Là chủ tịch kiêm CEO của một trong những công ty hàng đầu tại Nhật, Fujio Mitarai biết rõ về việc đồng yên tăng giá mạnh tác động xấu đến các công ty sản xuất Nhật như thế nào.
Năm 1966, ông Mitarai, khi đó đang quản lý bộ phận kinh doanh máy ảnh và máy phôtôcopi, rời đến làm việc tại Canon Mỹ, đồng yên giao dịch với đồng USD ở mức 360 yên/USD. Khi ông trở lại Nhật 23 năm sau đó, đồng yên đã tăng lên mức 120 yên/USD.
Ông kể lại: “Trong khoảng thời gian 23 năm tôi làm việc ở nước ngoài, sản phẩm nhập khẩu ngày một đắt hơn. Vì vậy tại Mỹ, thực chất tôi luôn phải sống trong cuộc chiến với sự tăng giá của đồng yên và cho đến nay mọi chuyện cũng không khác mấy.”
Những công ty xuất khẩu hàng hóa của Nhật, thời kỳ thập niên 1980 và 1990 phát triển mạnh mẽ trên thị trường toàn cầu và mang đến sự tự hào cho hàng hóa của Nhật, nay đối đầu với khó khăn tương tự. Tuy nhiên họ đang thua trong cuộc chiến bởi đồng yên hiện nay giao dịch ở mức kỷ lục 77 yên/USD.
Nhóm công ty mang đến sự tự hào cho hàng hóa Nhật chịu áp lực lớn chưa từng có trong bối cảnh kinh tế Nhật tăng trưởng trì trệ suốt 2 thập kỷ; cạnh tranh với đối thủ từ nhóm nước có chi phí sản xuất tháp và đồng nội tệ khiến chi phí ngày một tăng nóng.
Ngay chính nhiều hãng ô tô Nhật, dù đã mở rộng hoạt động sản xuất ra nước ngoài trong nhiều năm và thậm chí trở thành “bậc thầy” trong tiết kiệm chi phí, cảnh báo về khả năng sụt giảm nghiêm trọng của ngành sản xuất tại đất nước có nền kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới.
Việc vực dậy kinh tế Nhật đóng vai trò quan trọng trong việc
đưa kinh tế toàn cầu tăng trưởng tốt. Khi khủng hoảng nợ đang khiến châu Âu
khốn khổ và kinh tế Mỹ phục hồi kém, kinh tế Nhật quan trọng với nhiều nền kinh
tế khác trên thế giới, trong đó phải kể đến kinh tế Canada vốn coi Nhật như thị
trường chính.
Có rất ít dấu hiệu cho thấy kinh tế Nhật đang chuyển hướng dù chính phủ đã chi tiêu rất nhiều tiền để tái thiết đất nước sau thảm họa động đất, sóng thần ngày 11/03/2011.
Trong báo cáo về tình trạng kinh tế mới đây, Ngân hàng Trung ương Nhật nhấn mạnh: “Hoạt động kinh tế Nhật dường như không có nhiều biến chuyển, chủ yếu do kinh tế toàn cầu tăng trưởng kém đi và đồng yên tăng giá.”
Đằng sau những lời tuyên bố của Ngân hàng Trung ương Nhật, có thể hiểu đồng yên đang buộc kinh tế Nhật phải thay đổi. Có lẽ sau này người ta sẽ không còn thấy dòng chữ “Made in Japan” phổ biến nữa, thay vào đó sẽ là “Made by Japan”.
Thách thức không hề nhỏ. Năm 2011, Nhật đã có thâm hụt thương mại lần đầu tiên trong 31 năm do tác động từ thảm họa động đất, sóng thần và khủng hoảng năng lượng, ngoài ra xuất khẩu sụt giảm do đồng yên mạnh.
Minh chứng rõ ràng cho việc Nhật đang thay đổi có thể thấy ở việc Nissan Motor công bố kế hoạch xây dựng nhà máy lắp ráp mới trị giá 2 tỷ USD tại Mêhicô để nâng sản lượng tại đây lên 1 triệu xe/năm, dù sao vẫn thấp hơn sản lượng 1,2 triệu xe mà Nissan sản xuất tại Nhật.
Nhà máy mới sẽ bắt đầu hoạt động từ năm 2012 để sản xuất xe ô tô cỡ nhỏ, loại xe vốn rất quan trọng với các hãng ô tô Nhật hiện đang xuất hàng với số lượng lớn sang Mỹ và Canada.
Ông Carlos Ghosn, CEO của Nissan, nhận xét: “Rõ ràng Nhật đang đối đầu với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.”
Chi nhánh của Nissan tại nhiều khu vực khác trên thế giới không muốn nhận xe từ Nhật, ông Ghosn cho biết.
Cuộc khủng hoảng đối với ngành điện tử Nhật còn tồi tệ hơn, người Nhật bắt đầu hiểu tại sao nhiều công ty sản xuất tivi và điện tử của Nhật biến mất trong thập niên 1980 khi những hàng của Nhật như Sony, Panasonic và Toshiba tấn công vào thị trường Mỹ.
Công ty sản xuất hàng điện tử Nhật đang chịu rất nhiều áp lực từ hãng điện tử của Hàn Quốc như Samsung hay LG và nhiều hãng khác đang lắp ráp hàng hóa tại Trung Quốc, Indonexia, Thái Lan và nhiều nước chi phí thấp khác.
Panasonic đang giảm sản lượng tivi 42 inch xuống 7,2 triệu chiếc/năm từ con số 13,8 triệu chiếc trước đó. Hãng ngoài ra còn ngưng sản xuất tivi plasma tại một nhà máy lớn tại Nhật mới mở cửa cách đây chỉ 3 năm. Panasonic dự báo hãng thua lỗ khoảng 420 tỷ yên trong năm tài khóa kết thúc ngày 31/03/2012.
CEO của Canon trong khi đó vẫn thể hiện thái độ lạc quan, một phần bởi công ty đã đưa ra nhiều biện pháp tự bảo vệ khỏi sự lên giá của đồng yên. Hiện khoảng 55% sản phẩm của Canon được sản xuất bên ngoài Nhật. Canon mở nhà máy đầu tiên tại Việt Nam năm 2001, Canon hiện có vài nhà máy ở Trung Quốc cũng như Thái Lan và Đài Loan. Canon duy trì chiến lược sản xuất hàng có giá trị gia tăng cao tại Nhật.
Nissan cũng có quan điểm tương tự. Nhiều loại xe giá cao được sản xuất tại Nhật với linh kiện giá rẻ cung cấp bởi nhà máy tại Trung Quốc, Thái Lan và nhiều nơi khác, cuối cùng được nhập vào Nhật để lắp ráp thành phẩm.
Các công ty Nhật nếu muốn tồn tại qua cuộc khủng hoảng sẽ cần phải mạnh tay nâng cao hiệu quả sản xuất và cắt giảm chi phí.