Khởi công rồi để đó
Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng sân golf Lăng Cô được khởi công xây dựng vào năm 2008. Hai năm sau, chủ đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư phát triển Phong Phú – Lăng Cô xin điều chỉnh quy mô dự án lên đến 5.230 tỉ đồng và diện tích đất sử dụng là 292 ha.
Dự án được thiết kế gồm ba hạng mục công trình: khu resort ven biển 100 phòng tiêu chuẩn 4 sao, được bố trí trải dài dọc theo bãi biển và ngay phía sau khu công viên. Khu nghỉ dưỡng này bao gồm các biệt thự cao từ 1 đến 2 tầng, các bungalow tứ lập, câu lạc bộ sức khỏe, nhà hàng và hồ bơi…
Hạng mục thứ hai là phố ẩm thực hải sản nằm ngay mặt đường chính của khu du lịch, được bố trí thành hai khối công trình kết hợp nhiều phong cách kiến trúc. Dư kiến khi hoàn thành, đây sẽ là nơi tập hợp đa dạng các phong tục tập quán, các món ăn mang hương vị đặc trưng từng vùng, từng địa phương…
Cuối cùng là công viên (quảng trường) biểu tượng có diện tích lên đến 17.000m2.
Tuy nhiên, trên thực tế dự án đến nay vẫn còn nằm trên giấy, công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa thực hiện xong.
Trước băn khoăn về hướng xử lý và có hay không việc đầu tư sân golf của Công ty Phong Phú, mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có câu trả lời.
Theo đó, dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng, sân golf Lăng Cô do Công ty cổ phần đầu tư phát triển Phong Phú Lăng Cô làm chủ đầu tư được Ban Quản lý cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu ngày 04/01/2008.
Sau khi được cấp phép đầu tư, nhà đầu tư chưa thực hiện hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư để khởi công xây dựng dự án theo tiến độ quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư. Mặc dù được UBND tỉnh và Ban Quản lý tạo điều kiện, cho điều chỉnh gia hạn tiến độ thực hiện dự án (năm 2017) nhưng nhà đầu tư này vẫn không hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư để khởi công xây dựng dự án.
Sau hơn 10 năm khởi công, hiện khu đất thực hiện dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng, sân golf Lăng Cô vẫn là bãi đất hoang, cây cối mọc um tùm. Ảnh: Sơn Thuỳ
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, đến nay, dự án chậm khởi công xây dựng và chậm hoàn thành giai đoạn 1 (hạng mục sân golf và công trình phụ trợ) đưa vào hoạt động so với tiến độ tại Giấy chứng nhận đầu tư.
Căn cứ tình hình triển khai dự án, UBND tỉnh đã giao Ban Quản lý và các sở, ngành liên quan rà soát hồ sơ và căn cứ pháp lý để tham mưu UBND tỉnh về chủ trương chấm dứt hoạt động dự án theo quy định của pháp luật.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Quản lý đã phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát dự án. Hiện tại, Ban Quản lý đang tổng hợp ý kiến để báo cáo, đề xuất UBND tỉnh phương án xử lý trong tháng 4/2019.
Trước đó, báo cáo của đoàn giám sát HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng sân golf Lăng Cô đã được gia hạn nhiều lần và cũng đã có nhiều bản cam kết về tiến độ thực hiện dự án, nhưng thực tế, chủ đầu tư chưa triển khai bất kỳ hạng mục xây dựng nào.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, ngoài dự án nêu trên, trên địa bàn Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô hiện có một dự án nữa do Công ty Phong Phú cùng một số cổ đông góp vốn thành lập doanh nghiệp để đầu tư.
Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay nhiều dự án nghỉ dưỡng ven biển rơi vào tình trạng chậm tiến độ kéo dài là do năng lực tài chính của nhà đầu tư. Một số chủ đầu tư mặc dù không đảm bảo việc triển khai dự án nhưng vẫn xin đăng ký để “xí phần” rồi đợi cơ hội chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phân lô bán nền. Khi tình trạng “treo” dự án nhiều năm bị “đánh động”, nhiều chủ đầu tư viện cớ vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng để đối phó.
