Dự án Khu dịch vụ công nghiệp Long Sơn rộng hơn 30ha (thuộc xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu), do Công ty cổ phần dịch vụ Long Sơn làm chủ đầu tư. Nằm một phần phía biển của xã đảo, dự án hứa hẹn khi hoàn thành sẽ đem lại sự thay đổi, góp phần đưa đời sống người dân xã đảo đi lên. Tuy nhiên, kể từ khi những cột trụ bê-tông đầu tiên cắm xuống đã khiến nhiều người dân bất bình.
Hứa lèo

Vừa trở về sau chuyến đi biển, anh Bùi Huy Long (SN 1974, ngụ thôn 2, xã Long Sơn) cho biết: gia đình anh có bảy anh chị em và cha mẹ già, sinh sống trên mảnh vườn rộng gần 7.000m2 trồng tràm và cây ăn trái. Từ bao năm nay, thu nhập chính của gia đình dựa vào mảnh vườn, cộng thêm khoản tiền ít ỏi từ mỗi chuyến đi biển. Mặc dù kinh tế còn khó khăn, song khi biết dự án quy hoạch lấy gần hết đất, gia đình anh vẫn rất ủng hộ. Khi nhìn vào bảng giá đền bù, cả nhà đều “toát mồ hôi” bởi không biết rồi sẽ làm gì mà sinh sống. Gần 5.000m2 đất chỉ được đền với đơn giá 35.000 đồng/m2. Những cây tràm trồng đã ba năm tuổi, đường kính to bằng bắp chân chỉ được tính... vỏn vẹn mỗi cây 1.000 đồng.

Dự án Khu dịch vụ công nghiệp Long Sơn, TP. Vũng Tàu: Chưa đền bù đã cắm cọc rào dự án
Gia đình bà Minh kể chuyện “hỗ trợ ngoài chính sách”


Bà Nguyễn Thị Minh (mẹ anh Long) bức xúc: cán bộ xã đến vận động gia đình ra nhận tiền, nhưng thực chất là “đe dọa”. Ban đầu họ bảo cứ nhận tiền và giao đất rồi khiếu nại sau. Mẹ con bà không đồng ý, thế là họ bảo nhận và bàn giao sớm thì sẽ được hỗ trợ “ngoài chính sách” riêng cho gia đình thêm 10 triệu đồng. Gia đình bà vẫn nhất quyết không nhận, thế là họ lại hứa tăng số tiền “ngoài chính sách” này lên 20, 30, rồi 40 triệu...

Thuyết phục không được, những người đi vận động lại bảo: “Nếu không nhận thì nhà vẫn sẽ bị cưỡng chế, tiền đem sung vào công quỹ, muốn nhận tiền sẽ phải ra tận Hà Nội”... Sợ mất nhà mà còn lâm vào cảnh trắng tay, gia đình bà đành chấp nhận số tiền đền bù ít ỏi. Tuy nhiên, khi ra UBND xã hỏi về số tiền “ngoài chính sách” như đã hứa thì mới hay mình “mắc quả lừa”. Những người trong gia đình bà Minh khẳng định: trong đoàn cán bộ đi vận động nhận tiền có mặt ông Phan Hữu Khải - Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ Long Sơn - đại diện đơn vị đầu tư và ông này chính là người hứa hẹn chi thêm số tiền “ngoài chính sách”?


Dự án Khu dịch vụ công nghiệp Long Sơn, TP. Vũng Tàu: Chưa đền bù đã cắm cọc rào dự án
Trẻ em Long Sơn sống trong dãy nhà tạm sau khi bị giải tỏa


Rào trước rồi tính

Không chỉ dọa sung tiền vào công quỹ và hứa lèo khoản “hỗ trợ ngoài chính sách”, đơn vị đầu tư này còn ngang nhiên cho người mang cọc bê-tông và dây kẽm rào ranh đất, khi người dân chưa di dời và chưa nhận được hỗ trợ. Chỉ vào những trụ bê-tông nằm chắn ngang lối đi, ông Nguyễn Cảnh Sơn (ngụ thôn 1, xã Long Sơn) cho biết: Trong khi ông đang khiếu kiện về khoản đền bù rẻ mạt thì UBND xã đã ký lệnh cưỡng chế, đập phá hết toàn bộ căn nhà cùng các vật dụng và cho xe ủi chạy san phẳng cả rẫy mì. Điều lạ lùng là trước đó gần một tháng (ngày 13-8-2011), UBND xã đã cho lực lượng xuống cùng chủ đầu tư mang trụ bê-tông và kẽm gai rào ranh giới đất, mặc cho nhiều người phản đối. “Không hiểu lý do gì họ lại “nhiệt tình” với chủ đầu tư đến thế?” - ông thắc mắc.

