Theo Kết luận Thanh tra công tác quản lý nhà nước và triển khai thực hiện các dự án đầu tư bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tại tỉnh Lâm Đồng mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố, tình trạng cấp phép nhiều, triển khai ít là khá phổ biến. Đặc biệt, Lâm Đồng là tỉnh đứng đầu cả nước về số lượng “siêu dự án” xét về mặt chiếm nhiều đất. Chẳng hạn, Dự án Royal City (chiếm 683 ha), Khu du lịch rừng Madagui (601 ha), Đồi hoa Madagui (525 ha), Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Chìa Khóa Vàng (468 ha)… Tổng cộng, có 37 “siêu dự án” với diện tích chiếm đất bình quân từ 100 đến 700 ha/dự án. Riêng số “siêu dự án” đã chiếm 26% tổng số dự án được chấp thuận đầu tư hoặc cấp phép.
Không chỉ đứng đầu về số lượng dự án khủng, Lâm Đồng còn cấp phép nhanh đến bất ngờ.
Cao điểm của việc cấp phép đầu tư cho các dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tại Lâm Đồng chủ yếu tập trung vào 3 năm 2007, 2008 và 2009. Cụ thể, năm 2007 đã có 27 dự án được cấp phép, với vốn đăng ký hơn 4.000 tỷ đồng; năm 2008 có 57 dự án được cấp phép, với vốn đăng ký hơn 17.000 tỷ đồng và năm 2009 đã có 33 dự án được cấp phép đầu tư, với tổng vốn hơn 6.800 tỷ đồng. Như vậy, chỉ riêng 3 năm này, Lâm Đồng đã cấp phép cho 117 dự án bất động sản, với tổng vốn đăng ký hơn 27.800 tỷ đồng.
… song triển khai nhỏ giọt
Cấp phép ồ ạt, song việc triển khai thực hiện dự án của các chủ đầu tư quá chậm, khối lượng thực hiện quá ít.
Điển
hình là Dự án Khu du lịch sinh thái Hồ Đạ Tẻh của Công ty cổ phần Dịch
vụ du lịch Minh Nhựt. Dự án này có quy mô hơn 534 ha, với tổng vốn đầu
tư hơn 168 tỷ đồng được cấp phép ngày 19/1/2009, song đến nay, chủ đầu
tư còn chưa lập xong quy hoạch, chưa lập báo cáo đánh giá tác động môi
trường, hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất, triển khai xây dựng, cho
dù đã được bàn giao đất từ tháng 6/2009.
Một dự án khác là Khu nghỉ dưỡng Sân golf Bảo Lộc của Công ty TNHH Xây dựng Jinsung Vina, diện tích đất 250 ha, tổng vốn đầu tư hơn 18 triệu USD, được cấp phép ngày 20/12/2007, song đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa triển khai dự án, chưa tổ chức đền bù, hỗ trợ tái định cư, không đủ năng lực tài chính thực hiện.
Đặc biệt, có 34 dự án sau khi được bàn giao đất từ 1 đến 3 năm, nhưng chủ đầu tư vẫn chưa tiến hành khởi công xây dựng. Thậm chí, có 7 dự án sau khi được bàn giao đất hơn 36 tháng vẫn không triển khai xây dựng. Đó là Dự án Sân golf và Khu nghỉ dưỡng Đà Lạt được bàn giao 268 ha đất nhưng đã 36 tháng trôi qua vẫn chưa triển khai; Dự án Đầu tư nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới khu nghỉ dưỡng cao cấp 5 sao tại khu vực Dinh I được cấp hơn 18 ha đất đã 48 tháng mà không triển khai; Dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Suối Bạc được bàn giao hơn 128 ha đất, qua 46 tháng vẫn chưa “động đậy” gì; Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng thác Đasar được cấp hơn 117 ha đất, chậm 42 tháng; Khu biệt thự nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái An Tâm Đà Lạt 64,11 ha, chậm 36 tháng…
Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, với nhiều sai sót, công tác quản lý nhà nước của Lâm Đồng đối với các dự án đầu tư bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng còn yếu, nhất là việc theo dõi, giám sát, đôn đốc hậu cấp phép.
Ngoài giá trị đầu tư thấp, tính đến nay, cũng mới chỉ có 21/144 dự án được cấp phép đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng, chiếm 14,6%. Các dự án này mới chỉ nộp vỏn vẹn 124,4 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước. Một con số quá khiêm tốn so với số lượng “siêu dự án” mà tỉnh Lâm Đồng đã cấp.