15/10/2016 7:50 PM
Một trong 2 dự án của Tập đoàn Berjaya (Malaysia) hiện nằm trong danh sách dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tỷ đô bị “cảnh báo đỏ” tại TP.HCM có thể sớm được giải cứu.
Dự án Trung tâm Tài chính Việt Nam (VFC) vẫn là bãi đất hoang sau gần chục năm được cấp phép. Ảnh: H.S
Hai dự án tỷ đô của Berjaya tại TP.HCM là Dự án Trung tâm tài chính Việt Nam (VFC) tại quận 10 (vốn đầu tư đăng ký 930 triệu USD) và Dự án Khu đô thị Đại học quốc tế Việt Nam (VIUT) tại huyện Hóc Môn (vốn đầu tư 3,5 tỷ USD).
Được cấp phép năm 2008, Dự án VFC là một khu phức hợp với các hạng mục văn phòng cho thuê, khách sạn 5 sao, căn hộ dịch vụ và khu trung tâm thương mại…, xây dựng trên diện tích gần 7 ha tại khu đất giáp 3 mặt tiền là đường Cao Thắng nối dài, đường Lê Hồng Phong và đường 3 tháng 2. Tuy nhiên, sau nhiều năm không triển khai, đến đầu năm 2014, chủ đầu tư đã đề nghị Thành phố cho phép điều chỉnh quy mô của Dự án. Cụ thể, xin điều chỉnh thiết kế toàn bộ dự án này, từ 5 tòa tháp cao 48 tầng với khoảng 600.000 m2 sàn, xuống chỉ còn 2 tòa tháp với tổng diện tích chỉ còn phân nửa.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư khi đó, ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng giám đốc Công ty Berjaya Việt Nam cho biết, việc giảm quy mô nhằm tăng hiệu quả đầu tư trước những thay đổi của thị trường địa ốc. “Không riêng Berjaya, khủng hoảng kéo dài của thị trường bất động sản đã vượt ngoài dự liệu của nhiều doanh nghiệp”, ông Nam nói.
Thời điểm đó, đại diện của Berjaya cũng cho biết, dự án này sắp có chuyển biến tích cực khi các vấn để về thủ tục, thực hiện nghĩa vụ tài chính… đã cơ bản hoàn thành. Thậm chí, việc thu xếp tài chính cho Dự án cũng sắp hoàn tất.
Dẫu vậy, mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ và gần đây, chính quyền TP.HCM đã phát đi những thông điệp mạnh mẽ, cứng rắn đối với các dự án FDI chậm triển khai. Với vị trí được xem là nằm trên “đất vàng”, hẳn nhiên, VFC nằm trong “tầm ngắm” của việc bị thu hồi dự án trong thời gian gần nếu chủ đầu tư không có động thái rõ ràng và những cam kết cụ thể.
Tuy nhiên, thông tin mới nhất cho thấy, dự án này có thể sớm được giải cứu khi đã có những đề xuất từ nhà đầu tư mới. Trong cuộc gặp mới đây với lãnh đạo TP.HCM, ông Jerome Stubler, Chủ tịch Tập đoàn Vinci Construction (Pháp) cho biết, doanh nghiệp này mong muốn hợp tác với Berjaya để triển khai Dự án VFC.
Cũng theo đại diện của Vinci Construction, tập đoàn này đã có mặt tại Việt Nam được hơn 20 năm và hiện đã đặt văn phòng tại TP.HCM để thiết kế các dự án hạ tầng. Vinci sẵn sàng tham gia các dự án phát triển hạ tầng giao thông công cộng, môi trường, thoát nước… tại TP.HCM. Vinci Construction đã có mối quan hệ hợp tác nhiều năm với Tập đoàn Berjaya thông qua nhiều dự án đã được thực hiện tại Malaysia. Với Dự án VFC, vai trò của Vinci Construction là sẽ tham gia thiết kế, xây dựng cũng như hỗ trợ Berjaya tìm kiếm nguồn vốn đầu tư. Trước đây, dự án này được một ngân hàng bảo lãnh cho vay vốn, nhưng sau đó bị ngưng lại do vướng thủ tục.
Phóng viên Báo Đầu tư đã liên hệ với đại diện của Vinci Construction tại TP.HCM cũng như văn phòng tại Malaysia để tìm hiểu thêm thông tin về sự hợp tác này, nhưng chưa nhận được câu trả lời chính thức. Tuy vậy, nếu xâu chuỗi các thông tin, có thể thấy, một trong những nguyên nhân chính khiến dự án tỷ đô này bị chậm triển khai là do chưa thu xếp được nguồn vốn đầu tư. Dù chưa thể khẳng định về số phận của Dự án, song với đề xuất của Vinci Construction, việc giải quyết vướng mắc của VFC đã có những đường hướng rõ ràng, cụ thể hơn.
Tập đoàn Berjaya không phải là nhà đầu tư xa lạ tại thị trường Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực bất động sản. Ngoài 2 dự án tại TP.HCM, tập đoàn này còn có hàng chục dự án lớn khác trong cả nước. Trong số đó, đáng chú ý là Khách sạn Sheraton Hà Nội, Khách sạn InterContinental Hà Nội, Khu nghỉ dưỡng Long Beach tại Phú Quốc, Khu phức hợp tại TP. Biên Hòa (Đồng Nai)... Song cũng chính đại gia này đã phải rút khỏi một số dự án và cũng có dự án lớn đã bị thu hồi. Trong đó, đáng kể nhất là Dự án Xây dựng khu trung tâm thành phố mới Nhơn Trạch. Dự án dự kiến được xây dựng trên diện tích 600 ha, tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD, nhưng đã bị tỉnh Đồng Nai thu hồi giấy phép vào năm 2013 do chậm triển khai.
Hồng Sơn (Báo đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.