26/02/2018 7:56 PM
Đây là nguy cơ đang xảy ra với dự án Giải quyết ngập do triều cường khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1).

Một số khu vực dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) chủ đầu tư chưa được bàn giao mặt bằng, gây khó khăn cho thực hiện dự án - Ảnh: Tiến Long

Theo dự kiến ban đầu, dự án này hoàn thành vào dịp 30-4, tuy nhiên với việc giải phóng mặt bằng chậm trễ như hiện nay, khả năng dự án sẽ không hoàn thành đúng thời gian dự kiến.

Tình hình cấp bách nên UBND TP.HCM vừa phải ra văn bản đốc thúc các quận, huyện nhanh chóng bồi thường giải phóng mặt bằng để bàn giao cho dự án này.

Cán bộ giải phóng mặt bằng cho biết ra tết sẽ có cuộc họp thông báo phương án, giá cả đền bù nhưng đến nay người dân vẫn chưa thấy

Bà Nguyễn Thị Thanh Kiều (ấp 1, xã Phú Xuân, H.Nhà Bè)

Chậm vài điểm, ách cả tuyến

Dự án do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam (gọi tắt là Trung Nam Group) làm chủ đầu tư.

Dự án có sáu cống kiểm soát triều lớn gồm cống Bến Nghé, cống Tân Thuận, cống Phú Xuân, cống Mương Chuối, cống Cây Khô, cống Phú Định và xây dựng khoảng 7-8km đê kè ở các đoạn xung yếu ven sông Sài Gòn đoạn từ sông Vàm Thuật đến sông Kinh, 68 cống nhỏ từ sông Vàm Thuật đến sông Mương Chuối.

Đến nay, chủ đầu tư đã hoàn thành khoảng 70% khối lượng công việc, dự kiến hoàn thành trong tháng 4-2018. Tuy nhiên, đến nay việc giải phóng mặt bằng ách tắc, tại một số khu vực các quận, huyện chưa bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.

Đại diện Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam cho biết trong số sáu khu vực xây dựng cống và bốn đoạn đê bao thuộc dự án, chỉ duy nhất cống Cầu Kinh (thuộc hạng mục đê bao) được bàn giao 100% mặt bằng.

Những khu vực khác, chủ đầu tư chưa được bàn giao đầy đủ mặt bằng hai bên bờ kênh để thi công công trình phụ trợ, lắp đặt hệ thống kỹ thuật, vận hành cửa van và xây bờ kè.

Ngoài ra, hồ sơ giá T1 làm căn cứ tính giá đền bù cho người dân thuộc diện giải tỏa tại một số khu vực cũng chưa được phê duyệt.

Do vậy, chủ đầu tư không có phương án căn cứ thỏa thuận, vận động người dân di dời.

Theo vị này, thường sau khi nhận mặt bằng, chủ đầu tư mất khoảng 6 tháng để hoàn thành các hạng mục công trình.

Đến nay đã cuối tháng 2 nhưng phương án giải tỏa đền bù chưa có, chắc chắn tiến độ hoàn thành dự án sẽ chậm trễ so với dự kiến trước đây.

"Nếu mặt bằng được sớm giao đầy đủ, chủ đầu tư cam kết hoàn thành dự án sớm" - vị này khẳng định.

Dự án chống ngập tại TP.HCM có thể chậm tiến độ - Ảnh: T.Long

Dân chờ phương án di dời

Trong khi chủ đầu tư "nóng ruột" chờ mặt bằng, người dân sinh sống trong các khu vực giải tỏa thực hiện dự án chống ngập cũng nóng lòng chờ phương án di dời giải tỏa nhanh.

Tại khu vực xây dựng cống Mương Chuối di dời các hộ dân thuộc ba xã Phú Xuân, Nhơn Đức và Long Thới (H.Nhà Bè).

Trong đó, riêng xã Phú Xuân có khoảng 500 hộ dân thuộc diện giải tỏa. Người dân nơi đây đang thấp thỏm chờ công bố phương án đền bù di dời.

Bà Nguyễn Thị Thanh Kiều (ấp 1, xã Phú Xuân) cho biết trước Tết âm lịch, ban bồi thường giải phóng mặt bằng của huyện tổ chức họp dân thuộc diện giải tỏa.

Ban bồi thường đưa ra hai phương án là nhận tiền trắng hoặc hoán đổi bằng đất tái định cư để người dân lựa chọn.

Tuy vậy, đất tái định cư nằm khu vực nào thì người dân chưa được biết. "Trong cuộc họp, cán bộ giải phóng mặt bằng cho biết ra tết sẽ có cuộc họp thông báo phương án, giá cả đền bù nhưng đến nay người dân vẫn chưa thấy họp. Trước sau gì cũng đi, người dân ở đây chờ có phương án thỏa đáng di dời nhanh" - bà Kiều chia sẻ.

Đa số các hộ dân ở đây tạo lập đất bằng cách mua bán giấy tay. Hoàn cảnh khó khăn, nhiều hộ chưa đi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền trên đất (sổ đỏ).

Thông tin di dời một năm nay nhưng giá cả đền bù chưa có, nhiều hộ thấp thỏm chờ đợi. Nhà ông Nguyễn Văn Cường (ấp 1, xã Phú Xuân) trước đây nằm ngoài mép kênh Mương Chuối, gần vị trí xây dựng cống Mương Chuối thuộc dự án chống ngập.

Năm 2005, gia đình ông thuộc diện giải tỏa để xây dựng cảng cá. Nhận tiền đền bù, ông mua lại căn nhà hiện tại (cách nhà cũ 1km) để dời vào.

Ông Cường cho biết năm trước khi nghe kế hoạch giải tỏa làm dự án, giá đất quanh khu vực chỉ khoảng 8-9 triệu đồng/m2.

Ông dự định nhận tiền đền bù sẽ mua đất cất nhà gần đó. Tuy nhiên, hiện nay giá đất quanh khu vực đã tăng lên 18-20 triệu đồng/m2. Ông Cường và nhiều hộ lo lắng chờ giá đền bù đưa ra để tính phương án tái định cư mới.

"Dân ở đây giờ sẵn sàng di dời, chỉ mong giá cả đền bù làm sao mua được đất nhà như nhà cũ để sinh sống. Còn nếu chọn hoán đổi đất tái định cư thì cũng phải ở quanh khu vực Nhà Bè, chứ ở xa thì khó cho việc làm ăn của người dân" - ông Cường nói.

Phải hài hòa lợi ích

Mới đây, Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến đốc thúc các quận huyện, sở ngành tập trung rà soát, có báo cáo kết quả, tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng.

Trong đó, ông Tuyến yêu cầu chủ tịch UBND quận, huyện phải tìm hiểu kỹ tâm tư, nguyện vọng của từng hộ dân có nhà, đất ảnh hưởng để nắm chắc nhu cầu người dân cần bồi thường bằng tiền mặt hay phải bố trí nhà tái định cư.

Đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, UBND TP giao Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với UBND các quận, huyện làm việc với từng doanh nghiệp làm rõ những lợi ích chung của dự án, kết hợp hài hòa lợi ích kinh doanh của doanh nghiệp để ký biên bản lần cuối.

Tiến Long - Mại Hoa (Tuổi Trẻ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.