Sau 6 tháng vận hành thu phí tại 1 trạm, doanh thu chỉ đạt khoảng 13 tỷ đồng
Gánh nặng dự án
Dự án đã thông xe từ tháng 3/2017 và được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nghiệm thu đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 5/2017. Tuy nhiên, hơn 7 tháng sau (ngày 25/1/2018), Nhà đầu tư mới được Bộ GTVT đồng ý cho thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ chỉ tại một Trạm Km72+930 trên tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (phương án hoàn vốn Dự án theo Hợp đồng BOT là 2 trạm thu phí).
Sau 6 tháng vận hành thu phí tại 1 trạm (tính đến cuối tháng 7/2018), doanh thu chỉ đạt khoảng 13 tỷ đồng (tương đương khoảng 12% so với doanh thu theo hợp đồng khi vận hành 2 trạm thu phí).
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, đại diện Liên danh nhà đầu tư cho biết, trước khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Nhà đầu tư đã có trên dưới 10 cuộc họp với Bộ GTVT, UBND tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, các bộ, các hiệp hội, cơ quan liên quan của 2 địa phương nhưng các bên vẫn còn 1 số ý kiến khác nhau, chưa thống nhất cao về phương án đối với trạm thu phí hoàn vốn cho Dự án hoặc có thống nhất tại cuộc họp giữa các bên nhưng lại không triển khai thực hiện.
Nhà đầu tư cũng đã trình phương án giảm tối đa mức phí cho các phương tiện qua trạm Quốc lộ 3 (giảm từ 50 - 100% phí đối với các phương tiện của người dân thuộc khu vực lân cận trạm, giảm 30% phí đối với các phương tiện khác ngoài khu vực lân cận trạm) nhưng vẫn chưa nhận được sự ủng hộ thực sự của chính quyền địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.
Trong khi chưa có doanh thu để hoàn vốn cho Dự án, thì doanh nghiệp dự án vẫn phải tổ chức các hoạt động khai thác, duy tu, bảo trì tuyến đường, trả lãi vay, nợ gốc, trả lương cho bộ máy quản lý, cho người lao động. Hơn một năm qua, Nhà đầu tư đã phải vay mượn bằng nhiều nguồn kinh phí để trả lãi vay, trả nợ gốc cho ngân hàng. Tiền lương của cán bộ công nhân viên thực hiện Dự án chưa có. Các khoản chi phí và duy trì hoạt động của Doanh nghiệp dự án, chi phí duy tu bảo trì cho hoạt động Dự án hiện đã lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Sơ đồ tuyến BOT Thái Nguyên - Chợ Mới
Rối phương án tài chính
Mới đây, trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin phép dừng chủ trương đầu tư hoàn chỉnh Quốc lộ 3 mới đoạn Hà Nội - Thái Nguyên và Chợ Mới - Bắc Kạn theo hình thức BOT, Bộ GTVT có đề xuất Thủ tướng xem xét ưu tiên bố trí từ nguồn dự phòng vốn ngân sách nhà nước trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 để trả nợ đọng xây dựng cơ bản của Dự án Xây dựng Quốc lộ 3 mới đoạn Hà Nội - Thái Nguyên.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia về kinh tế, đề xuất này của Bộ GTVT là không khả thi, vì trong bối cảnh nguồn ngân sách hạn hẹp như hiện nay, việc thu xếp để có thể trả nợ cho dự án BOT hơn 2.700 tỷ đồng là không đơn giản, trong khi đó Dự án Quốc lộ 3 Thái Nguyên - Chợ Mới không phải là tuyến BOT duy nhất trong cả nước xảy ra câu chuyện bất cập này. Hơn nữa, tại phiên họp Thường trực Chính phủ ngày 23/4/2018, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận không sử dụng ngân sách bù đắp hoặc mua lại các dự án BOT.
Tại một cuộc họp xử lý khó khăn, vướng mắc cho dự án BOT “long đong” này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công và nhiều đại biểu tham dự cũng “bác” phương án bỏ trạm thu phí trên Quốc lộ 3, cho phép Nhà đầu tư thực hiện mở rộng, hoàn thiện tuyến đường Hà Nội - Thái Nguyên đáp ứng tiêu chuẩn cao tốc và đặt trạm thu phí trên đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên và đường Thái Nguyên - Chợ Mới hoặc có cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ bằng ngân sách trung ương cho Nhà đầu tư đối với phần doanh thu bị giảm do xóa bỏ trạm thu phí trên Quốc lộ 3.
Phương án này không khả thi do việc cải tạo, nâng cấp và đặt trạm thu phí trên tuyến đường hiện hữu (tuyến Hà Nội - Thái Nguyên) không phù hợp với Nghị quyết số 437/NQ-UBNVQH14 ngày 21/10/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (đầu tư BOT trên các tuyến đường mới, không triển khai các công trình BOT trên các tuyến đường hiện hữu, không đầu tư một nơi và thu phí 1 nơi).
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo Kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên mới đây. Đối với trạm thu phí BOT Quốc lộ 3 Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn), Thủ tướng chỉ đạo giao Bộ GTVT phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên, các bộ, cơ quan liên quan và nhà đầu tư khẩn trương thống nhất phương án về trạm thu phí để hoàn vốn cho Dự án, tránh lãng phí và phát sinh tăng chi phí đầu tư, đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, Nhà đầu tư, người dân, không để xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự trong khu vực khi đưa trạm thu phí vào hoạt động và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng những vấn đề vượt thẩm quyền. |
-
Thái Bình dừng hợp đồng BOT dự án tuyến đường bộ gần 2.600 tỷ đồng từ thành phố đi cầu Nghìn
Mới đây, UBND tỉnh Thái Bình đã tổ chức họp với các sở, ngành và đại diện liên danh nhà đầu tư về đàm phán thỏa thuận chấm dứt thực hiện hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ từ TP Thái Bình đi cầu Ng...
-
Phó Thủ tướng chỉ đạo rà soát các dự án BOT giao thông
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải rà soát, đánh giá toàn diện các dự án BOT giao thông bao gồm cả dự án Bộ Giao thông vận tải quản lý và các dự án do các địa phương quản lý....
-
Cận cảnh khu đất vừa được Hà Nội cho phép xây dựng công trình nhà ở thấp tầng tại Khu đô thị Thanh Hà – Cienco 5
Ngày 31.10 vừa qua, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đã có chỉ đạo về việc xử lý vi phạm tồn tại của Khu đô thị Thanh Hà A, B – Cienco 5 (tại huyện Thanh Oai và quận Hà Đông).