Chỉ một thời gian ngắn dọn về mái “tái định cư”, các hộ dân kêu trời khi phát hiện nhà xây “rỗng ruột”, xuống cấp thê thảm, có nguy cơ đổ sập gây hậu quả khôn lường...

 Dự án khu dân cư - thương mại Uyên Hưng (Bình Dương): “Khiếp vía” với nhà tái định cư

Những dãy nhà tái định cư “rỗng ruột”

Dự án khu dân cư - thương mại (KDC-TM) Uyên Hưng được UBND tỉnh Bình Dương giao cho Công ty xây dựng tư vấn đầu tư Bình Dương (Cty Biconsi) làm chủ đầu tư từ tháng 5-2004. Theo chủ đầu tư quảng bá để rao bán nền đất, dự án có quy mô 190.000m2 (19ha) nằm ngay thị trấn Uyên Hưng, trung tâm của huyện Tân Uyên với quy hoạch hoàn chỉnh chắc chắn sẽ phát triển phồn thịnh.


Để có phần diện tích 190.000m2 triển khai dự án, chủ đầu tư là Cty Biconsi phải bồi thường (giá từ 40 đến 60.000 đồng/m2 đất nông nghiệp) và tái định cư cho hàng chục gia đình bị thu hồi đất. Nếu hộ nào đủ tiêu chuẩn thì được tái định cư một căn nhà “phố” (một trệt một lầu) do Cty Biconsi xây cạnh khu đất dự án với giá 2,5 triệu đồng/m2.


Hàng chục căn nhà tái định cư được Cty Biconsi xây dựng liên kế, tạo thành những dãy nhà phố, vẻ bề ngoài rất khang trang, là ước mơ bao đời của nhiều hộ nông dân tay lấm chân bùn, trong đó có bà Nguyễn Triều Hậu. Gia đình bà Hậu thuộc diện “giải tỏa trắng” với 6.414m2 đất và một căn nhà 109m2 bị thu hồi, được mua căn nhà tái định cư với giá 329,84 triệu đồng. Bà Hậu bức xúc: “Nhà mới xây bằng bê tông cốt thép, gồm một trệt một lầu, nền lát gạch bông, tường sơn phết mới tinh, nhìn bắt mắt. Sau khi bị thu hồi hết đất, nhà cũng giải tỏa, gia đình tôi cùng nhiều hộ dân chung hoàn cảnh có một mái ấm mới với cái tên “tái định cư”. Nhưng không ngờ nó tệ tới mức như thế”.


Tiếp nhận đơn kêu cứu, tố cáo của bà Hậu cùng nhiều hộ gia đình, phóng viên Báo CATP đã có mặt tại thị trấn Uyên Hưng để biết thực hư những căn nhà “rỗng ruột”. Có mặt tại mái ấm của bà Hậu, chúng tôi tận mắt nhìn thấy căn nhà xuống cấp thê thảm: sàn nhà không còn bằng phẳng do bị sụt lún, tường nứt, la phông hở, dây điện đấu nối sơ sài rất nguy hiểm... Bà Hậu nói thêm: “Đây là chuyện nhỏ, để tôi cho nhà báo xem cái này mới thấy rõ chất lượng nhà tái định cư của Cty Biconsi!”. Đưa chúng tôi vào căn phòng khá rộng trên lầu một, bà Hậu trình diễn màn “xiếc gạch” độc nhất vô nhị. Chủ nhà dùng tay bốc lên tấm gạch bông lát nền đầu tiên, rồi tấm thứ hai, thứ ba một cách dễ dàng. Dưới lớp gạch không phải xi măng mà toàn là cát nên trong tích tắc, bà Hậu đã tách khỏi sàn nhà gần chục tấm gạch to. Nếu chúng tôi không ngăn lại, chủ nhà gỡ hết cả nền gạch dễ như trò chơi ghép hình của trẻ con.


Ngoài bà Hậu, nhiều gia đình bị thu hồi đất, giải tỏa nhà làm đơn gởi Báo CATP kêu cứu, kể cả tố cáo. Cụ thể như hộ bà Đoàn Thị Ân, bà Lê Thị Tuyết Lương (cùng ngụ khu phố 1, thị trấn Uyên Hưng), hộ bà Lê Thị Thành (ngụ khu phố 2, thị trấn Uyên Hưng), ông Trần Văn Bắc, bà Lê Thị Miết, bà Trần Thị Liên, bà Trần Thị Thu Sương (cùng ngụ khu phố 2, thị trấn Uyên Hưng)... Các hộ dân yêu cầu làm rõ nhiều vấn đề:


Thứ nhất, việc thu hồi đất, giải tỏa nhà, xây dựng khu dân cư thương mại, nhà tái định cư, phân lô bán nền dự án... diễn ra từ năm 2004 đến năm 2007. Trong khi đến giữa năm 2008, UBND huyện Tân Uyên mới ban hành quyết định thu hồi đất. Sai rất nghiêm trọng về trình tự, thủ tục nhưng Phó chủ tịch UBND huyện Tân Uyên Võ Văn Danh cho rằng “không ảnh hưởng đến quyền lợi của dân”.


Thứ hai, áp giá bồi thường quá thấp, không đúng quy định làm nhiều hộ dân không thể tái tạo cuộc sống mới. Không ít trường hợp phải đi bán vé số kiếm sống như bà Lê Thị Thành, bà Trần Thị Liên. Lâm vào cảnh túng ngặt có cụ Lê Thị Miết đã ngoài 80 tuổi còn phải nuôi đứa con bị tâm thần do tai nạn...


Thứ ba, nhiều cán bộ chủ chốt được ưu ái nhận nhà vị trí đắc địa, sau đó bán lại thu lợi rất lớn...


Do có quá nhiều vấn đề không thể giải quyết dẫn đến khiếu nại tố cáo, kéo dài. Dự án sau bảy năm triển khai vẫn chưa hoàn thành việc san lấp mặt bằng.

Theo Văn Cương (Công An)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland