02/10/2023 2:24 PM
Theo TS. Cấn Văn Lực, ngành Ngân hàng Việt Nam năm 2023 và 2-3 năm tới có một số thuận lợi song vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của bối cảnh quốc tế và các vấn đề nội tại.

Ngành ngân hàng dự báo phải đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới. Ảnh minh hoạ

4 thách thức lớn nhất

Trong Báo cáo Vietnam CEO Insight 2023 của Vietnam Report, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho biết, những thuận lợi của ngành ngân hàng bao gồm: Kinh tế thế giới được dự báo chỉ suy thoái vừa phải và ngắn hạn. Trung Quốc mở cửa trở lại sau 3 năm đóng cửa để phòng chống dịch Covid-19 có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế thế giới và Việt Nam, nhất là đối với hoạt động thương mại, FDI và du lịch, giúp giảm thiểu đáng kể ảnh hưởng từ việc kinh tế thế giới tăng chậm lại.

Trong bối cảnh đó, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam định hướng chính sách tiền tệ nới lỏng (giảm lãi suất), cùng với đó, lạm phát giảm dần, tỷ giá cơ bản ổn định, thanh khoản hệ thống ngân hàng cải thiện rõ rệt…

Chính sách tiền tệ phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá mở rộng có trọng tâm, trọng điểm với nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp như giãn hoãn thuế, tiền thuê đất,…

Một động lực tăng trưởng khác là lĩnh vực tiêu dùng. Theo ông Lực, nếu tiêu dùng tăng 1% sẽ giúp GDP tăng thêm 0,2 điểm %. Đồng thời, các động lực tăng trưởng từ kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh đang được quan tâm thúc đẩy, cùng với nhiều chính sách tháo gỡ vướng mắc cho thị trường vốn, đất đai, xây dựng và bất động sản… tạo điều kiện cho các thị trường này phục hồi dần và lành mạnh hoá, phát triển bền vững hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, theo ông Lực vẫn có những rủi ro trong và ngoài nước có thể tác động tiêu cực. Đó là rủi ro địa chính trị, rủi ro tài khoá (nợ công, nợ tư, thâm hụt ngân sách) vẫn ở mức cao, rủi ro thị trường tài chính – tiền tệ gia tăng sau các vụ đổ vỡ một số ngân hàng ở Mỹ và Thuỵ Sỹ vừa qua… Sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp khó khăn…

Từ đó, dự báo về những xu hướng chính và lợi nhuận của ngành ngân hàng trong năm 2023, ông Lực cho rằng, xu hướng giảm lãi suất là rõ nét, kéo theo giảm biên lợi nhuận của ngành. Đến cuối tháng 6/2023, lãi suất huy động và cho vay đã giảm khoảng 1,5-2%/năm so với đầu năm theo định hướng chung của Chính phủ và 4 lần giảm lãi suất điều hành của NHNN.

Trong thời gian tới, mặt bằng lãi suất cho vay kỳ vọng giảm tiếp trong khi lãi suất huy động khó có thể giảm sau được vì e ngại người dân dịch chuyển sang đầu tư kênh khác nếu lãi suất tiền gửi giảm sâu) khiến biên lợi nhuận cho vay tiếp tục thu hẹp.

“Thực tế biên lãi cho vay ròng (NIM) của toàn hệ thống ngân hàng đã giảm từ mức 3,3% năm 2022 xuống còn 3% hiện nay và có thể còn thấp hơn”, ông Lực cho hay.

Bên cạnh đó, theo ông Lực xu hướng chuyển đổi số, xanh hoá trong hệ thống ngân hàng tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, giúp các tổ chức tín dụng (TCTD) tăng trải nghiệm khách hàng và hiệu quả kinh doanh.

Theo BDA Partners (2022), quy mô thị trường dịch vụ tài chính số Việt Nam sẽ đạt khoảng 3,8 tỷ USD vào năm 2025 với tốc độ tăng trưởng bình quân là 38%/năm, nhanh nhất là khu vực ASEAN.

Về lợi nhuận, ông Lực dự báo lợi nhuận các ngân hàng sẽ tăng ở mức thấp hơn trong năm 2023 và sẽ chỉ tăng nhẹ trong 1-2 năm tới. Xu hướng giảm lãi suất cho vay trong khi nguồn vốn huy động vẫn còn nhiều khoản có lãi suất cao (từ tháng 11.2022) dẫn đến thu nhập lãi biên của các TCTD có xu hướng giảm như trên.

