Để xây dựng dự án sân golf Yên Dũng, nhiều đồi cây bị chặt phá không thương tiếc.
Trục lợi dự án, o ép người dân?
Dự án sân golf Yên Dũng là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh Bắc Giang do Công ty Cổ phần QNK Bắc Giang làm chủ đầu tư, dự kiến cuối năm 2016 sẽ đưa sân golf đi vào hoạt động. Tuy mới khởi công xây dựng, nhưng dự án này đã bộc lộ nhiều điểm bất thường trong quá trình triển khai, thi công với hàng loạt lá đơn tố cáo về sai phạm của chính quyền địa phương và chủ đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Tại huyện Yên Dũng, đây được xem là nơi “đỉnh điểm” của đơn thư khiếu kiện.
Với quy mô trên 183 ha, dự án sân golf Yên Dũng đặt tại hai xã Tiền Phong và Yên Lư. Công tác hỗ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) đối với các hộ gia đình có đất bị thu hồi được UBND huyện Yên Dũng đứng ra thực hiện.
Mặc cho còn nhiều vướng mắc trong công tác GPMB, dự án vẫn được lệnh cấp tập triển khai.
Tại xã Tiền Phong, sân golf Yên Dũng triển khai thực hiện đền bù, GPMB trên diện tích 871.569m2 đất của 215 tổ chức, cá nhân, hộ gia đình. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện dự án, người dân trong vùng đã phát hiện nhiều dấu hiệu sai phạm của chính quyền sở tại và chủ đầu tư.
Trong số diện tích nằm trong chỉ giới thực hiện dự án ở xã, hiện tại vẫn còn một số hộ dân dân chưa nhận tiền đền bù, bồi thường GPMB. Mặc dù vậy, ngày 13/4/2016, chủ đầu tư dự án ra thông báo sẽ tổ chức thi công tại thực địa khu vực hồ Bờ Tân, thôn Bình An, huyện Yên Dũng vào ngày 23/4/2016 và yêu cầu các hộ gia đình liên quan chủ động thu dọn đồ đạc, tài sản, hoa màu khỏi khu vực sản xuất. Việc làm này của chủ đầu tư khiến người dân phẫn nộ, nhiều hộ dân bỗng dưng mất đất, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, canh tác.
Nằm trong dự án sân golf, còn có 8,3ha đất nằm ven hồ Bờ Tân thôn Bình An, xã Tiền Phong được hộ gia đình ông Lương Văn Nam (trú tại thôn Quyết Tiến, xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng) ký hợp đồng nhận thầu với thôn và nhận chuyển nhượng của 4 hộ dân xung quanh hồ, gộp lại cả diện tích nhận hồ và diện tích nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất xung quanh hồ khi tiến hành đo đạc là 7,7ha (sau này đo đạc bằng máy là 8,3ha~83.666,2m2). Hợp đồng này đã được ông Nguyễn Văn Diện lúc đó là Phó Chủ tịch UBND xã Tiền Phong xác nhận hai bên đã thực hiện đúng theo hợp đồng đã thỏa thuận.
Theo các văn bản của cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang và huyện Yên Dũng thì phần đất 83.666,2m2 loại đất công ích (giao thầu), đã thu hồi phê duyệt đứng tên ông Lương Văn Thành (gồm đất nuôi trồng thủy sản và đất trồng rừng), đến nay chỉ có hồ sơ thôn Bình An giao khoán hồ Bờ Tân cho ông Lương Văn Nam (em ruột ông Thành) có xác nhận UBND xã Tiền Phong năm 2005, diện tích giao thầu 7,7ha. …Toàn bộ diện tích đất 83.666,2m2 ông Lương Văn Thành nêu trên là đất nông nghiệp do UBND xã Tiền Phong quản lý.
Tuy nhiên, hộ ông Lương Văn Nam và Lương Văn Thành đã đưa ra những lập luận chứng minh nguồn gốc 2,3ha là đất trồng cây thuộc sở hữu của gia đình ông. Sau khi mua đất các hộ xung quanh, ông Thành đã thống nhất gộp cả diện tích đất này vào diện tích đất hồ Bờ Tân để ban lãnh đạo thôn Bình An cho ông Lương Văn Nam thuê, đồng thời cương quyết phản đối quyết định thu hồi đất của huyện Yên Dũng.
Sự “giằng co” qua lại giữa cơ quan chức năng và các hộ dân khiến vụ việc rơi vào tình huống khiếu kiện kéo dài, chưa có hồi kết.
Lạm quyền cưỡng chế, phá tan nhà dân?
Tuy nhiên, khối tài sản trên đất mà hộ dân gia đình các ông Lương Văn Thành, Lương Văn Vân và Lương Văn Nam gây dựng nhiều năm bất ngờ bị phá tan hoang, giờ thành đống phế lộn.
Khu nhà ở và khu chăn nuôi của hộ nhà ông Lương Văn Nam và Lương Văn Vân. (Ảnh chụp ngày 25/4/2016)
Theo đó, vào trưa ngày 01/6/2016, ông Lương Văn Nam và ông Lương Văn Vân (anh ruột ông Nam) bất ngờ nhận được thông tin nhà mình đang bị phá. Chưa kịp định thần, ông Nam và ông Vân vội chạy về xem thực hư ra sao thì căn nhà ở của gia đình mình và khu chăn nuôi đã bị đập phá tan tành.
Công trình nhà ở và khu chăn nuôi của hộ nhà ông Lương Văn Nam và Lương Văn Vân bị phá nát, tan tành trong khi gia đình không nhận được bất cứ quyết định cưỡng chế nào khi phá dỡ.
Theo lời ông Lương Văn Vân: “…Khoảng 11 giờ cùng ngày, trước sự chứng kiến của nhiều người dân, có rất đông lực lượng được vũ trang đầy đủ và cả dân xã hội đến ép buộc dân phải di dời. Khi tôi đang ăn cơm trưa, gần 12 giờ thì nhận được tin báo nhà tôi bị phá. Vội vàng chạy về, tôi như “cháy ruột, cháy gan”, tây chân “rụng rời lửa đốt” chứng kiến cảnh nhà mình và hai khu chăn nuôi đã bị phá tan tành hết cả, máy móc vẫn còn nguyên ở đó… Trước đó, gia đình tôi không nhận được bất cứ quyết định cưỡng chế phá dỡ nào từ phía chính quyền địa phương.
Trong một diễn biến khác, theo phản ánh của ông Lương Văn Nam, vào ngày 15/3/2016, Ban GPMB huyện Yên Dũng đã ngang nhiên cho chặt phá gần như toàn bộ cây trồng trên diện tích 8,3ha, bao gồm khoảng 6.000 cây lấy gỗ mà không có thông báo trước, lấn chiếm vào đất của gia đình trái pháp luật.
Để biện minh cho hành động này, ông Ong Thế Chung, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường - Tổ trưởng Tổ GPMB đã có văn bản trả lời người dân bằng cách vin vào các văn bản như Thông báo số 12-TB/VPTU ngày 04/11/2015 của Văn phòng Tỉnh ủy Bắc Giang; Thông báo số 240/TB-UBND của UBND tỉnh Bắc Giang thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nêu rõ các mốc thời gian bàn giao cho nhà đầu trước ngày 10/11/2015.
6.000 cây lấy gỗ của gia đình ông Lương Văn Nam bị nhiều đối tượng là dân xã hội được thuê để chặt phá vứt ngổn ngang trên công trường.
Theo đó, “toàn bộ cây cối, tài sản trên đất đã được hộ gia đình ông Lương Văn Thành tự kê khai, Tổ công tác cùng UBND xã cùng các ngành liên quan tổ chức kiểm kê, kiểm đếm, công khai lập phương án bồi thường hỗ trợ, vận động nhận tiền theo đúng quy định. Ngày 11/11/2015, Tổ công tác đã gửi tiền bồi thường, hỗ trợ vào Kho bạc nhà nước huyện Yên Dũng và gửi Thông báo số 39/TB-TNMT về việc gửi tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB cho ông Lương Văn Thành. Ngày 11/11/2015, UBND huyện Yên Dũng đã có biên bản tạm bàn giao đất khu vực hồ Bờ Tân cho nhà đầu tư, diện tích 83.666,2m2. Nhà đầu tư đã thực hiện thi công theo kế hoạch của đơn vị”.
