16/10/2017 11:24 AM
Dự án Metro Bến Thành – Suối Tiên của TP Hồ Chí Minh đang gây chú ý vì lâm vào thế kẹt: Nếu dừng lại thì ảnh hưởng đến quan hệ với đối tác Nhật Bản cho vay ODA và lãng phí hàng nghìn tỷ đã đầu tư, nhưng tiếp tục giải ngân thì vướng trần ODA của kế hoạch đầu tư công trung hạn, và cao hơn là trần bội chi ngân sách, trần nợ công. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng: Tồn tại của dự án nếu không giải quyết được sẽ thành vấn đề lớn.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, dự án được phê duyệt năm 2007 với dự toán ban đầu là 17.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến 2011, TP Hồ Chí Minh đề nghị tăng thêm 30.000 tỷ đồng lên 47.000 tỷ (đại diện thành phố lý giải do đơn vị tư vấn cho rằng thiết kế cũ chưa phù hợp, nên dự án bị tăng vốn gần gấp 3). Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Phó Thủ tướng lúc đó là đương kim Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải đã ủy quyền lại cho TP Hồ Chí Minh phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh, và TP Hồ Chí Minh đã phê duyệt.

Tuy nhiên, theo Luật Đầu tư công, dự án với tổng mức đầu tư này thuộc danh mục công trình quan trọng Quốc gia, nên phải báo cáo Quốc hội. “Vướng mắc lớn nhất hiện nay là chưa có ý kiến Quốc hội về phê duyệt tổng mức đầu tư; chưa có sự đồng thuận giữa Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, và TP. Hồ Chí Minh về cơ chế vay lại, vì với tổng mức đầu tư 17.000 tỷ thì tỷ lệ vốn cấp phát từ Trung ương đã bố trí đủ, nhưng đối với phần tăng thêm 30.000 tỷ thì chưa rõ” – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh. Ông cũng cho biết: Tháng 11 vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo Quốc hội về vấn đề này, nhưng đến nay vẫn chưa có ý kiến của Quốc hội.

Về điều này, cả Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đều khẳng định: Quốc hội chưa nhận được bất cứ tài liệu nào liên quan đến dự án này.


Hiện chưa có đề xuất chính thức nào để giải quyết vấn đề dự án Bến Thành – Suối Tiên.

Ngoài vấn đề về trình tự, thủ tục như đã nêu, dự án còn “vấp” một yếu tố quan trọng khác là trần giải ngân ODA theo kế hoạch đầu tư công trung hạn và cao hơn nữa là bội chi ngân sách và trần nợ công. Trước đó, tại phiên giải trình về đầu tư công do Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính – Ngân sách tổ chức ngày 2-10, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Liêm cũng đã có kiến nghị về vấn đề này.

Ông Liêm cho biết TP Hồ Chí Minh đã giải ngân 97% khoản 2.119 tỷ đồng được Bộ Kế hoạch & Đầu tư phân bổ, nhưng vẫn thiếu tiền khiến dự án đình trệ, chậm tiến độ. TP Hồ Chí Minh đã ứng thêm 500 tỷ cho nhà đầu tư, nhưng tháng 10 phải giải quyết 500 tỷ nữa là 1.000 tỷ và từ nay đến cuối năm toàn bộ vốn này 3.300 tỷ. Thủ tướng đã có chỉ đạo ứng vốn trong kế hoạch đầu tư trung hạn 2016 - 2020. TP đề nghị Trung ương tiếp tục tạm ứng và cấp phát vốn 3300 tỷ từ nay đến cuối năm để trả cho nhà đầu tư, vì liên quan đến hiệp định vay với Nhật Bản và tiến độ của dự án.

Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ nếu giải ngân khoản này sẽ đụng đến trần giải ngân ODA đã được phê duyệt trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng cho biết ông “rất băn khoăn” với dự án này. “ODA đã vay rồi, ký kết giải ngân rồi, nhưng trần của chúng ta chỉ giải ngân 300.000 tỷ ODA trong giai đoạn 2016 – 2020.

17.000 tỷ đồng là rất ít so với cái TP Hồ Chí Minh cần để xây dựng dự án, nhưng đưa lên nữa thì nợ công lại tăng lên, bội chi tăng lên, nên giải ngân khoản đó là phải dừng lại, để dự án dở dang và không hiệu quả, dù tiền nhà tài trợ vẫn còn. Nếu giải ngân theo tiến độ dự án và tiến độ cấp vốn của nhà tài trợ thì một lèo xong ngay, nhưng lại vướng Hiến pháp 2013 (quy định mọi khoản chi đều phải có dự toán trước). Trần giải ngân ODA không biết nới rộng bằng cách nào để đỡ lãng phí” – ông Vinh chia sẻ.

Dự án này chỉ là một trong số nhiều vướng mắc có liên quan đến Kế hoạch Đầu tư công trung hạn cũng như Luật Đầu tư công đã được các cơ quan của Quốc hội về Chính phủ tính đến để gỡ thế bí cho giải ngân đầu tư công. Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã kê ra 11 nhóm vấn đề vướng mắc chủ yếu để đề nghị sửa luật, như: Về phân loại dự án, tiêu chí phân loại dự án nhóm A (Luật quy định dự án tại địa bàn có di tích quốc gia đặc biệt, dự án tại địa bàn đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh là dự án nhóm A không phân biệt tổng mức đầu tư, dẫn đến nhiều dự án có quy mô nhỏ, kỹ thuật đơn giản được đầu tư ở Huế chẳng hạn, vẫn phải trình Thủ tướng quyết định, qua nhiều cấp thẩm định); về phê duyệt chủ trương đầu tư dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư - tổng mức đầu tư rất lớn nhưng phần vốn nhà nước tham gia nhỏ vẫn phải Thủ tướng phê duyệt; về thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư có sử dụng vốn ngân sách cấp tỉnh do cấp huyện, cấp xã quản lý (nếu dự án sử dụng vốn ngân sách cả 3 cấp sẽ phải phê duyệt chủ trương đầu tư 3 lần dù nội dung như nhau...). Hay về việc HĐND phê duyệt dự án nhóm B và nhóm C do địa phương quản lý, nhưng HĐND chỉ 2 kỳ/năm, dẫn đến chậm trễ...

Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng Luật Đầu tư công không phải gốc rễ của các vướng mắc. Theo rà soát của một đại biểu đến từ Bộ Quốc phòng, từ khi có chủ trương đầu tư đến lúc khởi công dự án phải qua 10 bước: có những bước 50 ngày, có bước 133 ngày... nên nhanh nhất cũng phải 1 năm mới hoàn thiện thủ tục và còn dính dáng đến ít nhất 5 luật, như Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai, Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Doanh nghiệp... Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý Bộ Kế hoạch & Đầu tư phải thận trọng khi sửa luật, vì có thể phá vỡ toàn bộ hệ thống pháp luật, trong khi vướng mắc có thể lại ở luật khác.

Vũ Hân (CAND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.