Thời gian qua, để chấn chỉnh những bất cập, sai sót tồn tại ở hàng loạt dự án BOT giao thông, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã kiểm tra một số dự án và phát hiện, chỉ ra nhiều “lỗ hổng” phải xử lý. Song qua kiểm toán cũng cần có cái nhìn tổng thể để đưa ra những khuyến nghị sát thực, tránh cái nhìn sai lệch vì trừ những nơi “thiên thời địa lợi”, không phải dự án BOT nào cũng giống nhau... Kết quả kiểm toán dự án nâng cấp QL 19 là một ví dụ…
Trạm thu phí và nhà điều hành dự án BOT quốc lô 19
Những thông tin gây nghi ngờ
Dự án do TCT 36 (Bộ Quốc phòng) làm nhà đầu tư, DN dự án là Cty TNHH BOT 36.71. Đây là công trình hạ tầng trọng điểm được thực hiện từ tháng 12.2013 đến tháng 12.2015. Tuy nhiên, việc KTNN công bố kết quả kiểm toán mới đây tại dự án đã dẫn đến một số thông tin chưa hiểu đúng bản chất vụ việc.
Theo đó, thông tin cho rằng, tại thời điểm 31.3.2016, tổng nguồn vốn đầu tư Dự án là 1.116 tỉ đồng, giảm hơn 2.000 tỉ đồng so với tổng mức đầu tư ban đầu và sai sót do khâu lập, thẩm định về phê duyệt phương án tài chính.
Sau khi KTNN kiểm toán, thời gian thu phí hoàn vốn chỉ còn lại 10 năm 9 tháng 26 ngày (giảm so với phương án tài chính ban đầu hơn 7 năm 6 tháng). Dự án có khối lượng dự phòng (khối lượng và trượt giá) không sử dụng lên tới 447 tỉ đồng; chi phí đầu tư thực hiện giảm 237 tỉ đồng… do xây dựng, thẩm định chưa sát...
Đâu là sự thật?
Trao đổi với PV Lao Động, Thượng tá Nguyễn Trung Dũng, Giám đốc Cty TNHH BOT 36.71 cho biết những thông tin mà KTNN đưa ra trong bản báo cáo kiểm toán cơ bản phản ánh đúng kết quả đầu tư nhưng có một chi tiết rất đáng lưu ý là Dự án QL 19 được tiến hành kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án BOT QL 19 từ ngày 25.3.2016 đến 23.7.2016 trong khi dự án quyết toán vốn với Bộ GTVT vào tháng 12.2016. Do vậy, đoàn KTNN chỉ kiểm toán được chi phí đầu tư đến thời điểm 31.3.2016 với tổng nguồn vốn đầu tư là 1.116 tỉ đồng và chi phí đầu tư đến 31.3.2016 được kiểm toán xác nhận 1.093 tỉ đồng. Vì vậy không thể lấy số liệu này để suy luận, đưa ra những nhận định chủ quan.
Cũng từ số liệu kiểm toán trên, thời gian thu phí theo kiểm toán nêu ra chỉ để so sánh 10 năm 9 tháng 26 ngày là chưa tính theo tổng mức đầu tư đến tháng 12.2016 chứ không phải tổng nguồn vốn đầu tư dự án là 1.116 tỉ đồng và giảm tới 7 năm 6 tháng thu phí so với phương án 18 năm 4 tháng 23 ngày.
Trong bản báo cáo gửi KTNN ngày 28.8.2016, Cty TNHH BOT 36.71 đã đề nghị điều chỉnh lại các nội dung này nhưng đề xuất trên không được tiếp thu, chỉnh sửa trong bản báo cáo cuối cùng của KTNN.
“Các gói thầu đã tiết giảm nhiều so với tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu không phải do “ghi sai đơn giá” mà do việc điều chỉnh lại hàm lượng nhựa theo thực tế thi công. Sau cuộc kiểm toán, KTNN đánh giá TCT 36 đã thực hiện rất tốt dự án nâng cấp, cải tạo QL 19; là một trong những dự án BOT giao thông hiếm hoi gần như không phải điều chỉnh tổng mức đầu tư và các số liệu khác” - Thượng tá Nguyễn Trung Dũng khẳng định. Ông Dũng cho biết tại dự án này, cả lãnh đạo Bộ GTVT và các cơ quan chức năng liên quan... đều đánh giá đây là một trong những dự án BOT giao thông quản lý tốt, duy trì nghiêm túc các thủ tục quản lý, hầu như rất ít sai sót phải xử lý.
Bản báo cáo kiểm toán dự án cũng không có thông tin chỉ ra các sai sót về xác định tổng mức đầu tư, thời gian thu phí hay khối lượng dự phòng.
Chia sẻ với PV Lao Động, Đại tá Nguyễn Đăng Giáp, Chủ tịch kiêm TGĐ TCT 36 chia sẻ, “dự án cải tạo, nâng cấp QL 19 không phải là dự án “ngon ăn” bởi nằm ở địa bàn xa xôi, lưu lượng xe tham gia giao thông không lớn nên rất ít NĐT dám làm. Báo cáo của KTNN cũng thừa nhận sau thời gian dài mời thầu, không có Cty nào dự thầu ngoài TCT 36. Thực tế hiện nay chúng tôi đang phải gánh khoản lỗ hơn 10 tỉ đồng/năm. Theo phương án tài chính của dự án, phải ít nhất 5 năm sau mới có lãi. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đây thực sự là nỗ lực lớn của TCT 36”.
Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng, Trưởng ban PPP Bộ GTVT cho rằng, tổng mức đầu tư ban đầu chỉ là kinh phí dự tính của dự án làm cơ sở để chủ đầu tư lập kế hoạch và quản lý vốn khi thực hiện đầu tư xây dựng công trình chứ không phải là giá trị cuối cùng để xác định thời gian thu phí hoàn vốn cho dự án. Do đó, phải trên số liệu quyết toán mới tính toán chính xác thời gian thu phí.
Từ sự việc này, có thể rút ra nhiều kinh nghiệm trong xử lý thông tin sau kiểm toán. Những nhận định, suy đoán thiếu căn cứ từ kết quả kiểm toán nếu không được xử lý một cách khoa học có thể dẫn đến hiểu sai, làm giảm vai trò công tác kiểm toán và uy tín của nhà đầu tư.

