31/05/2017 7:50 AM
Trong số 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ ngành công thương, có tới 6 dự án đang “mắc kẹt” vì những điều khoản đã ký trong hợp đồng EPC. Cùng với việc bất hợp tác của nhà thầu, hàng chục nghìn tỷ đồng đầu tư vào các dự án đắp chiếu vẫn ngày đêm làm phát sinh số tiền lãi vay ngân hàng ước tính hàng trăm tỷ đồng/tháng.
Dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên (Tisco) giai đoạn 2. Ảnh: Nguyễn Bằng
Từ việc nhà thầu EPC không hợp tác
Do bị “trói” với những điều khoản của hợp đồng EPC, 6 dự án (gồm Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên, Đóng tàu Dung Quất, Công ty Nhiên liệu sinh học dầu khí miền Trung và dự án nhà máy Thép Việt - Trung), đang phải trả lãi vay tới hàng trăm tỷ đồng/tháng do hoạt động không hiệu quả và cả do “đắp chiếu”.
Cả 6 đại dự án thua lỗ nêu trên không thể tìm được lối thoát do: Chưa thực hiện hết các hợp đồng EPC; Tổng thầu chưa hoàn thành nhiều nhiệm vụ mà hai bên đã ký kết, dự án liên tục điều chỉnh về tổng mức đầu tư, gói thiết bị hay thay đổi mức đầu tư của từng giai đoạn.
Liên quan những vấn đề của hợp đồng tổng thầu (EPC), mới đây, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về việc yêu cầu Vinachem nghiên cứu, chỉ đạo Ban quản lý dự án Đạm Ninh Bình và chịu trách nhiệm xử lý dứt điểm các tồn tại về hợp đồng.
Liên quan đến việc trình hồ sơ quyết toán dự án nhà máy Đạm Ninh Bình, Giám đốc Ban quản lý dự án nhà máy đạm Ninh Bình ông Chu Văn Tuấn đã có văn bản gửi lãnh đạo Vinachem nhận khuyết điểm.
Ông Tuấn cho biết, nhiều vướng mắc với nhà thầu EPC Trung Quốc là Tổng Công ty Thiết kế và Thầu khoán Hoàn Cầu vẫn chưa được tháo gỡ dù hai bên đã nhiều lần đàm phán. Thậm chí, đến cuối tháng 3 vừa qua, khi Ban quản lý dự án đã hoàn thành phần lớn trong tổng số 3.825 quyển hồ sơ nghiệm thu dự án nhưng thầu EPC lại không thực hiện yêu cầu quyết toán hợp đồng.
Bên cạnh những lý do về việc số lượng công việc lớn, theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, dù đã qua 17 lần đàm phán, hiện còn 10 nội dung quan trọng của dự án Đạm Ninh Bình vẫn chưa “chốt” được phương án giải quyết với nhà thầu Trung Quốc. Những tranh chấp khác về việc chậm tiến độ do lỗi nhà thầu 373 ngày cũng bị nhà thầu Trung Quốc “đổ lỗi” do các nguyên nhân khách quan. Trong một báo cáo mới đây, lãnh đạo Vinachem cũng cho biết, để giải quyết các tồn tại trong Hợp đồng EPC tại Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình, tập đoàn đã nhiều lần yêu cầu thực hiện quyết toán hợp đồng và cử cán bộ sang Việt Nam để cùng giải quyết, song phía nhà thầu không thực hiện.
Điêu đứng vì nhà thầu Trung Quốc
Cũng gặp cảnh trục trặc trong hợp tác giải quyết các tồn tại trong hợp đồng EPC là trường hợp của Dự án gang thép Thái Nguyên mở rộng giai đoạn 2 với tổng thầu là Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (Trung Quốc). Dù đã phải điều chỉnh vốn đầu tư lên tới 8.100 tỷ đồng và đã giải ngân 4.563 tỷ đồng, nhưng đến nay dự án vẫn bất động, trong khi tổng thầu đã ngừng thi công xây dựng và bỏ về nước.
Để “giải cứu” dự án, Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) đã 12 lần liên tục đàm phán với nhà thầu Trung Quốc (từ đầu quý 1/2013 đến cuối quý 4/2015) nhưng đến nay mọi chuyện vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm.
Trong báo cáo thường niên năm 2016 được TISCO công bố cuối tháng 3 vừa qua, công ty cho biết, các khoản nợ phải trả trong năm 2016 của công ty lên đến hơn 8.362 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, nợ ngắn hạn là hơn 4.446 tỷ đồng, nợ dài hạn là hơn 3.916 tỷ đồng.
Tiền không có, dự án không hoạt động được, TISCO từ 1/1/2017, còn chịu gánh nặng bắt đầu phải trả nợ gốc và lãi vay ân hạn của hai ngân hàng (Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam), bình quân khoảng 45,5 tỷ đồng/tháng trong các năm 2017-2018. Cùng đường, công ty có văn bản cầu cứu Chính phủ.
Những vấn đề của hợp đồng EPC cũng như việc triển khai dự án gang thép Thái Nguyên mở rộng giai đoạn 2, một báo cáo của Thanh tra Bộ Công Thương cũng chỉ ra nhiều vấn đề đáng chú ý trong thực hiện dự án. Cụ thể, theo báo cáo của Thanh tra Bộ Công Thương, dự án của TISCO đã bị đội vốn tổng cộng hơn 4.261 tỷ đồng. Trong đó, riêng việc đội vốn do yếu tố biến động giá nguyên vật liệu lên tới 1.298,904 tỷ đồng. Các chính sách thuế và chính sách tiền lương thay đổi cũng làm dự án tăng thêm hơn 1.700 tỷ đồng.
“Các tập đoàn, tổng công ty khi ký hợp đồng và thực hiện dự án thì không chặt chẽ, thiếu thủ tục nên không thực hiện được quyết toán dự án. Khi làm các đồng chí lại không hỏi, chỉ đến khi xong rồi đem đi quyết toán không được mới đi hỏi ý kiến các bộ ngành”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói tại buổi làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng với Bộ Công Thương và lãnh đạo các tập đoàn để đôn đốc xử lý 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ diễn ra cuối tháng 4 tại trụ sở Chính phủ.
  • Dự án nghìn tỷ thua lỗ: Quả đắng sau những hợp đồng EPC

    Dự án nghìn tỷ thua lỗ: Quả đắng sau những hợp đồng EPC

    Những dự án nghìn tỷ từng được coi là tiêu biểu với mục tiêu trở thành những đại dự án đầu tàu cho từng ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, với những lỗ hổng, sai phạm phát sinh từ việc ký hợp đồng, triển khai giám sát và thực hiện hợp đồng, các dự án đầu tư sau nhiều năm đã trở thành gánh nặng nợ nần và không thể đi vào hoạt động hiệu quả.

Phạm Tuyên (Tiền phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.