Tiếp tục phải “nới” tiến độ ít nhất khoảng 11 tháng so với kế hoạch đã điều chỉnh hồi tháng 2/2017, Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông một lần nữa khiến dư luận không khỏi mất niềm tin vào các dự án đầu tư công của Hà Nội.
Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông lại được điều chỉnh kế hoạch hoàn thành.
Ban Quản lý dự án đường sắt vừa chính thức đề xuất Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) điều chỉnh kế hoạch hoàn thành Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông. Cụ thể, Dự án có mục tiêu xây dựng 13 km đường sắt trên cao từ Cát Linh (Đống Đa) tới Yên Nghĩa (Hà Đông) sẽ chỉ có thể bắt đầu vận hành chạy thử về kỹ thuật từ đầu tháng 9/2018.
Đại diện chủ đầu tư cũng chưa thể chắc chắn về thời gian đưa Dự án vào vận hành khai thác thương mại, khi mới chỉ tạm chốt thời điểm là tháng 11/2018, do phải phụ thuộc vào sự sẵn sàng của đơn vị tiếp nhận và quản lý vận hành khai thác.
Như vậy, người dân Thủ đô sẽ phải chờ thêm ít nhất 11 tháng nữa để có thể di chuyển trên tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội: Cát Linh - Hà Đông.
Tuy nhiên, ngay cả mốc thời gian này cũng không khiến mấy người tin tưởng. Bởi đa phần nhiều người dân Thủ đô đón nhận thông tin Dự án một lần nữa bị trễ với tâm trạng bình thản, như một điều tất yếu, dù cái giá mà Hà Nội phải đánh đổi gần một thập niên chờ đợi cao hơn nhiều so với dự kiến.
Đó là cái giá về lãng phí mặt tài chính, về xã hội, về những tháng ngày ách tắc và đắt hơn cả, là niềm tin vào năng lực của cơ quan quản lý thực hiện các đại dự án hạ tầng.
Trong khi đó, kỳ họp thứ 5, HĐND TP khóa XV, HĐND TP Hà Nội vừa kết thúc chiều 6/12, đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020 trên địa bàn TP với danh mục công trình trọng điểm của TP giai đoạn 2016 - 2020 sau điều chỉnh, bổ sung sẽ bao gồm 55 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 487.183 tỷ đồng. Trong đó, HĐND TP cho phép điều chỉnh hình thức đầu tư đối với một số dự án quan trọng như: Điều chỉnh từ “Ngân sách TP, ODA” thành “Ngân sách TP và BT” đối với 4 tuyến đường sắt đô thị, hiện đang nghiên cứu cơ chế thực hiện. Riêng 2 Dự án Tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình và Tuyến đường sắt đô thị Hà Nội số 3, đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai vẫn giữ nguyên hình thức đầu tư “Ngân sách TP, ODA”.
Thực tế, không chỉ tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, toàn bộ dự án đường sắt đô thị đang triển khai tại Hà Nội, TP.HCM đều bị đội vốn, ít thì 60%, nhiều gần 200%, tiến độ cũng chậm từ 3 - 5 năm. Từ đó, có thể thấy rằng, tình trạng chậm tiến độ, đội vốn dự án, công trình không còn là cá biệt, thậm chí còn “bình thường” hơn ở những dự án lớn.
Ai sẽ tin vào Nghị quyết, kế hoạch của Hà Nội, khi tiến độ tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông và nhiều dự án dưới thấp khác - vẫn đang lơ lửng “trên trời”!
Quang Minh (DĐDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.