09/01/2013 10:16 AM
Đầu năm 2013, đã xuất hiện những tín hiệu tích cực ở một vài dự án tỷ USD, còn tại nhiều dự án khủng khác, việc triển khai đầu tư vẫn đang ở thì tương lai.

Số dự án tỷ USD được tái khởi động, như trường hợp Thép Formosa, hiện rất khiêm tốn. Ảnh: Ngọc Linh

Thông tin chưa được tiết lộ chi tiết, song hôm qua (8/1/2013), theo nguồn tin riêng của Báo Đầu tư, VinaCapital đã làm việc với Ban quản lý Khu tinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) về Dự án Nam Hội An, vốn đầu tư 4 tỷ USD. Một trong những nội dung quan trọng nhất của buổi làm việc này là việc VinaCapital giới thiệu đối tác mới của mình trong Dự án Nam Hội An, thay thế cho Genting Malaysia Berhad (Malaysia) - nhà đầu tư đã tuyên bố rút khỏi Dự án.

Một thông tin khác, theo dự kiến, ngày mai (10/1), UBND tỉnh Bình Định sẽ cùng Tập đoàn Dầu khí Thái Lan làm việc với Bộ Công thương về Dự án Lọc hóa dầu Bình Định, vốn đầu tư 27 tỷ USD. Chưa được cấp chứng nhận đầu tư, vẫn đang trong quá trình đề xuất (vào cuối tháng 12/2012, UBND tỉnh Bình Định đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xin chủ trương đầu tư cho Dự án), song thời gian qua, Lọc hóa dầu Bình Định không khỏi khiến dư luận băn khoăn về tính khả thi của nó, bởi có số vốn đầu tư quá lớn.

Hai thông tin trên, mặc dù chưa thật rõ ràng, song ít nhiều đã mang lại những tín hiệu vui đầu năm mới 2013 về các dự án tỷ USD, nối tiếp một năm 2012 được cho là có sự chuyển động khá tích cực của các dự án có vốn đầu tư khủng này.

Sau một thời gian phải tạm ngừng triển khai do chủ đầu tư khó khăn về tài chính, năm 2012, nhiều dự án tỷ USD đã khởi động trở lại, như Dự án Tây Hồ Tây (2,5 tỷ USD), Hồ Tràm Strip (4 tỷ USD), Thép Formosa (9,8 tỷ USD)… Đặc biệt, Tokyu Bình Dương, vừa được cấp chứng nhận đầu tư, đã ngay lập tức triển khai xây dựng.

Trong số đó, giai đoạn I của MGM Grand Hồ Tràm, khu nghỉ dưỡng đầu tiên trong cụm tổ hợp 5 khu nghỉ dưỡng tích hợp đã hoàn thành sớm hơn dự kiến - vào tháng 12/2012 và chính thức khai trương vào đầu năm 2013. “Chúng tôi sẽ giữ đúng cam kết đầu tư của mình và trong vòng 10 năm tới, sẽ đầu tư 4 tỷ USD vào dự án này”, ông Lloyd Nathan, Tổng giám đốc điều hành Asian Coast Development Ltd (ACDL), chủ đầu tư Dự án Hồ Tràm Strip khẳng định.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo Ban quản lý KCN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, Dự án thép China Steel Sumikin, vốn đầu tư 1,15 tỷ USD sẽ sớm đi vào hoạt động trong nửa đầu năm 2013. “Dự án này đã hoàn tất việc xây dựng nhà máy và đang trong quá trình lắp đặt máy móc, thiết bị”, vị này nói và cho biết, khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 1.200 lao động và cung cấp 1,6 triệu tấn thép/năm ra thị trường. Sản phẩm thép của nhà máy này, bao gồm thép tấm cán nóng bản dày, thép tấm cán nóng, thép cán nguội, thép lá điện từ, thép cuộn, sẽ phục vụ các ngành công nghiệp đóng tàu, chế tạo máy, ô tô, xe máy, điện - điện tử…

Những động thái trên của các dự án tỷ USD có thể nói là khá tích cực trong những ngày đầu năm mới 2013, song đây chỉ là những chuyển động của một số ít dự án. Phần lớn trong tổng số 24 dự án tỷ USD đã được cấp phép từ năm 2007 đến nay, ngoại trừ các dự án đã bị rút giấy phép và giải thể trước hạn, như Liên hợp Thép Cà Ná (Ninh Thuận), 9,8 tỷ USD; Bãi Biển Rồng, 4 tỷ USD; Thành phố Sáng tạo Nam Phú Yên, vốn đăng ký 1,68 tỷ USD; Công viên Thế giới kỳ diệu, 1,3 tỷ USD..., việc triển khai đầu tư vẫn đang ở… “thì” tương lai.

Ngay cả Lọc dầu Vũng Rô, 3,1 tỷ USD, những tưởng sẽ nhanh chóng triển khai sau khi ký kết Hợp đồng mua bản quyền công nghệ và thiết kế kỹ thuật tổng thể với UOP LLC (thuộc Tập đoàn A HoneyWell - Mỹ) từ hồi tháng 8/2012, nhưng tới nay, Dự án vẫn chưa được khởi động. Mặc dù, theo thông tin của Báo Đầu tư, hợp đồng EPC cũng đã được ký kết, song một lần nữa, kế hoạch khởi công Dự án có thể bị lùi lại tới khoảng giữa năm 2013.

Thẳng thắn hơn nữa, dù có những tín hiệu tích cực, song việc hoàn thành các dự án tỷ USD nói trên cũng vẫn đang ở thì tương lai. Đó là chưa kể, hàng loạt dự án tỷ USD khác, như Thép Guang Lian (Quảng Ngãi), 3 tỷ USD và đang xin nâng vốn lên 4,5 tỷ USD; Thành phố mới Nhơn Trạch Berjaya (Đồng Nai), 2 tỷ USD; Thép Kobelco (Nghệ An), 1 tỷ USD; Saigon Atlantis Hotel (Bà Rịa - Vũng Tàu), 4,1 tỷ USD; Starbay (Phú Quốc, Kiên Giang), 1,6 tỷ USD; Nhiệt điện Hải Dương, 2,25 tỷ USD… vẫn đang giậm chân tại chỗ.

Rõ ràng, không phải không có lý khi dư luận tỏ ra băn khoăn về sự mong manh của các dự án này.

  • Thị trường bất động sản 2013: cơ hội cho người mua

    Thị trường bất động sản 2013: cơ hội cho người mua

    “Bất động sản rơi vào tình trạng chết lâm sàng như bây giờ phần lớn là do các doanh nghiệp thiếu chuyên nghiệp, ăn xổi ở thì”. Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã nói như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị những ngày đầu năm 2013.

  • Đâu rồi khu công nghiệp?

    Đâu rồi khu công nghiệp?

    Tập đoàn Khang Thông và Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam được UBND tỉnh Tiền Giang giao hàng trăm hecta đất để làm khu công nghiệp, thế nhưng nhiều năm nay, hai khu công nghiệp có quy mô hơn 550 ha bị bỏ hoang.

Theo Nguyên Đức (Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.