiện nay các bước phê duyệt đầu tư dự án nhà ở xã hội giống y chang nhà ở thương mại, điều này đã kéo dài việc thực hiện dự án, nhiêu khê và gây mệt mỏi cho doanh nghiệp. Thứ hai, cần có nguồn vốn cố định để kích cầu phát triển, bởi với cách làm rót vốn nhỏ giọt hiện nay thì khó hy vọng có được quỹ nhà giá thấp đáp ứng yêu cầu xã hội.
Lương Thiện (SGĐTTC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.