Dự án Khu dịch vụ công nghiệp Long Sơn, TP. Vũng Tàu: Chưa đền bù đã cắm cọc rào dự án
Chị Yến trước căn nhà bị đập tan tành


Chị Phan Thị Hoàng Yến - một người có đất bị giải tỏa trong dự án cho biết, mấy năm trước chị mua mảnh đất rồi thuê người cất lên căn nhà cấp bốn và làm vườn cây kiểng, dự tính nay mai sẽ làm căn nhà nghỉ dưỡng. Do hoàn cảnh phải thường xuyên công tác ở TPHCM nên thỉnh thoảng chị mới về thăm vườn. Mới đây, khi nghe tin nhà bị cưỡng chế, chị tức tốc chạy về thì căn nhà cùng hàng rào và cả khu vườn đã thành “bình địa”, chỉ còn lại gạch vụn. Lên UBND xã xem thực hư, chị càng tá hỏa hơn khi mảnh đất của chị chỉ được đền bù với giá rẻ mạt, cộng tất cả các khoản cũng chỉ được hơn 100 triệu đồng.

Chính quyền có làm đúng

Chúng tôi đem những thắc mắc của người dân Long Sơn đến Công ty cổ phần dịch vụ Long Sơn theo số 847/6 đường 30-4, phường 11, TP. Vũng Tàu (ghi trong thông báo của UBND TP. Vũng Tàu), song địa chỉ này không phải là trụ sở của công ty. Liên hệ qua điện thoại, ông Phan Hữu Khải - Giám đốc công ty - thoái thác: “Cứ gặp thẳng Ban bồi thường giải phóng mặt bằng TP. Vũng Tàu thì sẽ rõ”.

Tại Ban bồi thường giải phóng mặt bằng TP. Vũng Tàu, ông Hoàng Văn Đức - cán bộ tiếp dân và anh Đỗ Đức Khanh - Phó phòng nghiệp vụ - cho biết: Khoản tiền đền bù cho dân được Ban bồi thường giải phóng mặt bằng TP. Vũng Tàu xây dựng dựa trên khung giá đất ban hành hàng năm của UBND tỉnh. Trong dự án này, ngoài việc bồi thường theo khung giá đất, các hộ còn được chủ đầu tư hỗ trợ thêm mức giá chênh lệch về bồi thường đất để ngang bằng với dự án Khu công nghiệp dầu khí Long Sơn (KCN dầu khí). Ông Đức và anh Khanh vẫn một mực khẳng định: trong dự án này, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng đã tham mưu và làm đúng, người dân nếu không đồng ý thì cứ kiện.

Dự án Khu dịch vụ công nghiệp Long Sơn, TP. Vũng Tàu: Chưa đền bù đã cắm cọc rào dự án
Ông Sơn và hàng cột rào kẽm gai của dự án


Trở lại với khoản hỗ trợ chênh lệch mà hai cán bộ này đề cập, được biết dự án KCN dầu khí nằm sát vách với dự án Khu dịch vụ công nghiệp Long Sơn, nhưng giá bồi thường đất nông nghiệp 113.000 đồng/m2, trong khi khung giá bồi thường của Khu dịch vụ công nghiệp Long Sơn chỉ 35.000 đồng/m2 (tức chỉ bằng 1/3 KCN dầu khí). Có lẽ do chênh lệch quá lớn nên chủ đầu tư mới “bấm bụng” chi cho bằng dự án “hàng xóm”. Tuy nhiên, mức giá mà dự án dầu khí Long Sơn hỗ trợ cho dân cũng đã là giá từ năm 2008.

Theo điểm 2, điều 28, Nghị định 69/2009/NĐ-CP ngày 13-8-2009 của Chính phủ quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất thì: “Đối với dự án đầu tư sử dụng đất không thuộc Nhà nước thu hồi đất thì không phải làm thủ tục thu hồi đất; sau khi được giới thiệu địa điểm, chủ đầu tư và người sử dụng đất thỏa thuận theo hình thức chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất và làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất...”. Đây là dự án của một công ty tư nhân, song nhà đầu tư không hề làm đề án khảo sát giá, cũng không thương lượng với dân mà lại “mượn” chính quyền địa phương để gây áp lực giải tỏa mặt bằng. Thế nhưng lại được cán bộ chính quyền từ xã đến thành phố ủng hộ rất tích cực?!
Theo Mạc Chu (CATP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland