Đã hơn 10 năm qua nhưng hầu hết các dự án ở hai xã Tiến Xuân (Thạch Thất) và Đông Xuân (Quốc Oai) của Hà Nội đều bất động chờ rà soát rồi điều chỉnh quy hoạch. Trong khi số phận các dự án chưa được định đoạt thì hàng nghìn hộ dân ở đây vẫn thấp thỏm chờ đợi vì việc chuyển nhượng đất hay thế chấp ngân hàng… đều không thể thực hiện.

Ông Bùi Văn Quyền - Trưởng thôn Đồng Bèm chỉ về khu vực đất quy hoạch dự án khu đô thị Tiến Xuân đang “ngủ đông”. Ảnh: N.T

Dân phiền, chính quyền mệt

Theo tìm hiểu của PV Báo Gia đình & Xã hội, trước khi sáp nhập vào Hà Nội năm 2008, xã Tiến Xuân (Thạch Thất) và Đông Xuân (Quốc Oai) thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình. Ngay trước thời điểm sáp nhập về Hà Nội, riêng trên địa bàn xã Tiến Xuân đã được tỉnh Hòa Bình phê duyệt 25 dự án. Trong đó, chủ yếu là các dự án khu đô thị, biệt thự, nhà vườn. Riêng dự án khu đô thị Tiến Xuân do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) làm chủ đầu tư đã có diện tích lên tới 1.200ha thuộc hai xã Đông Xuân và Tiến Xuân.

Khi được hỏi về khu đất nằm trong quy hoạch của dự án, rất nhiều người dân nơi đây rất mơ hồ, còn chính xác phạm vi bao trùm của nó ở đâu thì không ai nắm rõ. Bởi lẽ, tính cho đến thời điểm này, Công ty Sudico vẫn không có một động thái gì trong việc giải phóng mặt bằng.

Anh Nguyễn Văn Mùi (41 tuổi, trú tại thôn Bình Sơn, xã Tiến Xuân) đang ở trên diện tích đất nằm trong dự án khu đô thị Tiến Xuân chia sẻ, 10 năm qua, gia đình anh luôn phải sống trong tâm trạng ngày đêm thấp thỏm lo âu. Qua lời kể của anh Mùi, việc dự án không đi vào hoạt động đã ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của đại gia đình anh. Thời điểm anh có nhu cầu bán nhà và đã có một số người đến tìm mua, tuy nhiên khi biết diện tích đất của ngôi nhà nằm trong diện quy hoạch, các vị khách đều tỏ ra ngán ngẩm và bỏ về.

“Cho đến thời điểm này, dự án Khu đô thị Tiến Xuân vẫn chỉ nằm trên giấy tờ. Hơn 10 năm qua, việc đền bù, giải phóng mặt bằng đất nông nghiệp và đất thổ cư cho người dân bị rơi vào lãng quên. Gia đình tôi và không ít gia đình nằm trong địa bàn xã bị lâm vào cảnh khốn đốn”, anh Mùi nói.

Gia đình chị Đặng Thị Vải (45 tuổi, trú tại thôn Bình Sơn, xã Tiến Xuân) cũng rơi vào hoàn cảnh vô cùng éo le do dự án khu đô thị Tiến Xuân không đi vào hoạt động. Vợ chồng chị Vải có ý định cơi nới, sửa chữa và nâng cấp lại ngôi nhà của mình từ nhiều năm nay nhưng không dám vì phải chờ thông tin từ dự án. Chính vì vậy, suốt mấy năm qua, gia đình chị vẫn chưa hoàn thành được giấc mơ tu sửa lại ngôi nhà cho khang trang hơn.

Nói về tình trạng trên, ông Quách Đình Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân cho biết: “Đã hơn 10 năm qua, hầu hết các dự án đều bất động chờ rà soát rồi điều chỉnh quy hoạch. Điều quan trọng là đến nay vẫn chưa có quyết định rõ ràng về số phận của các dự án. Hàng nghìn hộ dân của xã bị ảnh hưởng nặng nề do tâm lý chờ đợi thu hồi đất. Nhiều quyền lợi của người dân gắn với quyền sử dụng đất như chuyển nhượng, thế chấp ngân hàng đều không thể thực hiện vì nhiều dự án đã có quyết định thu hồi đất. Ròng rã cả chục năm qua, rất nhiều người dân chất vấn chúng tôi về tình trạng của các dự án nhưng chúng tôi cũng không thể trả lời rõ ràng được. Tất cả đều phải chờ đợi. Bản thân lãnh đạo xã cũng rất mệt mỏi vì tình trạng này”.

