Các chuyên gia bất động sản cho rằng, sẽ có sự thay đổi về chiến lược kinh doanh của chủ đầu tư trong lĩnh vực bất động sản. Khi quỹ đất tại Hà Nội đã được thế chân bằng hàng loạt dự án chung cư, biệt thự, thì tỉnh lân cận, lợi thế đất đai đến nay mới được các “đại gia” ngó ngàng…

Bùng nổ dự án tại Hà Nam

Bắt đầu tư năm 2010 và những ngày đầu năm Tân Mão, Hà Nam liên tiếp đón nhận tin vui với hàng loạt dự án bất động sản của các nhà đầu tư “đổ bộ” về đây. Tiềm năng của vùng đất cửa ngõ Thủ đô Hà Nội đang được đánh thức bởi nhiều dự án quy mô liên tục xuất hiện…

Từ đầu năm mới, UBND tỉnh Hà Nam chính thức ban hành quyết định phê duyệt nhiệm vụ thiết kế quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu đô thị mới River Silk City, do Công ty Cổ phần đầu tư C.E.O làm chủ đầu tư.



Phối cảnh dự án River Silk City

River Silk City là khu đô thị có hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ với diện tích lập quy hoạch khoảng 216,0 ha (trong đó khu phía Bắc khoảng 117 ha, khu phía Nam khoảng 99 ha), quy mô dân số 11.000 người (khu phía Bắc khoảng 6.500 người, khu phía Nam khoảng 4.500 người).

Ngoài dự án đình đám nói trên, trong hai ngày 7/1/2011, 12/1/201, tỉnh Hà Nam ban hành quyết định phê duyệt nhiệm vụ thiết kế Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu dân cư Bắc sông Châu Giang (thành phố Phủ Lý) và quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 khu đô thị sinh thái công nghệ và dịch vụ đa ngành Hải Minh, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

Trong đó, dự án khu đô thị sinh thái công nghệ và dịch vụ đa ngành Hải Minh do Công ty Cổ phần Bất động sản DETECH LAND làm chủ đầu tư, quy mô sử dụng đất khoảng 278,2 ha.

Trong năm 2010, tỉnh Hà Nam cũng đã “gật đầu” với hàng loạt dự án của các nhà đầu tư về vùng đất này. Theo đó, các dự án như khu cảng ICD và khu đô thị Đồng Văn cũng đã được Hà Nam đồng ý để Công ty INTERSERCO làm chủ đầu tư. Khu đô thị mới Châu Giang “GREEN PEARL” (quy mô 242,03 ha), khu đô thị Nam Hà Nội (thuộc khu đô thị Bắc Châu Giang, thành phố Phủ Lý, với diện tích 91,19 ha) cũng chính thức được phê duyệt nhiệm vụ thiết kế quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500.

Trong năm 2010, khu đô thị Phù Vân, thành phố Phủ Lý, một dự án đình đám trong giới bất động sản cũng được Hà Nam phê duyệt nhiệm vụ thiết kế quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/2000, với diện tích 481,65 ha.

Trào lưu “đánh bắt xa bờ”

Khi quy mô “phủ sóng” các dự án bất động sản tại Hà Nội trở nên dày đặc, với chi phí đầu tư được đánh giá là cao thì trong năm 2011, các chuyên gia bất động sản nhận định sẽ xuất hiện làn sóng đầu tư mới về các đô thị giáp ranh Hà Nội. Ngoài việc phát triển mạnh về cơ sở hạ tầng, thì thị trường bất động sản tại các địa phương này cũng là miền đất hứa với các chính sách ưu đãi được lãnh đạo đưa ra với chủ đầu tư.

Không riêng gì Hà Nam, các tỉnh lân cận Hà Nội như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên cũng trở thành “tầm ngắm” của nhà đầu tư, khi hàng loạt dự án quy mô được công bố.

Tiềm năng khách hàng cũng là lợi thế đối với ông chủ các dự án. Nếu mấy năm trước đây, các dự án bất động sản của tập đoàn Nam Cường tại Hải Dương và Nam Định còn “thưa thớt” giao dịch, tính thanh khoản kém, thì thời gian gần đây, các giao dịch tại những dự án này thêm phần sôi động. Hàng loạt văn phòng môi giới nhà đất mọc lên “phục vụ” khách hàng, trong khi đó, các văn phòng công chứng làm việc đến “hụt hơi” vì lượng người đến công chứng các giao dịch nhà đất tăng lên từng ngày.

“Chi phí rẻ hơn, mua bán qua trung gian được hạn chế nên thị trường bất động sản các tỉnh ven Hà Nội sẽ là tiềm năng trong tương lai”, Vũ Huy Hạnh, nhà môi giới bất động sản, cho hay.

Cafeland.vn - Theo Pháp luật Việt Nam
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland