05/01/2019 7:11 PM
CafeLand - Trong buổi hội thảo do Học viện Tài chính tổ chức về diễn biến thị trường, giá cả năm 2018 và dự báo năm 2019, đa số các chuyên gia tài chính đều có chung nhận định rằng, năm 2019 thị trường, giá cả sẽ tiếp tục ổn định, giữ được mục tiêu lạm phát dưới 4% như mục tiêu Quốc hội đề ra.

TS. Lê Quốc Phương, Trung tâm thông tin Công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương), dự báo CPI năm 2019 sẽ tiếp tục được kiểm soát dưới 4%. Ông phân tích, dù năm 2018 trải qua nhiều biến động lớn của kinh tế thế giới, nhưng Việt Nam vẫn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô và đạt được nhiều thành quả tích cực.

“Việt Nam là một trong những nước có độ mở của nền kinh tế lớn nhất thế giới, bằng 200% GDP; xuất khẩu tương đương 100% GDP, nhập khẩu cũng gần tương đương 100% GDP. Trong điều kiện thế giới năm 2018 phải đổi mặt với nhiều biến động lớn, nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt được nhiều thành công, điểm sáng vẫn là nổi bật”, ông Phương nói.

TS. Lê Quốc Phương, Bộ Công thương

Cụ thể, GDP năm 2018 đạt mức 7,08%, tăng gấp đôi lạm phát (3,54%); tín dụng được kiểm soát tốt ở mức 13,3%; tiền đồng chỉ mất giá 2,74% trong bối cảnh Fed tăng lãi suất 4 lần trong năm 2018, nhiều đồng tiền trên thế giới mất giá tới 10-15%; dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục.

Theo ông Phương, CPI bốn năm trở lại đây duy trì ở mức thấp; lạm phát cơ bản 3 năm gần đây đều dưới 2%. “Đây là tiền đề tốt để duy trì CPI thấp năm 2019”, ông Phương phát biểu.

Ông Phương cho rằng, cung hàng hoá hiện nay tương đối dồi dào sẽ không tạo cơn biến động giá trong thời gian tời. Cùng với kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, tạo dư địa cho Chính phủ kiềm chế lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng; xuất siêu liên tục từ 2012 đến nay, trừ 2015, giúp tỷ giá ổn định; dự trữ ngoại hối tăng cao kỷ lục tạo công cụ ổn định giá.

Chỉ ra một số điểm bất lợi cho chỉ số giá tiêu dùng, ông Phương cho rằng có một số điểm cần lưu ý: Fed dự kiến tăng lãi suất thêm 2 lần trong năm 2019; mục tiêu tăng trưởng GDP trong nước tương đối cao đòi hỏi vốn lớn, tín dụng cao; một số địa phương sẽ tiếp tục tăng giá dịch vụ y tế giáo dục; giá điện có thể tăng trong năm 2019.

Theo ông Phương, để giữ được lạm phát dưới 4%, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện chiến sách kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô đã được thực hiện từ năm 2011; kết hợp phục hồi tăng trưởng với việc nới lỏng tiền tệ và chính sách tài khoá ở mức độ hợp lý; phối hợp giữa các địa phương trong việc tăng giá dịch vụ công tránh cộng hưởng giá; đảm bảo nguồn cung hàng hoá, tránh tăng giá đột biến; thực hiện bình ổn giá vào dịp lễ tết lớn; cân nhắc thận trọng việc tăng thuế môi trường.

Nếu thực hiện tốt các giải pháp trên, ông Phương khẳng định, năm 2019 có thể đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%.

Đồng thuận với ý kiến của ông Phương, đa số các chuyên gia tài chính có mặt tại buổi hội thảo đều nhận định rằng năm 2019 là năm có nhiều thách thức cho nền kinh tế nhưng cũng có dư địa lớn để đảm bảo kiềm chế lạm phát dưới 4% đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

Đóng góp tham luận cho hội thảo, TS. Vũ Đình Ánh, Viện Kinh tế tài chính, dự báo năm 2019 sẽ lặp lại kịch bản tương tự năm 2018, tuy có yếu tố giá nhiên liệu tăng cao hơn nhưng nếu rút được những bài học kinh nghiệm quản lý điều hành từ quá khứ thì mục tiêu lạm phát dưới 4% không phải là không thể.

Đình Vũ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.