Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019, Chính phủ nêu rõ sẽ củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế là nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong năm 2019.
Các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể gồm: điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, nhất quán mục tiêu xuyên suốt là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Tiếp tục điều hành lãi suất, tỷ giá linh hoạt, phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và yêu cầu quản lý. Giữ ổn định thị trường ngoại tệ, thị trường vàng. Tăng trưởng tín dụng đi đôi với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; có giải pháp tín dụng phù hợp đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng trong các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và việc huy động, cho vay bằng ngoại tệ; củng cố dự trữ ngoại hối nhà nước.
Thực hiện hiệu quả nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020; có giải pháp để tăng vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại nhà nước chiếm cổ phần chi phối.
Phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 2% và tỷ lệ nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu (gồm nợ xấu, nợ xấu đã bán cho VAMC hiện chưa xử lý được và các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu) dưới 5%. Tạo chuyển biến căn bản về quản trị ngân hàng, hiệu quả và an toàn hoạt động.
Tập trung xử lý có hiệu quả các tổ chức tín dụng yếu kém và nợ xấu theo nguyên tắc thị trường, không hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và thị trường tiền tệ. Thúc đẩy áp dụng Chuẩn mực an toàn Basel II. Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; thực hiện thí điểm các mô hình thanh toán mới, các doanh nghiệp công nghệ tài chính (fintech), nghiên cứu việc nạp tiền vào ví điện tử không thông qua tài khoản ngân hàng và áp dụng công nghệ mới, giải pháp đổi mới sáng tạo vào lĩnh vực ngân hàng.
Cũng tại nghị định này, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì triển khai một số nhiệm vụ, đề án trình Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ ban hành trong năm 2019 như nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng chống rửa tiền; chiến lược tài chính toàn diện quốc gia; nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt; nghị định về ban hành danh mục vốn pháp định của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Xử lý nợ xấu luôn tục là nhiệm vụ trọng tâm không chỉ của ngành ngân hàng mà toàn nền kinh tế trong nhiều năm trở lại đây. Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của Quốc hội đã ra đời và có hiệu lực được hơn 1 năm. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại theo nhận định của đa số các chuyên gia tài chính, thì kết quả không đạt được như kỳ vọng.
Sau 5 năm hoạt động, VAMC đến nay đã mua hơn 26.000 khoản nợ xấu thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt với giá mua hơn 280.000 tỉ đồng của hơn 16.000 khách hàng từ 42 TCTD. Số nợ xấu được xử lý, thu hồi qua VAMC hơn 86.000 tỉ đồng. Kết quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 tình đến 30/6/2018: Hệ thống TCTD đã xử lý được khoảng 138.000 tỉ đồng nợ xấu. Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng là 70.000 tỉ đồng, xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là khoảng 21.600 tỉ đồng và các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt khoảng 46.500 tỉ đồng. |