Tuy nhiên, tại Thông báo số 12-TB/VPTU ngày 04/11/2015 của Văn phòng Tỉnh ủy Bắc Giang và Thông báo số 240/TB-UBND của UBND tỉnh Bắc Giang lại không hề có nội dung chỉ đạo UBND huyện Yên Dũng và nhà đầu tư dự án chặt hạ cây của hộ gia đình ông Nam (Thành) để phục công tác GPMB và thi công dự án.
Điều khiến dư luận bức xúc là phải chăng chính quyền huyện Yên Dũng đã lạm quyền khi lợi dụng các thông báo của tỉnh, “bật đèn xanh” cho nhà đầu tư chặt khoảng 6.000 của gia đình ông Nam (Thành)? Trong khi, Tổ công tác GPMB chỉ gửi Thông báo số 39/TB-TNMT về việc gửi tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB cho ông Lương Văn Thành. Nghiêm trọng hơn, việc chặt hạ khoảng 6.000 cây xanh là tài sản của ông Nam (Thành), có dấu hiệu phạm tội “hủy hoại tài sản” theo Điều 143 Bộ luật Hình sự? Đề nghị các cơ quan chức năng khẩn trương làm rõ vần đến này.
Ông Nam cho rằng, từ trước đến nay, chúng tôi vẫn tiến hành sản xuất ổn định trên phần diện tích được xã cho thuê. Khi công tác đền bù giải phóng mặt bằng chưa được hoàn tất, mà đã tự ý phá nhà, phá cây của chúng tôi là không được. Chúng tôi kiên quyết bám trụ sản xuất trên phần diện tích của gia đình mình.
Mập mờ thông tin, dự án thiếu minh bạch
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 01/4/2015, Tổ công tác theo Quyết định số 1638/QĐ-UBND ngày 12/6/2014 của Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng đã có Thông báo số 144/TB-TNMT thông báo về việc gửi vào Kho bạc Nhà nước huyện Yên Dũng tiền bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất công ích khu hồ Bờ Tân thực hiện dự án: Đầu tư xây dựng sân golf và dịch vụ Yên Dũng với số tiền bồi thường, hỗ trợ là 2.541.438.490 đồng.
Trong thông báo, Tổ công tác sân golf đã phối hợp với UBND xã Tiền Phong, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Tiền Phong và Ban quản lý thôn Bình An tuyền truyền, vận động nhiều lần nhưng không nhận được sự đồng thuận của ông Lương Văn Thành và Lương Văn Nam.
Tuy nhiên, dù gia đình ông Nam (ông Thành) có nhận tiền đền bù hay không bản chất việc cưỡng chế phải làm đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, Nghị định số 166//2013/NĐ-CP…
Nguyên tắc cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc cũng như thực hiện quyết định thu hồi đất phải tiến hành công khai, dân chủ, khách quan, bảo đảm trật tự, an toàn, đúng quy định của pháp luật; thời điểm bắt đầu tiến hành cưỡng chế được thực hiện trong giờ hành chính.
Cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất được thực hiện khi có đủ các điều kiện: Người có đất thu hồi không chấp hành quyết định thu hồi đất sau khi Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng đã vận động, thuyết phục; quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đã được niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi; quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đã có hiệu lực thi hành; người bị cưỡng chế đã nhận được quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất có hiệu lực thi hành. Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối không nhận quyết định cưỡng chế hoặc vắng mặt khi giao quyết định cưỡng chế thì Ủy ban nhân dân cấp xã lập biên bản.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập Ban thực hiện cưỡng chế. Ban thực hiện cưỡng chế vận động, thuyết phục, đối thoại với người bị cưỡng chế; nếu người bị cưỡng chế chấp hành thì Ban thực hiện cưỡng chế lập biên bản ghi nhận sự chấp hành. Việc bàn giao đất được thực hiện chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày lập biên bản.
Trường hợp người bị cưỡng chế không chấp hành quyết định cưỡng chế thì Ban thực hiện cưỡng chế tổ chức thực hiện cưỡng chế.
Ban thực hiện cưỡng chế có quyền buộc người bị cưỡng chế và những người có liên quan phải ra khỏi khu đất cưỡng chế, tự chuyển tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế; nếu không thực hiện thì Ban thực hiện cưỡng chế có trách nhiệm di chuyển người bị cưỡng chế và người có liên quan cùng tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế.
Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối nhận tài sản thì Ban thực hiện cưỡng chế phải lập biên bản, tổ chức thực hiện bảo quản tài sản theo quy định của pháp luật và thông báo cho người có tài sản nhận lại tài sản.
Trước khi tiến hành cưỡng chế, nếu cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế tự nguyện thi hành thì cơ quan chủ trì cưỡng chế lập biên bản công nhận sự tự nguyện thi hành.
Hai văn bản của Văn phòng Tỉnh ủy Bắc Giang và UBND tỉnh Bắc Giang ban hành, được Tổ công tác GPMB huyện Yên Dũng lấy làm cái cớ “bật đèn xanh” cho doanh nghiệp chặt phá cây của người dân.
Trước sự việc nhức nhối kể trên, phóng viên đã nhiều lần liên hệ với UBND huyện Yên Dũng để trao đổi, thậm chí để lại nội dung câu hỏi để làm rõ vấn đề, nhưng sau nhiều ngày chờ đợi, phóng viên chưa nhận được câu trả lời chính thức nào từ phía chính quyền huyện Yên Dũng.
Tan hoang đồi đất, tan nát lòng dân…
Việc triển khai dự án, dù là trọng điểm đi chăng nữa nhưng quan trọng hơn là phải lấy ý kiến của nhân dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng với người dân, phải theo quy trình dân chủ cơ sở vì họ là những người bị ảnh hưởng trực tiếp trong việc thu hồi đất đai để phục vụ dự án.
Từ ngày dự án đầu tư và xây dựng sân golf và dịch vụ Yên Dũng “đổ bộ” xuống phần lớn diện tính đất lâm, nông nghiệp truyền thống của địa phương thì nhiều hộ nông dân mất đất sản xuất đã coi như mình bị kết án đói nghèo và trở nên bần cùng hoá. Trong khi, thực chất dự án sân golf chỉ phục vụ cho người có thu nhập cao. Tuy là trò vui chơi giải trí thể dục thể thao nhưng cộng đồng dân cư không được hưởng lợi, do bị cách biệt ranh giới dự án.
Trái ngược với sự hồ hởi của một nhóm lợi ích trong xã hội thì người dân vô cùng bức xúc vì những điểm bất thường trong việc bồi thường, GPMB của dự án này.
Câu hỏi đặt ra, hiệu quả của việc xây dựng sân golf là gì? Ai sẽ là người hưởng lợi, phạm vi ảnh hưởng? Sau khi bị tỉnh thu hồi đất sản xuất để phục vụ dự án sân golf, hàng ngàn nông dân ở xã Tiền Phong sẽ làm gì để kiếm sống? Như vậy, với điều kiện trên thì liệu trong số hàng ngàn người nông dân đã quen chân lấm tay bùn sống nhờ cây khoai, cây sắn sẽ có mấy người được tuyển vào làm việc ở sân golf này?
Hồ Bờ Tân là do nhân dân đắp nên hồ chứa nước phục vụ tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp cho hàng trăm mẫu lúa trong khu vực từ 50 năm nay.
Để thực hiện dự án này, tỉnh Bắc Giang đã cho thu hồi diện tích lớn đất ở và đất sản xuất, trong đó có hồ chứa nước Bờ Tân.
Người dân bày tỏ sự lo lắng khi sân golf mới hình thành sẽ phải sử dụng một lượng lớn phân bón hóa học, thuốc trừ sâu độc hại; trong khi đó, sân golf Yên Dũng lại nằm gần nguồn nước sinh hoạt và khu dân cư, nên có nguy cơ các chất thải độc hại rất dễ chảy tràn ra lòng hồ hay thẩm thấu xuống đất về lâu dài dẫn đến hiểm họa ô nhiễm môi trường.
Theo người dân xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang cho biết, hồ chứa nước Bờ Tân là do nhân dân đắp nên hồ chứa nước, phục vụ cho sản xuất tưới tiêu cho hàng trăm mẫu lúa trong khu vực.
Nhiều quả đồi bị tàn phá nghiêm trọng.
Ngày 2/6, có mặt tại hiện trường, đập vào mắt chúng tôi là cảnh đồi núi bị đào bới tan hoang, hàng trăm khối gỗ bị chặt phá không tiếc tay nằm ngổn ngang ở triền núi. Phía dưới chân núi hàng chục chiếc hàng chục chiếc máy xúc, máy ủi, xe ben đang hoạt động hết công suất. Tiếng máy đào bới, khoan phá gầm rú vang cả núi rừng. Theo nhiều người dân sinh sống quanh đây, việc san ủi đất đồi núi không chỉ làm biến dạng địa hình, địa chất, mà về lâu dài sẽ còn tác động tiêu cực tới khả năng giữ nước do lớp đất bề mặt, kéo theo những hệ lụy thảm khốc về môi trường.
Theo quan sát và ghi nhận thực tế, tại hiện trường, nhà thầu thực hiện một cách sơ sài và có dấu hiệu “phớt lờ” việc cảnh báo, đảm bảo an toàn cho người dân. Tại thời điểm phóng viên có mặt, trên công trường không có biển cảnh báo công trường đang thi công, biển cảnh báo hạn chế tốc độ, cọc tiêu, rào chắn công trình thi công.
Hàng ngày, hàng chục chiếc xe tải cỡ lớn di chuyển trên con đường vào dự án.
Bụi đất mịt mù trên tuyến đường mà các xe chở đất này chạy qua.
Cũng cần phải nói thêm tại dự án xây dựng sân golf Yên Dũng, hoạt động khai thác đất diễn ra ngay giữa thanh thiên bạch nhật, chỉ cách UBND xã Tiền Phong chừng 1km. Một máy xúc cỡ lớn liên túc đào sới, múc đất lên thùng những xe ô tải đang nằm chờ. Sau khi đầy thùng, các xe này rời đi nhường chỗ cho các chuyến xe khác. Phương tiện sử dụng thi công chủ yếu là máy xúc, máy ủi, xe tải.
Dọc theo các tuyến đường vào công trường, bùn đất rơi vãi tứ tung, bụi bay mù mịt. Hoạt động vận tải này không được che chắn như quy định đã làm đất rơi xuống đường, mưa xuống gây lầy lội, trơn trượt, nắng lên thì bụi đất mịt mù trên tuyến đường mà các xe chở đất này chạy qua. Vậy có hay không việc lợi dụng dự án đưa phương tiện, máy móc vào khai thác đất chở đi công khai, rầm rộ đã làm cho đường vào dự án băm nát, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống, sinh hoạt của bà con nơi đây?
Người dân búc xúc xây cổng trên một con đường lên thôn Bình An chặn ô tô tải gây ô nhiễm môi trường.
Bức xúc vì hàng đoàn xe tải lưu thông mỗi ngày gây bụi và tiếng ồn, người dân đã xây dựng cổng ở giữa đường lên thôn Bình An để chặn xe tải chở đất.
Ông Lương Văn Nam (Lương Văn Thành) đã có đơn khiếu nại gửi đến nhiều cấp ngành Trung ương đề nghị giải quyết vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.
Không đồng ý với cách làm của UBND tỉnh Bắc Giang và UBND huyện Yên Dũng, các ông Lương Văn Thành, Lương Văn Vân, Lương Văn Nam đã nhiều lần gửi đơn khiếu kiện lên các cấp ngành Trung ương đề nghị được giải quyết vụ việc theo đúng quy đinh của pháp luật.