31/10/2017 7:53 AM
Đại biểu Quốc hội đề nghị cần làm rõ trách nhiệm tập thể cũng như cá nhân dẫn đến “méo mó, biến dạng” của các dự án BOT giao thông.
Những bất cập của các dự án BOT giao thông đang làm nóng nghị trường kỳ họp lần thứ 4, Quốc hội khóa XIV ở phiên thảo luận báo cáo của Chính phủ về kinh tế - xã hội và ngân sách. Các đại biểu Quốc hội đã nêu ý kiến về việc thu phí bất hợp lý, suất đầu tư không minh bạch, nhà đầu tư BOT tay không bắt giặc… Các cử tri đồng tình trước cách đặt vấn đề, chỉ ra những sai phạm của các dự án BOT giao thông.
Trạm thu phí tuyến tránh Biên Hòa. (Ảnh minh họa: Ngọc An/Zing)
Theo báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các dự án BOT giao thông vừa được gửi đến các đại biểu Quốc hội chỉ rõ có 5 bộ được nêu đích danh về trách nhiệm là Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Xây dựng.
Bộ Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm chính đối với những hạn chế, vi phạm của các dự án do Bộ quyết định đầu tư. Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cần triển khai các phương án xử lý kịp thời những tồn tại, yếu kém và kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra, báo cáo vào kỳ họp Quốc hội cuối năm 2018.
Theo cử tri Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội: "Tôi hoan nghênh Quốc hội chỉ đạo Kiểm toán Nhà nước kiểm tra các BOT phát hiện ra bất cập có biện pháp khắc phục. Quốc hội bàn thảo đưa ra những giải pháp toàn diện, đồng bộ, khoa học về quá trình đầu tư các dự án BOT để một chủ trương đúng đắn không bị “méo mó". Làm cho người dân tin tưởng vào việc Nhà nước huy động vốn của xã hội để đầu tư BOT tác động thúc đẩy kinh tế phát triển.”
Bốn chủ thể có trách nhiệm trong các dự án BOT đó là cơ quan trung ương, chính quyền địa phương, nhà đầu tư và người dân. Bên cạnh đó, là 3 nhóm lợi ích gồm: lợi ích của nhà nước, của người dân và của chủ đầu tư. Khi hài hòa các nhóm lợi ích, minh bạch, công khai trong đầu tư xây dựng các dự án BOT sẽ giảm được những bức xúc của xã hội như hiện nay.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, đề nghị cần làm rõ trách nhiệm tập thể cũng như cá nhân dẫn đến “méo mó, biến dạng” của các dự án BOT: “Đặt trạm BOT là đúng theo quyết định đầu tư, ví dụ như trạm tuyến tránh Đồng Nai đúng quyết định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư đặt trạm ở vị trí đó. Nhưng khi người dân có vướng mắc thì cơ quan nhà nước không có trách nhiệm gì là không đúng. Như vậy, nếu nhà đầu tư thiệt hại gì, thì phải bù đắp. Phải xác định trách nhiệm của nhà nước nói chung và bản thân chủ thể ra các quyết định không hợp pháp, không phù hợp với hiện trạng.”
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia về tài chính ngân hàng, phân tích: Các dự án BOT tồn tại nhiều rủi ro việc chọn nhà đầu tư, hoàn thiện công trình, tài chính… Trong đó, rủi ro trong việc chọn lựa nhà đầu tư là một rủi ro lớn trong việc triển khai dự án BOT. Nhiều dự án BOT đã không thể lựa chọn được nhiều nhà đầu tư bởi chỉ có một nhà đầu tư tham dự. Quy trình lựa chọn nhà đầu tư có năng lực là vấn đề cần làm, không để tình trạng “tay không bắt giặc” ở các dự án BOT./.
Chủ đề: Các dự án BT, BOT
Hoài Lam (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.