Trao đổi với báo giới, ông Trần Đình Chiến, Trưởng đoàn Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành 4 triển khai kiểm toán tại dự án cho biết, bản kết luận kiểm toán đã nêu rõ những thông tin khách quan về dự án.

Một số hạng mục đầu tư của dự án có giảm hơn so với dự toán ban đầu do TCT 36 đã có nhiều giải pháp tiết kiệm, triển khai gói thầu hiệu quả. Song số liệu mấu chốt nhất là dự án được kiểm toán theo số liệu tính đến ngày 31.3.2016 nên không nên lấy đó làm căn cứ để suy đoán dự án có sai phạm hay tính toán tổng mức đầu tư không đúng. Phải đợi đến thời điểm quyết toán vốn với Bộ GTVT thì lúc đó mới xác định chính xác tổng mức đầu tư và thời gian thu phí cho dự án một cách chính xác nhất”.


Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường từng khẳng định, với một dự án BOT, trong tổng mức đầu tư sẽ có các khoản dự phòng, trong đó có dự phòng trượt giá, dự kiến khoảng 12-18%. Dự án BOT có mức dự phòng thấp nhất cũng phải 500 tỷ đồng, cao có thể lên đến 2.000 tỉ đồng. Theo phân tích trên thì mức dự phòng 447 tỉ đồng tại dự án QL 19 là bình thường.
Minh Quyết (Lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.