Được biết, Tổng Công ty cổ phần Phong Phú được thành lập và hoạt động 52 năm qua, lấy dệt may làm ngành cốt lõi. Đến nay, đơn vị này “lấn sân” sang hoạt động đầu tư, kinh doanh khác như bất động sản, đầu tư tài chính... thông qua việc hợp tác với các đơn vị trong và ngoài ngành.
Liên tục xin điều chỉnh quy hoạch
Bên cạnh dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng sân golf Lăng Cô, thời gian vừa qua, Công ty Phong Phú cũng có nhiều lùm xùm liên quan đến các dự án khu công nghiệp như Quy hoạch Khu Đồng Mai (Yên Nghĩa, Phú Lãm, Hà Đông, Hà Nội).
Theo đó, dự án Khu nhà ở sinh thái Đồng Mai do Công ty cổ phần đầu tư phát triển Phong Phú là nhà đầu tư, vốn được quy hoạch chức năng là cụm công nghiệp. Quỹ đất để quy hoạch dự án là 225 ha đất được thu hồi tại các xã Đồng Mai, Yên Nghĩa, Phú Lãm, Hà Đông bởi quyết định thu hồi của UBND tỉnh Hà Tây (cũ) vào tháng 6/2007.
Tuy nhiên, sau khi sáp nhập tỉnh Hà Tây, Công ty Phong Phú đã đề nghị điều chỉnh quy hoạch Cụm Công nghiệp Đồng Mai và điều chỉnh chức năng từ Cụm Công nghiệp thành khu đô thị Đồng Mai.
Năm 2015, công ty này tiếp tục được UBND TP. Hà Nội chính thức phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng Khu nhà ở sinh thái Đồng Mai, tỷ lệ 1/500. Rồi cuối cùng là quyết định phê duyệt điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết xây dựng khu vực Đồng Mai, tỷ lệ 1/2000, bao gồm khu nhà ở sinh thái Đồng Mai và khu nhà ở xã hội cho cán bộ, sĩ quan quân đội khó khăn về nhà ở tại phường Đồng Mai.
Đáng chú, sau nhiều năm điều chỉnh, hiện tiến độ triển khai dự án vẫn đang là một dấu hỏi lớn.
Cũng liên quan đến dự án khu công nghiệp, mới đây nhất, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã ký văn bản số 629 chỉ đạo Sở Tư pháp, Chánh thanh tra thành phố về việc thanh tra dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Phong Phú tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM do Công ty cổ phần khu công nghiệp Phong Phú làm chủ đầu tư.
Theo tìm hiểu, dự án này bị treo gần 20 năm qua và đang trở thành tâm điểm trong vụ bán đấu giá tài sản để thu hồi nợ của Sacombank, vì có sự giả mạo chữ ký một thành viên HĐQT.
-
Quy hoạch khu Đồng Mai: Liên tục xin điều chỉnh, 10 năm vẫn chưa xong
CafeLand - UBND TP. Hà Nội vừa có Quyết định số 2611/QĐ-UBND về việc phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu Khu vực Đồng Mai, tỷ lệ 1/2000. Trước đó, tháng 8/2013, UBND TP. Hà Nội cũng đã ban hành Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng khu vực Đồng Mai tỷ lệ 1/2000. Và hiện chủ đầu tư Công ty Phong Phú vẫn đang tiếp tục xin điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.
-
Chấm dứt các chủ trương cũ tại dự án Bình Quới Thanh Đa, Tứ Giác Mả Lạng để giao nghiên cứu, đề xuất mới
Thông tin này được Cổng Thông tin điện tử Chính phủ - Trang TP.HCM đăng tải qua buổi họp báo vào chiều 19/10 nhằm cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP.HCM....
-
Hà Nội sắp sửa đấu giá nhiều lô đất vàng
Hơn 11.000m2 đất tại hai quận Cầu Giấy và Nam Từ Liêm sẽ bị thu hồi để thực hiện đấu giá.
-
Loạt giải pháp xử lý “quy hoạch treo” và “dự án treo” ở Bà Rịa – Vũng Tàu
UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa ban hành văn bản chỉ đạo khắc phục tình trạng “quy hoạch treo” và “dự án treo” trên địa bàn tỉnh.