15/07/2016 2:36 PM
CafeLand - Đây là câu hỏi mà nhiều bạn đọc là cư dân, là khách mua nhà tại các dự án nhà ở vẫn đều đặn gởi đến CafeLand kể từ vụ lùm sùm “siết nợ” tại dự án Chung cư Harmona. Các câu hỏi thường thấy là dự án A có bị đem thế chấp? Chủ đầu tư B có uy tín không? Mua nhà dự án C có an toàn?.

Với những câu hỏi như trên CafeLand rất khó để trả lời vì hầu hết các thông tin cần hỏi đều mang tính “cảm tính”. CafeLand sao có thể tư vấn cho bạn đọc là chủ đầu tư uy tín không? Mua nhà dự án này an toàn hay không? Ngoại trừ những vụ việc đã đổ bể, chủ đầu tư ra tòa và được tòa phán quyết như vụ lừa đảo chung cư Gia Phú trước đây.

Duy chỉ câu hỏi “dự án A có bị đem thế chấp” không thì rất may mắn là “có thể” vì thông tin này được Sở Xây dựng cung cấp, dù là nhỏ giọt như cafe-phin. Còn việc dò hỏi chủ đầu tư hay ngân hàng dự án có đem đi thế chấp chưa và họ trả lời “yes-no” thì chẳng khác nào “lạy ông tôi ở bụi này”.

Chính vì vậy, với câu hỏi “dự án A có bị đem thế chấp?” thì trong khả năng của mình, CafeLand xin thông tin đến bạn đọc một số dự án nhà ở đang được thế chấp trên thị trường như sau:

Dự án Tổ hợp cao ốc Xi Grand Court thuộc phường 14, quận 10 do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Phú Sơn Thuận làm chủ đầu tư cam kết thế chấp duy nhất tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín – Chi nhánh quận 4 bằng quyền sử dụng đất.

Dự án Cao ốc An Lạc Plaza tại phường An Lạc A, quận Bình Tân do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Bình Chánh làm chủ đầu tư đã thế chấp bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai của dự án tại Ngân hàng TMCP Phương Đông – Chi nhánh Quận 4.

Dự án khu dân cư 6A Phước Kiển, huyện Nhà Bè do Công ty CP Quốc Cường Gia Lai làm chủ đầu tư đã thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản hình thành trong tương lai của dự án tại Ngân hàng BIDV Việt Nam – Chi nhánh Quang Trung .

“Theo quy định về cho vay, một tài sản có thể được thế chấp tại một ngân hàng và cũng chính tài sản đó có thể thế chấp tại 2 hoặc 3 ngân hàng khác nhau. Nhưng các ngân hàng phải có sự đồng thuận, thống nhất bằng văn bản và mọi thứ đều phải minh bạch và rõ ràng về giá trị tài sản thế chấp. Lẽ thường, các dự án nhà ở khi triển khai xây dựng đều có “sân sau” là ngân hàng tài trợ vốn, và mọi chuyện bắt đầu từ đây”.

Dự án Chung cư Sunview Town đường số 12, phường Hiệp Bình Phước & Tam Bình, quận Thủ Đức do CTCP Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh đầu tư đã thế chấp bằng giá trị các căn hộ chung cư hình thành trong tương lai tại ngân hàng Việt Á.

Dự án nhà ở xã hội Jamona City tại đường Đào Trí, phường Phú Thuận, quận 7 do CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín – Sacomreal đầu tư đã dùng quyền sử dụng đất tại Ngân hàng TMCP Phương Đông.

Dự án Ehome 3 tại đường Hồ Ngọc Lãm, phường An Lạc, quận Bình Tân do Công ty CP Đầu tư Đầu tư Nam Long làm chủ đầu tư đã thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trong tương lai tại ngân hàng OCB.

Dự án nhà ở xã hội HQC Plaza tại đường Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh do Công ty Địa ốc Hoàng Quân làm chủ đầu tư đã thế chấp quyền sử dụng đất tại Ngân hàng BIDV - chi nhánh Bắc Sài Gòn.

Phối cảnh dự án Melosa

Đặc biệt nhất là trường hợp của Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền khi doanh nghiệp này đang thế chấp ít nhất 11 dự án bất động sản để vay tiền ngân hàng nhằm phát triển chính các dự án đó. Danh sách các dự án gồm: Khu dân cư Gia Phước Phú Hữu vay Sacombank – Chi nhánh TP.HCM với quyền sử dụng đất, Dự án Khang Điền Long Trường vay Sacombank – Chi nhánh TP.HCM với quyền sử dụng đất gắn liền nhà, Dự án Melosa vay trái phiếu từ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh TP. Hà Nội với quyền sử dụng đất, Khu dân cư Phong Phú 4 vay Sacombank – Phòng Giao Dịch Bình Tân với quyền sử dụng đất, Dự án Venica vay VietinBank – Chi nhánh 1 với quyền sử dụng đất, dự án Lucasta vay Scombank – Chi nhánh TP.HCM với quyền sử dụng đất,…

Tại buổi tọa đàm “Tìm giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý chung cư” ở TP.HCM do CafeLand vừa tổ chức, nhiều chủ doanh nghiệp nhận định, hầu như hơn 90% dự án hiện nay đều thế chấp để huy động vốn từ ngân hàng. Vì vậy, lời khuyên cho bạn đọc là khi chuẩn bị mua nhà chung cư thì nên xem xét kỹ, và nếu không hiểu rõ thì cần tư vấn luật sư, tránh trường hợp rơi vào tình trạng không nợ nần gì với ngân hàng nhưng vẫn đứng trước nguy cơ bị siết nhà do chủ đầu tư đem tài sản đi bảo lãnh.

TP.HCM sẽ "bêu tên" dự án nhà ở đã thế chấp

Cuối tháng 6 vừa qua, UBND TP.HCM đã họp về hướng xử lý vướng mắc liên quan thế chấp tài sản là dự án phát triển nhà ở. Kết luận buổi họp, Phó chủ tịch UBND Lê Văn Khoa đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng đăng ký đất đai thành phố, Sở Xây dựng, Sở Tư pháp…. thực hiện việc đăng tải công khai, minh bạch thông tin về các dự án bất động sản đang thế chấp tại các tổ chức tín dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng, các website của các đơn vị, niêm yết tại nơi công cộng hoặc các hình thức phù hợp khác nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiếu thông tin của người tham gia giao dịch bất động sản.

  • Tp.HCM sẽ công khai dự án đang thế chấp ngân hàng

    Tp.HCM sẽ công khai dự án đang thế chấp ngân hàng

    CafeLand - UBND Tp.HCM vừa có văn bản về việc xử lý vướng mắc liên quan đến thế chấp tài sản là dự án phát triển nhà ở, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho người mua nhà tại các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố.

  • Bảo vệ người mua nhà: Bêu tên những dự án đang "cắm sổ" tại ngân hàng

    Bảo vệ người mua nhà: Bêu tên những dự án đang "cắm sổ" tại ngân hàng

    Câu chuyện “những con sâu làm rầu nồi canh địa ốc” về những tai tiếng tại một số dự án ở TP. HCM gây ảnh hưởng đến thị trường, đã trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm dư luận và cơ quan chức năng TP. HCM đã sớm công bố nhiều giải pháp nhằm bảo vệ người mua nhà.

Đăng Thy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.