Lãnh đạo UBND xã Tiến Xuân cũng cho hay, việc phát triển kinh tế xã hội của xã cũng bị ảnh hưởng do hầu hết quỹ đất đang nằm trong khu vực dự án bị treo. Nhiều doanh nghiệp muốn có đất để sản xuất, đầu tư khi nghe đến khu vực dự án treo đều lo ngại không dám đầu tư vào.

Chấp nhận bị ép giá để bán nhà

Những ngôi nhà và những thửa ruộng trên địa bàn xã Tiến Xuân nằm trong dự án quy hoạch.

Tại xã Đông Xuân thuộc huyện Quốc Oai, tình trạng dự án treo cũng là nỗi ám ảnh với người dân nơi đây. Ông Bùi Văn Long - Phó Chủ tịch UBND xã Đông Xuân cho biết: Khoảng 800ha đất của xã nằm trong quy hoạch khu đô thị Tiến Xuân. UBND xã đã nhiều lần có ý kiến với huyện và đại biểu Quốc hội khi tiếp xúc cử tri. Tuy nhiên hiện nay vẫn trong tình trạng phải chờ ý kiến cấp trên.

Ông Bùi Văn Quyền - Trưởng thôn Đồng Bèm (xã Đông Xuân) cho hay: “Dự án khu đô thị Tiến Xuân có hơn 800ha diện tích nằm trên địa bàn xã Đông Xuân và phần lớn diện tích thôn Đồng Bèm đều nằm trong dự án, trong đó có cả đất nông nghiệp, đất thổ cư. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, người dân vẫn chưa biết bao giờ thì dự án đi vào hoạt động. Thậm chí, Công ty Sudico cũng chưa hoàn thành việc kiểm đếm, đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng trên địa bàn xã Đông Xuân khiến người dân không khỏi thấp thỏm, lo lắng”.

Cũng theo lời ông Quyền: “Mặc dù nằm trong diện tích đất quy hoạch nhưng trên địa bàn thôn Đồng Bèm vẫn chưa có gia đình nào bàn giao sổ đỏ cho chủ đầu tư dự án”.

“Cách đây 3 - 4 năm đã có nhiều gia đình trong thôn không thể vay vốn ngân hàng bằng việc thế chấp sổ đỏ, nguyên nhân là do nằm trong đất dự án. Điều này đã gây nên nỗi bức xúc không nhỏ cho bà con. Một số nhà vì nhu cầu cấp thiết nên chấp nhận bị ép giá với mức rẻ mạt”, ông Quyền cho hay.

Khi được hỏi về nguyện vọng của mình, đa phần người dân sinh sống trên địa bàn xã Đông Xuân đều tỏ ra mong ngóng và trông đợi quyết định “số phận” của dự án khu đô thị Tiến Xuân. Nhiều người dân tại đây cho biết họ đã rất nhiều lần gửi văn bản kiến nghị đến Công ty Sudico nhưng tính cho đến thời điểm này việc dự án có đi vào hoạt động hay không vẫn còn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp.

Đã trình lên Thủ tướng Chính phủ

Đại diện Sở QH-KT Hà Nội cho biết đã nắm rõ tình trạng dự án treo tại khu vực xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) và xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai) cũng như những khó khăn mà người dân địa phương đã phải đối mặt. Do hai xã Đông Xuân và Tiến Xuân nằm trong quy hoạch khu đô thị vệ tinh Hòa Lạc nên phải chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch này. Hiện TP Hà Nội đã trình lên Thủ tướng quy hoạch đô thị vệ tinh Hòa Lạc để có căn cứ giải quyết tình trạng dự án treo và những vấn đề tồn tại khác ở khu vực hai xã này.

Nhật Tân – Ngọc Tuấn (GĐXH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.