Dự báo lãi suất sẽ tiếp tục căng thẳng trong nửa đầu năm 2023 và áp lực sẽ dần được giải toả trong 6 tháng cuối năm. Ảnh minh hoạ
Nóng cuộc đua lãi suất huy động
Năm 2022, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác đối mặt với nhiều thách thức từ điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt, xung đột địa chính trị và tình trạng suy giảm tăng trưởng tại một số nền kinh tế lớn hàng đầu như Mỹ, Trung Quốc…
Lạm phát cao là một trong những thách thức chính sách mà các Ngân hàng trung ương nói chung Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nói riêng đã và đang phải đối mặt hiện nay.
“Tâm lý kỳ vọng lạm phát ở Việt Nam cũng khá cao so với các nước trong khu vực; hay với vấn đề lãi suất, nếu giảm lãi suất hoặc giữ mặt bằng lãi suất ổn định trong khi lãi suất thế giới cao thì nhà đầu tư có xu hướng chuyển dịch về nơi lãi suất cao, khi đó sẽ áp lực đến tỷ giá, đồng VND sẽ mất giá...”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, bà Nguyễn Thị Hồng nhận định.
Trong lịch sử mấy chục năm gần đây, lãi suất của hệ thống ngân hàng Việt Nam từng tăng lên rất cao. Đơn cử, thời kỳ chống siêu lạm phát 800% năm 1989-1991, lãi suất được ấn định 12%/tháng (144%/năm) để hút tiền về.
Giai đoạn 2011-2012, lạm phát cao quay lại, thanh khoản hệ thống ngân hàng bị đe dọa, lãi suất liên ngân hàng đẩy lên tới gần 40%/năm; huy động tới 18-22%/năm, cho vay tới 24-27%/năm.
Năm 2022, dưới áp lực của lạm phát và chính sách thắt chặt tiền tệ, mặt bằng lãi suất cao giờ đây lại có nguy cơ lặp lại. Càng về cuối năm, áp lực càng lớn. Tính đến cuối tháng 10.2022, tăng trưởng huy động mới chỉ đạt 4,8%, thấp hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng 11,5%.
“Nguồn vốn huy động suy yếu khiến trạng thái thanh khoản trở nên căng thẳng và mặt bằng lãi suất tăng lên. Lãi suất liên ngân hàng và lợi suất trái phiếu chính phủ tăng mạnh”, các chuyên gia của ACBS nhận định.
Giữa tháng 12, ABBANK công bố mức lãi suất cho kỳ hạn 13 tháng lên tới 11,5%. Hiện Saigon Bank áp dụng mức lãi suất 10,5% cho kỳ hạn 13 tháng. Mức lãi suất từ 9% trở lên đã phổ biến tại nhiều ngân hàng thương mại.
Trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã tăng lãi suất điều hành 2 lần, mỗi lần 1% đưa lãi suất về tương đương giai đoạn trước dịch.
"Để giữ cho VND không bị mất giá quá lớn, gây bất ổn vĩ mô, Ngân hàng Nhà nước đã tăng lãi suất để duy trì sức hấp dẫn của VND", Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết. Động thái này giúp hỗ trợ ổn định tỷ giá trong bối cảnh đồng USD tăng giá mạnh gây áp lực mất giá lên hầu hết các đồng tiền trên thế giới.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng mức tăng lãi suất 2 lần, mỗi lần 1% đưa lãi suất về tương đương giai đoạn trước dịch là phù hợp với xu hướng toàn cầu. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương lớn như Fed đã tăng lãi suất 6 lần trong năm 2022 với tổng mức tăng là 3,75%, đưa lãi suất về gấp đôi mức trước dịch. Như vậy, lãi suất tăng là hợp lý để kiểm soát lạm phát và ổn định nguồn vốn cho hệ thống ngân hàng, hỗ trợ ổn định tỷ giá.
Ngày 5.12, Ngân hàng Nhà nước công bố nới room tín dụng thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Điều này tương đương với việc 240.000 tỉ đồng tín dụng vừa được cung ứng cho nền kinh tế.
Ngân hàng bất ngờ giảm lãi suất cho vay
Trái ngược với động thái tăng lãi suất huy động để hút tiền về thì nhiều ngân hàng lại công bố giảm lãi suất cho vay trong những tuần cuối cùng của tháng 12.2022.
HDBank dành 120 tỉ đồng để giảm lãi suất cho vay VND cho hơn 43.000 khách hàng ở nhiều lĩnh vực kinh doanh. Agribank giảm tiếp 20% so với lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng cuối năm 2022. Cụ thể, đối với dư nợ phát sinh từ 01/12/2022 đến 31/12/2022. Agribank giảm tối đa 20% so với mặt bằng lãi suất đang áp dụng với từng đối tượng, lĩnh vực.
Vietcombank giảm lãi suất tới 1%/năm đối với các khoản vay cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân hiện hữu. Thời gian triển khai từ 1/11 đến hết 31/12/2022. ABBank công bố lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh chỉ 5,5%/năm, dành riêng cho các khách hàng có nhu cầu vay vốn ngắn hạn bằng VND phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc một số lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên. Chương trình có thời hạn đến 31/12/2023 với tổng hạn mức 350 tỉ đồng.
Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cho biết 12 ngân hàng cam kết giảm tiền lãi với số tiền hơn 3.300 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp người dân với mức giảm từ 0,5 - 3%/năm để hỗ trợ nền kinh tế.
Lý giải cho động thái trên, các chuyên gia cho rằng nhiều ngân hàng bước vào cuộc đua giảm lãi suất cho vay để kỳ vọng năm 2023 sẽ được cấp room tín dụng nhiều hơn. Cụ thể, chủ trương Ngân hàng Nhà nước là ngân hàng nào giảm lãi suất cho vay sẽ được cân nhắc việc phân bổ thêm room tăng trưởng tín dụng. Vì thế, dù chi phí đầu vào tăng mạnh, các ngân hàng bước vào cuộc đua giảm lãi suất cho vay.
Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết việc phân bổ tín dụng lần này có thể được xem là một trong những chính sách khuyến khích các ngân hàng thương mại tập trung huy động vốn và giảm lãi suất, tạo điều kiện rất thuận lợi, tích cực kể cả về nguồn vốn, lãi suất cho doanh nghiệp, cho các dự án, chương trình cần thiết của nền kinh tế.
Xu hướng lãi suất năm 2023
“Tình trạng khát vốn của các doanh nghiệp dự báo sẽ tiếp tục căng thẳng do kênh huy động từ trái phiếu doanh nghiệp hiện đang bị tắc nghẽn. Do đó, các doanh nghiệp sẽ phải phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Nhu cầu tín dụng ở mức cao trong khi hạn mức tín dụng vẫn bị kiểm soát bởi Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục gây áp lực lên lãi suất cho vay”, chuyên gia ACBS nhận định.
Đồng quan điểm trên, chuyên gia VNDirect nhận định "lãi suất tiền gửi tiếp tục chịu áp lực tăng trong nửa đầu năm 2023". Lý do chính là việc hạn chế thanh khoản trong bối cảnh khủng hoảng niềm tin trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Thêm vào đó, nhu cầu huy động vốn của các ngân hàng tăng mạnh để đảm bảo các chỉ tiêu an toàn vốn cũng như đáp ứng nhu cầu vay tăng cao của nền kinh tế.
Cuối cùng, tăng trưởng tiền gửi đã chậm hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng kể từ đầu năm 2022, do đó các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động để thu hút thêm tiền gửi.
Dự báo về lãi suất năm 2023, dù một số chuyên gia nhận định với tình hình chạy đua huy động như hiện nay, lãi suất huy động có thể lên mức từ 13-15%/năm, lãi suất cho vay sẽ từ 19-20%/năm. Hiện không ít công ty, đặc biệt là doanh nghiệp BĐS bị ảnh hưởng bởi không tiêu thụ được hàng, lãi suất vay ngân hàng quá cao nên khó trụ được, nợ xấu ngân hàng sẽ tăng nên các ngân hàng phải cần tăng lãi suất và các loại phí để bù vào.
Trao đổi với phóng viên, một Giám đốc chi nhánh NHTM đặt câu hỏi “Với tình trạng của các doanh nghiệp hiện nay thì doanh nghiệp nào chịu được mức tăng thêm của lãi suất?”
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định: “Lãi suất thực cao như vậy cũng đồng nghĩa với việc làm xói mòn rất nhanh chóng nền tảng tài chính của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp trên tất cả các lĩnh vực kể cả bất động sản đều gặp khó khăn. Đặc biệt là doanh nghiệp nhập khẩu, vừa lãi suất cao vừa "gánh" áp lực lớn từ tỷ giá hối đoái. Nếu tiếp tục tăng lãi suất, doanh nghiệp nào chịu đựng nổi?".
Chuyên gia của VNDirect dự báo áp lực lên lãi suất và tỷ giá phần nào sẽ được giải tỏa từ giữa năm 2023. “Sức mạnh đồng USD vẫn sẽ duy trì ở mức tương đối trong cả năm 2023. Song chúng tôi nhận định sự kết hợp giữa hai xu hướng Fed “bớt diều hâu” hơn từ giữa 2023 và dự trữ ngoại hối Việt Nam cải thiện sẽ chặn đà giảm giá của VND, đồng thời hé mở khả năng tỷ giá cuối năm 2023 sẽ giảm 1-2% (so với mức hiện tại). Dự trữ ngoại hối dự báo sẽ hồi phục lên mức 102 tỉ USD vào cuối 2023, từ mức ~89 tỉ USD hiện nay”.
Có thể thấy bài toán lãi suất chắc chắn sẽ còn là vấn đề rất khó khăn trong năm 2023.
“Lãi suất là một loại giá đặc biệt của nền kinh tế. Nó phản ánh cung cầu của tiền, thể hiện sự điều hành kinh tế vĩ mô đạt được ở tầm kỹ trị cao, thể hiện cái tầm về sự phối hợp trong điều hành của 2 chính sách quan trọng nhất trong nền kinh tế là chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Và trên tất cả, điều rất cần là sự cải cách về tư duy cũng như cung cách điều hành từ hai cơ quan Bộ Tài chính Và Ngân hàng Nhà nước”, chuyên gia Phạm Xuân Hòe, nguyên Viện phó Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) nhận định.
-
Nhìn lại hai đợt tăng lãi suất trong năm 2022
Trước sức nóng của đồng USD trên thị trường quốc tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những hành động quyết liệt để kiểm soát lạm phát và cân bằng tỷ giá.
-
IMF: Thuế quan của ông Trump sẽ đẩy lãi suất toàn cầu lên cao
Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva, vừa đưa ra cảnh báo rằng các mối đe dọa về thuế quan từ Tổng thống đắc cử Donald Trump đang khiến chi phí vay dài hạn trên toàn cầu tăng cao....
-
Chuyên gia tài chính: “Nếu bạn đặt tiền đúng nơi, năm 2025 sẽ là một năm thuận lợi cho người tiết kiệm”
Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra dự báo giảm tốc độ hạ lãi suất trong năm 2025...
-
Vì sao Trung Quốc tránh giảm nhanh lãi suất?
Trung Quốc tránh cắt giảm lãi suất quá nhanh, đồng thời hút về lượng tiền mặt lớn nhất kể từ năm 2014 thông qua một công cụ chính sách.