UBND tỉnh Tiền Giang vừa có văn bản giao Ban Quản lý các KCN tỉnh thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án KCN Bình Đông do Công ty CP Tập đoàn Khang Thông làm chủ đầu tư (Tập đoàn Khang Thông). Nguyên nhân thu hồi là do giấy chứng nhận đầu tư KCN này đã được cấp từ tháng 1-2010 nhưng đến nay, chủ đầu tư vẫn không triển khai dự án.
Khu đất được giao cho Tập đoàn Khang Thông làm KCN bị bỏ hoang 3 năm nay
Tập đoàn Khang Thông xin lại… 5 tỉ đồng
KCN Bình Đông nằm ven sông Vàm Cỏ trên địa bàn xã Bình Đông, thị xã Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. KCN này có tổng diện tích quy hoạch là 260,5 ha, trong đó KCN chiếm 211,83 ha, đường kết nối Quốc lộ 50 đến KCN 4,5 ha, khu tái định cư 44,2 ha.
KCN Bình Đông quy hoạch chủ yếu các ngành sản xuất tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp nhẹ ít gây ô nhiễm môi trường như: cơ khí, lắp ráp ô tô, chế biến lương thực, thực phẩm, may mặc, dệt, lắp ráp điện tử, đồ gia dụng, hàng kim loại, chế biến nông sản, đồ gốm, các sản phẩm sản xuất từ gỗ...
Tháng 1-2010, Tập đoàn Khang Thông đã khảo sát, sau đó xin đăng ký đầu tư và đã được UBND tỉnh Tiền Giang chấp thuận cấp phép đầu tư. Tập đoàn Khang Thông cũng đã lên kế hoạch đền bù cho gần 500 hộ dân sinh sống trong vùng KCN này. Tuy nhiên hơn 3 năm nay, người dân không biết chủ đầu tư có xúc tiến thành lập KCN hay không nên không dám đầu tư sản xuất.
Mới đây, Tập đoàn Khang Thông đã có văn bản gửi UBND tỉnh Tiền Giang xin hoàn lại dự án để người dân ổn định đời sống. Trong văn bản này, Tập đoàn Khang Thông nêu lý do trả dự án là do ảnh hưởng suy thoái kinh tế, cầu Mỹ Lợi và đường vào KCN, hệ thống cấp thoát nước chưa được đầu tư dẫn đến việc đầu tư KCN kéo dài.
Cũng trong văn bản này, lãnh đạo Tập đoàn Khang Thông xin UBND tỉnh Tiền Giang nếu cầu Mỹ Lợi thi công hoàn thành mà tỉnh có kêu gọi đầu tư trở lại thì Tập đoàn Khang Thông xin đăng ký trước. Hoặc nếu tỉnh Tiền Giang giao chủ đầu tư mới thì đề nghị UBND tỉnh làm việc với nhà đầu tư mới nhằm thu hồi lại 5 tỉ đồng mà doanh nghiệp đã bỏ ra cho các chi phí như lập dự án, đánh giá tác động môi trường…
Người dân buồn phiền khi 3 năm qua, dự án KCN Bình Đông đình trệ,
đất bỏ hoang mà dân không thể đầu tư sản xuất. Ảnh: MINH SƠN
KCN Tàu thủy Soài Rạp hoang hóa
Ngoài KCN Bình Đông, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang còn có một KCN khác dù đã triển khai hơn 5 năm nhưng đến nay vẫn còn hoang hóa. Tháng 4-2007, UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt chi tiết KCN Tàu thủy Soài Rạp có diện tích trên 285 ha nằm trên địa bàn các xã Gia Thuận, Vàm Láng thuộc huyện Gò Công Đông, do Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Công nghiệp tàu thủy phía Nam, thuộc Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) làm chủ đầu tư.
Đây là KCN tập trung với các ngành xây dựng nhà máy đóng tàu, khu cảng biển tàu Lash, KCN phụ trợ ngành như sản xuất máy tàu thủy, nội thất tàu thủy, trang thiết bị nâng hạ, sản xuất container... Tuy nhiên, sau khi KCN được phê duyệt và cấp phép đầu tư, chỉ có một phần nhỏ diện tích được sử dụng, còn lại bỏ hoang.
Dẫn phóng viên đi dọc bờ đê Vàm Láng, một người dân địa phương cho biết trước kia nơi đây là cánh rừng phòng hộ. Khi nghe chủ trương hình thành KCN, nhiều người dân rất vui mừng nhưng từ đó đến nay thì không thấy nhà máy, công xưởng mọc lên mà chỉ toàn cỏ dại.
Người dân sống khu vực này lần lượt đi nơi khác làm thuê sinh sống. Lão nông Võ Văn Đáng bức xúc: “Hơn 10 ha đất của gia đình tôi đã giao cho KCN. Vậy mà nhiều năm qua có thấy ai làm gì đâu. Nó chỉ là bãi đất trống, không biết đến bao giờ người dân mới thấy được KCN như lời họ nói”.
Theo một lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang, sau một thời gian dài bỏ đất hoang, UBND tỉnh Tiền Giang vừa chính thức kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không cho phép triển khai tiếp giai đoạn 2 dự án KCN Tàu thủy Soài Rạp của Vinashin. Và khả năng 285 ha đất đã san lấp mặt bằng của giai đoạn 1 sẽ được chuyển đổi công năng là xây cảng biển và khu dịch vụ tổng hợp.
Khó thu hồi tài sản vụ Vinashin Theo bà Vũ Thị Kim Dung, Vụ trưởng Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo - Tổng cục Thi hành án Dân sự, Bộ Tư pháp, việc thi hành án dân sự, thu hồi khối lượng tiền, tài sản rất lớn trong vụ án sai phạm xảy ra tại Vinashin sẽ rất khó khăn, phức tạp. “Từ kinh nghiệm thành lập Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự trong vụ án Epco-Minh Phụng trước đây, có thể cân nhắc việc thành lập ở cấp Trung ương ban chỉ đạo để chỉ đạo những vụ việc thi hành án lớn, phức tạp như vụ Vinashin”- bà Dung đề xuất. T.Kha |