Đồng thời, một số vụ việc tranh chấp liên quan đến sản phẩm bảo hiểm liên kết giữa các công ty bảo hiểm và ngân hàng hoặc các đại lý khác, chủ yếu xảy ra đối với sản phẩm liên kết đầu tư có thể gây ảnh hưởng đến kết quả dịch vụ của các TCTD từ nay đến cuối năm.

Ông Lực nhấn mạnh có 4 thách thức lớn nhất mà ngành ngân hàng thời gian tới phải đối diện, đó là rủi ro nợ xấu gia tăng, biên lợi nhuận giảm, áp lực tăng vốn, ổn định và an toàn hệ thống.

Trong đó, áp lực tăng vốn vẫn luôn hiện hữu trong hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM), đặc biệt với các NHTM có sở hữu Nhà nước).

Tính đến cuối tháng 3.2023, hệ số an toàn vốn (CAR) của nhóm NHTM có sở hữu Nhà nước là 9,57%, nhóm NHTPCP là 11,58%, dù đã tăng nhưng vẫn kháp thấp so với chuẩn mực Basel II và cá NHTM khu vực (khoảng 12-14%), trong khi đó việc thực hiện các giải pháp tăng vốn trong giai đoạn hiện nay còn gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, theo ông Lực, điểm tích cực là các NHTM đều có kế hoạch tăng vốn trong năm nay và 1-2 năm tới.

Đối với vấn đề ổn định và an toàn hệ thống TCTD hiện nay, ông Lực cho rằng điều này là quan trọng trong bối cảnh nhiều NHTM trung bình và nhỏ đã sụp đổ tại Mỹ và Thuỵ Sỹ thời gian qua, rủi ro liên thông giữa thị trường ngân hàng – trái phiếu doanh nghiệp – bất động sản cũng khiến các NHTM Việt Nam đứng trước nguy cơ giảm chất lượng tài sản, giảm giá trị tài sản đảm bảo là bất động sản do biến động trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản trong thời gian vừa qua.

Các ngân hàng nên làm gì?

Để vượt qua những thách thức trên, theo ông Lực các ngân hàng cần nâng cao nặng lực chống chịu rủi ro thông qua việc thực hiện đầy đủ việc trích lập dự phòng rủi ro (DPRR) theo yêu cầu của NHNN, tiến tới áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao, rồi Basel III từ năm 2026.

“Việc áp dụng phương pháp nâng cao sẽ giúp đánh giá đúng mức độ rủi ro tín dụng của từng khoản vay, thay vì cả lĩnh vực như trong Thông tư 22/2019 hoặc phương pháp tiêu chuẩn (SA) theo Thông tư 41/2016”, ông Lực nói.

Tiếp đó, cần tập trung thay đổi cơ cấu thu nhập theo hướng gia tăng nguồn thu từ các hoạt động phi tín dụng, nhất là hoạt động tư vấn đầu tư, dịch vụ khách hàng giàu có, nâng cao chất lượng bán chéo sản phẩm, thâm anh nền khách hàng hiện hữu tốt hơn.

Ngoài ra, các NHTM cần đẩy mạnh chuyển đổi số thực sự nhằm tăng trải nghiệm khách hàng, nâng cao hiệu quả hoạt động, tiết giảm chi phí cũng như đảm bảo an toàn, bảo mật dữ liệu khách hàng…

Cùng với đó, cần xây dựng kế hoạch và quyết liệt triển khai các biện pháp tăng vốn. Đồng thời tăng cường quản trị rủi ro, đẩy mạnh cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấy theo đề án được duyệt. Cuối cùng là quan tâm phát triển nguồn lực chất lượng, có đủ tâm và tầm, trong đó vấn đề văn hoá doanh nghiệp và môi trường làm việc cởi mở, lắng nghe, thấu hiểu khách hàng… “Đó là những việc rất nên làm hiện nay và sắp tới”, ông Lực nhấn mạnh.

Chủ đề: Nợ xấu ngân hàng
  • Vụ Tân Hoàng Minh: Kiến nghị rà soát tổng thể các ngân hàng thương mại

    Vụ Tân Hoàng Minh: Kiến nghị rà soát tổng thể các ngân hàng thương mại

    Liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các đơn vị, tổ chức có liên quan, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành Kết luận điều tra đề nghị truy tố Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh cùng 14 bị can khác về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; đồng thời, kiến nghị hàng loạt nội dung nhằm bịt kín những “lỗ hổng” trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Khiêm Phạm
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.