26/10/2011 4:42 AM
Trước thông tin Thanh tra Chính phủ đề nghị tạm dừng thực hiện Dự án Khu đô thị mới Nam An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội (gọi tắt là Dự án), nhiều khách hàng không khỏi lo ngại về sự an toàn của số tiền mà họ đã đầu tư vào Dự án này.
Dự án Khu đô thị mới Nam An Khánh : Khách hàng như ngồi trên lửa
Phối cảnh khu đô thị mới Nam An Khánh.

Bà Chu Quỳnh Anh ở Vĩnh Hồ, Đống Đa, Hà Nội sở hữu một lô đất tại phần đất thấp tầng thuộc Dự án cho biết, 2 tuần nay, bà đang rao bán lô đất liền kề rộng 166 m2 với mức giá 46 triệu đồng/m2. Tuần trước, khách hàng đã trả giá 40 triệu đồng/m2 và hẹn gặp lại vào tuần này. Tuy nhiên, 2 ngày sau khi có thông tin về việc Dự án bị đề nghị tạm dừng thực hiện, khách hàng của bà đã thông báo hủy giao dịch.

Ông Nguyễn Thanh Hoàn, chuyên viên phụ trách dự án, Sàn Giao dịch Bất động sản (BĐS) Century trên đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) cho biết, nhiều khách hàng có nhu cầu giao dịch đất Dự án này rất bàng hoàng trước thông tin trên. Hiện tại, mỗi lô đất liền kề tại đây được giao dịch với giá trị trung bình trên thị trường khoảng 5 tỷ đồng và ngay tại sàn giao dịch BĐS này cũng đang có hàng chục lô đất liền kề Nam An Khánh chờ giao dịch.

“Nếu đề nghị tạm dừng thực hiện Dự án được chấp thuận, số tiền mà nhà đầu tư mắc kẹt tại đây có thể lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Đó sẽ thực sự là một thảm hoạ tiếp theo trên thị trường địa ốc”, ông Hoàn cho biết.


Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Trần Tùng, Trợ lý Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển đô thị và Khu công nghiệp sông Đà (Sudico) – chủ đầu tư Dự án cho biết, ông rất bất ngờ với thông tin Thanh tra Chính phủ đề nghị tạm dừng Dự án để tiến hành thanh tra.


Tính đến ngày 24/10/2011, Sudico vẫn chưa nhận được bất kỳ đề nghị nào từ phía Thanh tra Chính phủ đề nghị tạm dừng Dự án này. Hiện tại, việc triển khai đầu tư xây dựng và kinh doanh Dự án vẫn đang tiến hành bình thường. Việc chuyển dự án từ Tập đoàn Sông Đà về cho Sudico được thực hiện theo lộ trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước từ năm 2005 và Sudico đã hoàn thành các nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước cũng như tập đoàn mẹ. Hiện không có khách hàng, cổ đông nào có ý kiến gì về trách nhiệm và nghĩa vụ của Sudico trong Dự án này.


Theo tài liệu mà phóng viên Báo Đầu tư có được, năm 2004, trên cơ sở đề nghị của Tổng công ty Xây dựng Sông Đà, các bộ liên quan và UBND tỉnh Hà Tây đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án Khu đô thị mới Nam An Khánh do Tổng công ty Xây dựng Sông Đà làm chủ đầu tư trên tổng diện tích đất 312 ha, với vốn đầu tư hơn 1.374 tỷ đồng, Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản số 885/VPCP, ngày 25/6/2004 cho phép đầu tư Dự án, giao Tổng công ty làm chủ đầu tư. Sau đó, UBND tỉnh Hà Tây đã có các quyết định giao đất cho Tổng công ty.


Ngày 2/7/2006, Tổng công ty Xây dựng Sông Đà đã có Nghị quyết số 152/TCT-HĐQT phê duyệt hợp đồng chuyển giao Dự án và đại diện Tổng công ty, đại diện Sudico ký Hợp đồng chuyển nhượng Dự án. Hợp đồng số 46/2006/TCT-HĐ ghi rõ: “Tổng công ty Sông Đà chuyển nhượng cho Sudico trực tiếp làm chủ đầu tư để triển khai thực hiện đầu tư và kinh doanh dự án hạ tầng kỹ thuật Dự án Khu đô thị mới Nam An Khánh, giá trị hợp đồng bằng 155 tỷ đồng (bao gồm các loại thuế, phí, lệ phí) là 25% lợi nhuận sau thuế thu nhập của dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Nam An Khánh trên cơ sở ước tính giá bán đất nhà thấp tầng là 4,5 triệu đồng/m2 và giá bán đất xây dựng các công trình hỗn hợp cao tầng là 2,76 triệu đồng/m2”.


Cũng cần phải nói thêm rằng, Sudico được thành lập năm 2003 trên cơ sở cổ phần hóa Công ty Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (đơn vị thành viên của Tổng công ty Xây dựng Sông Đà - nay là Tập đoàn Sông Đà). Thời điểm ký hợp đồng chuyển nhượng Dự án, Tổng công ty vẫn nắm quyền cổ đông lớn nhất, chiếm 51% vốn điều lệ.


Theo Thanh tra Chính phủ, lý do Thanh tra Chính phủ đề nghị tạm dừng triển khai Dự án này là việc chuyển nhượng dự án (không có hạ tầng) của Tổng công ty có dấu hiệu vi phạm Nghị định 17/2006/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Đất đai và Nghị định số 187/2004/NĐ-CP về việc chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần, đồng thời trái với tờ trình của Bộ Xây dựng và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về Dự án này trước đó.


Dự án có hoạt động rất sôi nổi trên thị trường thứ cấp, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp phát triển BĐS và các nhà đầu tư.



Trong thời điểm thị trường BĐS đang hoạt động khó khăn, nhiều nhà đầu tư tại Dự án này khó lòng có thể chuyển nhượng sản phẩm. Đồng thời, do các nhà phát triển BĐS buộc phải tạm dừng xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật chờ kết luận thanh tra, nên tiến độ dự án chắc chắn sẽ bị chậm
Theo Tuấn Hưng (Báo Đầu Tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.