16/01/2013 7:40 AM
“Sau cuộc họp hôm nay, thường vụ Quốc hội sẽ ra nghị quyết lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi luật Đất đai. Chính phủ sẽ sửa thêm dự thảo và công bố vào ngày 1.2, sau đó sẽ tổ chức việc lấy ý kiến”, chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng kết luận tại cuộc họp chiều 15.1.

Theo ông Hùng, ở trung ương, bộ Tài nguyên và môi trường sẽ làm đầu mối, Mặt trận tổ quốc tập hợp các đầu mối lấy ý kiến nhân dân; ở địa phương do các HĐND, UBND, đoàn Quốc hội, ngành dọc của Mặt trận tổ quốc thực hiện. Sau đó, bộ Tài nguyên và môi trường sẽ tổng hợp, Chính phủ sẽ chỉnh lý một lần nữa, trình ra thường vụ Quốc hội. Tiếp đó, thường vụ làm lại quy trình có báo cáo thẩm tra, thảo luận tổ, thảo luận ở hội trường, thống nhất một bản trình Quốc hội thông qua vào tháng 10 tới. Trong tháng 3 này, Chính phủ hoàn chỉnh trình thường vụ và Quốc hội bản bổ sung sửa đổi, đồng thời, ban soạn thảo cũng tính toán đổi tên thành bộ luật Đất đai sau chỉnh lý, để cơ bản áp dụng được.

Điều đáng chú ý là theo nhận định của chủ tịch Quốc hội, có nhiều điều trong bản dự án sửa đổi luật Đất đai “chưa biết làm kiểu gì, làm kiểu ấy dứt khoát dân không chịu. Riêng giá như thế này, dân sẽ không chịu”; hoặc “việc định giá đất, căn cứ vào mục đích sử dụng hay theo thị trường nếu căn cứ vào mục đích sử dụng đất thì ở thời điểm nào? Hai căn cứ này đều khó định giá. Rồi việc đền bù cho dân, hôm nay định giá, năm sau mới thu tiền, giá lúc ấy khác rồi, trả theo giá trong sổ thì ai người ta chịu?”

Nguyên tắc định giá đất không ổn

Trong phần thảo luận, chủ nhiệm uỷ ban Tài chính – ngân sách Phùng Quốc Hiển bày tỏ, cần phải lưu ý vấn đề nảy sinh khiếu kiện suốt thời gian qua, về giá đất và bồi thường đất. Nguyên tắc định giá đất có những điểm xung đột với nhau, nếu không giải quyết tốt các nguyên tắc này thì không thể xác định giá đất đúng đắn. Theo ông Hiển, có ba giai đoạn hình thành giá đất: thứ nhất là đất chưa được quy hoạch đầu tư; hai là, khi đưa quy hoạch vào giá lên; ba là, đầu tư xong giá đất cũng khác. Có ba thời điểm khác nhau chưa kể thay đổi theo thời gian, vậy lấy thời điểm nào xác định giá đất?

Ông Hiển nói dân hay so sánh đất đã đầu tư xong, rồi so với giá ban đầu, từ đó sinh ra khúc mắc, khiếu kiện, khi có quy hoạch các nhà đầu tư vào mua tạo giá đất ảo, ví dụ như quy hoạch ở Hà Tây thời gian qua, mới nói thế thì giá đất đã lên. Quy định này nếu không cẩn thận, không thực tế và không thoả mãn yêu cầu, người dân sẽ dẫn tới khiếu kiện. Bên cạnh đó, như ở Hà Nội hay cùng một tỉnh có nhiều thời điểm đền bù khác nhau nên người dân so sánh, tái lấn chiếm... xuất phát từ câu chuyện giá khác nhau.

Quy định một giá đất cho bảy chức năng trong luật cũ là không ổn. Giá đất mới này cũng không ổn, phải làm chi tiết, đất rừng khác đất ở, đất ao hồ khác, đất đô thị khác đất nông thôn. Chắc chắn, luật này cần hoàn thiện thêm, sang năm mới xem xét thông qua được.

Trước đó, thứ trưởng bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng bày tỏ ủng hộ ý kiến thứ hai trong áp dụng bảng giá đất, vì đảm bảo tính ổn định. Đó là “bảng giá đất được xây dựng định kỳ 5 năm/lần và được công bố vào ngày 1.1 của năm đầu kỳ để làm căn cứ tính các loại thuế, phí, lệ phí và tính thu tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất. Còn ý kiến “UBND cấp tỉnh ban hành bảng giá đất để áp dụng cho tất cả các mục đích; không công bố bảng giá đất hàng năm, mà chỉ điều chỉnh cục bộ khi giá đất có sự biến động tăng, giảm 20%, trường hợp chưa kịp điều chỉnh bảng giá đất thì xác định giá đất cụ thể để áp dụng”, theo ông Tụng đánh giá là khó khả thi.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: “Như bộ Tư pháp đề nghị mùng 1 năm nay công bố giá đất, năm sau hoặc năm nữa mới đền bù, giải toả, dân yêu cầu theo giá thị trường, thì lúc đó giá khác rồi. Giả sử 1 triệu đồng 1m2 ở tỉnh A, sau đó được quy hoạch làm cầu cống, đường sá, trường, có quy hoạch, lập dự án, đền bù, giá đất lên 2 – 3 triệu đồng rồi. Đền bù không thể thế được, nguyên tắc là theo giá thị trường, cần rất chi tiết. Quy định một giá đất cho bảy chức năng trong luật cũ là không ổn. Giá đất mới này cũng không ổn, phải làm chi tiết, đất rừng khác đất ở, đất ao hồ khác, đất đô thị khác đất nông thôn. Chắc chắn, luật này cần hoàn thiện thêm, sang năm mới xem xét thông qua được”.

Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc lập luận: “Khi người dân được tính tiền đền bù đất thấp, mà không đủ chuyển vào khu ở mới, hoặc chỉ đủ tiền mua đất mới, thì người dân ỷ lại thôi. Vì vậy, cần phải có nguyên tắc chung đảm bảo cho người dân có chỗ ăn ở tối thiểu, cân đối phù hợp”.

Theo Việt Anh (SGTT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.