Dự án Khu bảo tồn động, thực vật Vịnh Hạ Long trên đảo Soi Sim đến nay còn vẫn ngổn ngang vì chậm tiến độ dù đã phải “sang tay, đổi chủ”.

Ngày 25/11, Thanh tra tỉnh Quảng Ninh đã ban hành kết luận thanh tra về việc chấp hành chính sách pháp luật trong thực hiện đầu tư xây dựng Khu bảo tồn động thực vật Vịnh Hạ Long trên đảo Soi Sim giai đoạn 2015 – 2019 do Công ty TNHH MTV Soi Sim làm chủ đầu tư.

Gia hạn, đổi chủ vẫn chậm tiến độ

Khu bảo tồn động, thực vật Vịnh Hạ Long trên đảo Soi Sim (dự án) có tổng diện tích sử dụng đất và mặt nước 147.173m3, trong đó diện tích mặt đất là 65.829m2, diện tích mặt nước là 81.884m2.

Dự án đảo Soi Sim chậm tiến độ, đổi chủ, nợ tiền ngân sách - 1

Phối cảnh Khu bảo tồn động, thực vật Vịnh Hạ Long trên đảo Soi Sim - dự án bị cơ quan thanh tra chỉ ra loạt sai phạm. (Ảnh: H.H)

Dự án có tổng mức đầu tư 28,481 tỷ đồng từ các nguồn chủ sử dụng, vốn vay và vốn huy động khác. Thời hạn hoạt động dự án là 50 năm, tính từ 8/2013. Chủ đầu tư dự án hiện nay là Công ty TNHH MTV Soi Sim (Công ty Soi Sim, thành lập 2015, trụ sở tại 158 Lê Thánh Tông, phường Bạch Đằng, TP Hạ Long).

Tuy nhiên, Công ty Soi Sim không phải là chủ đầu tiên của dự án. Theo tài liệu, chủ đầu tư ban đầu là Công ty cổ phần Dịch vụ Vịnh Hạ Long (được UBND tỉnh Quảng Ninh cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 7/9/2013). Tại giấy chứng nhận đầu tư ghi rõ: “Phương thức sử dụng đất: Thuê đất trả tiền hàng năm”.

Do công ty cổ phần Dịch vụ Vịnh Hạ Long triển khai chậm tiến độ và chưa hoàn thiện các thủ tục về đất đai, thuê môi trường rừng nên ngày 14/7/2015, UBND tỉnh Quảng Ninh có văn bản 4130 gia hạn tiến độ thực hiện dự án.

Tháng 8/2015, Sở Kế hoạch và đầu tư Quảng Ninh cấp chứng nhận đầu tư cho công ty cổ phần Dịch vụ Vịnh Hạ Long đã điều chỉnh phương thức sử dụng đất thành: “Cho thuê môi trường rừng”.

Tiếp đó, ngày 3/2/2016, UBND tỉnh Quảng Ninh có văn bản 631 về việc chuyển nhượng dự án đầu tư Khu bảo tồn động, thực vật Vịnh Hạ Long trên đảo Soi Sim từ Công ty cổ phần Dịch vụ Vịnh Hạ Long sang Công ty TNHH MTV Soi Sim.

Sau khi nhận chuyển nhượng dự án và được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Công ty Soi Sim lập báo cáo kinh tế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công trình các cấp có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định 70/2012 ngày 18/9/2012 của Chỉnh phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Tuy vậy theo Luật Di sản văn hóa 2001 thì nguồn tài chính để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa không có quy định việc sử dụng nguồn vốn để triển khai dự án từ nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách.

Đáng chú ý, dù đã được gia hạn thời gian, thậm chí “sang tay đổi chủ” song đến nay dự án vẫn chưa hoàn thành, chậm tiến độ 42 tháng (theo giấy chứng nhận đầu tư, toàn bộ hạng mục dự án phải đưa vào hoạt động trước 30/2/2017).

Theo báo cáo của Công ty Soi Sim, dự án chưa hoàn thành do thực hiện trong vùng lõi di sản Vịnh Hạ Long, thủ tục hành chính mất nhiều thời gian. Ngoài ra còn ảnh hưởng bởi thời thiết và dịch COVID-19.

Chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước

Dù dự án thực hiện đã nhiều năm, nhưng đến nay Công ty Soi Sim vẫn chưa trả tiền dịch vụ môi trường cho Ban Quản lý Vịnh Hạ Long.

Cụ thể, ngày 22/8/2015, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long ký hợp đồng về việc thuê dịch vụ môi trường trên đảo Soi Sim – Vịnh Hạ Long để thực hiện dự án với Công ty cổ phần Vịnh Hạ Long. Hợp đồng ghi rõ diện tích rừng thuê dịch vụ môi trường rừng là 14,72ha. Hợp đồng cũng thể hiện mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng sẽ được tính bằng 2% trên doanh thu thực hiện trong kỳ. Thời điểm bắt đầu tính là từ khi hợp đồng có hiệu lực thi hành.

Tuy nhiên, đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa thanh toán khoản tiền này. Báo cáo với cơ quan thanh tra, Công ty Soi Sim cho biết do dự án chưa đi vào hoạt động, nên chưa có doanh thu để thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước.

Ngoài ra chủ đầu tư cũng chưa thực hiện nghĩa vụ đối với tài sản do nhà nước chuyển giao. Theo đó, kể từ khi được giao sử dụng các hạng mục do Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã đầu tư đến nay, Công ty Soi Sim chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với phần tài sản được chuyển giao có giá trị hơn 1,2 tỷ đồng.

Lý giải về việc này, Công ty Soi Sim cho biết sở dĩ chưa nộp số tiền trên vào ngân sách là vì chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hướng dẫn.

Vướng thủ tục về đất đai và thuê môi trường rừng

Theo kết luận thanh tra, đến 9/2020 Công ty Soi Sim chưa được UBND tỉnh Quảng Ninh giao đất, cho thuê đất.

Nguyên nhân do vị trí xin thuê đất thuộc khu vực Vịnh Hạ Long, trong khi khu vực các đảo trên Vịnh Hạ Long được xác định là đất di tích văn hóa nên không có cơ sở để thực hiện giao đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án.

Cùng đó, vị trí rừng tại đảo Soi Sim là rừng tự nhiên và dự án không phải trọng điểm quốc gia, phục vụ quốc phòng an ninh quốc gia, dự án cấp thiết khác được Chính phủ phê duyệt nên không có căn cứ chuyển đổi mục đích.

Với việc cho thuê rừng, theo Luật Lâm nghiệp, Công ty Soi Sim không thuộc đối tượng được cho thuê rừng đặc dụng là rừng tự nhiên.

Đáng chú ý, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long không đủ điều kiện được giao rừng theo quy định của Luật Lâm nghiệp năm 2017, do vậy không đủ cở sở để ký hợp đồng cho thuê môi trường rừng tại đảo Soi Sim với Công ty TNHH MTV đảo Soi Sim.

Đặc biệt, Công ty Soi Sim không phải chủ rừng nhưng đã lập dự án và được UBND tỉnh Quảng Ninh cấp chứng nhận đầu tư để triển khai dự án.

Hoàng Hưng (VTC News)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.