05/10/2023 8:54 AM
Không còn quá nóng trên thị trường chứng khoán, tuy nhiên lĩnh vực ngân hàng vẫn là một trong những lĩnh vực được nhà đầu tư nước ngoài ưu tiên, khi các ngân hàng Việt đã và đang thu hút một lượng vốn lớn thông qua các thương vụ mua bán và sáp nhập cho đến các thỏa thuận vay vốn từ nhiều định chế tài chính quốc tế.

Ảnh minh hoạ.

Mua bán, sáp nhập sôi động

Theo quy định, tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không được vượt quá 20% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng Việt Nam. Trong khi đó, trần tỷ lệ sở hữu của tất cả nhà đầu tư nước ngoài tại một tổ chức tín dụng trong nước là 30%. Vì vậy, nhiều nhà đầu tư nước ngoài luôn để mắt tới cổ phiếu các ngân hàng tiềm năng.

Theo Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, có tới 16 ngân hàng có tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên 15%, trong đó có một số ngân hàng đã đạt hoặc gần trần như Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Hàng Hải. Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Đặc biệt, Sacombank đang tiến gần đến trần 30%.

Trong tháng 9/2023, để hoàn tất phát hành hơn 1,19 tỷ cổ phiếu chào bán riêng lẻ cho Sumimoto Mitsui Banking Corp (SMBC) – Nhật Bản, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã phát đi thông báo về việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa (room ngoại) lên 30% vốn điều lệ.

Vào cuối tháng 3, VPBank cho biết đã đạt thoả thuận bán 15% cổ phần cho SMBC thông qua một đợt phát hành cổ phiếu. Thỏa thuận này sẽ đưa SMBC trở thành nhà đầu tư chiến lược của VPBank.

Ngày 15/8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản chấp thuận cho SMBC mua gần 1,2 tỷ cổ phần mới phát hành của VPBank. Khoản đầu tư từ SMBC sẽ mang lại cho VPBank 35.900 tỷ đồng vốn cấp 1, nâng tổng vốn chủ sở hữu của VPBank từ 103.500 tỷ đồng lên xấp xỉ 140.000 tỷ đồng. Đây là thương vụ bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam.

Trong tháng 4, VPBank đã nhận được đặt cọc 10% giá trị thương vụ, hơn 3.590 tỷ.

Hồi giữa tháng 5, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng đã hoàn thành việc hoàn tất chuyển nhượng 50% vốn điều lệ SHBFinance cho đối tác Krungsri (Thái Lan), 50% còn lại sẽ thanh toán vào 3 năm sau. Chính Krungsri từng tiết lộ ngân hàng này sẽ chi 5,1 tỷ baht Thái, tương đương 156 triệu USD cho thương vụ, tức tương đương hơn 3.500 tỷ đồng.

SHB không công bố số tiền nhận được trong đợt chuyển nhượng vừa qua, song báo cáo tài chính quý 2 của SHB cho thấy ngân hàng này ghi nhận khoản thu đột biến hơn 675 tỷ đồng từ hoạt động góp vốn, mua cổ phần, trong khi cùng kỳ năm 2022 chỉ thu được hơn 2 tỷ đồng. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cũng thể hiện SHB đã thực nhận hơn 675 tỷ đồng tiền thu cổ tức và lợi nhuận từ các khoản đầu tư, góp vốn dài hạn.

Ngoài thương vụ chuyển nhượng SHBFinance cho đối tác Krungsri, SHB đang tiếp tục triển khai việc chào bán cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài.

Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên vừa qua, Chủ tịch Đỗ Quang Hiển thông tin rằng, SHB đã tiếp xúc sâu hơn với các tập đoàn tài chính nước ngoài và dự kiến trong năm nay hoặc đầu năm sau, SHB sẽ có một "chàng rể ngoại".

Liên quan đến thương vụ này, Reuters dẫn nguồn tin thân cận cho biết, SHB đang trong quá trình đàm phán bán 20% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài. Một số nhà đầu tư từ Hàn Quốc và Nhật Bản đã tiếp cận SHB trong thương vụ này, với định giá ngân hàng có thể đạt mức 2 - 2,2 tỷ USD.

Vẫn còn nhiều ngân hàng còn dư địa cho nhà đầu tư nước ngoài như Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng Quân đội. Ngân hàng TMCP (MB Bank).

VIB dự kiến tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên 30% trong năm nay. Trong khi đó, OCB dự kiến chào bán 70 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến việc mua cổ phiếu OCB phát hành riêng lẻ, OCB sẽ đề xuất nâng trần sở hữu nước ngoài lên tối đa 30%.

Ngân hàng SeABank cũng cho biết sẽ phát hành thêm 94,6 triệu cổ phiếu để chào bán riêng lẻ cho quỹ đầu tư Norfund (Na Uy), qua đó dự kiến thu về tối thiểu 1.216 tỷ đồng để bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh.

Ngân hàng LPBank có kế hoạch phát hành riêng lẻ 300 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài, nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa lên 15,5% từ mức 5% hiện tại.

Vay vốn hàng triệu USD từ quốc tế

Bên cạnh hoạt động M&A, ngành ngân hàng cũng vừa đón nhận thêm nhiều khoản vay bằng ngoại tệ từ các định chế tài chính nước ngoài.

Vừa qua, OCB đã nhận khoản vay 55 triệu USD từ định chế tài chính Phát triển thuộc Ngân hàng Tái thiết KFW của Đức (DEG). Trước đó, ngân hàng này cũng đã nhận khoản vay 100 triệu USD, tương đương gần 2.400 tỷ đồng từ Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC).

Tháng 6/2023, VIB đã ký nhận khoản vay 100 triệu USD từ IFC nhằm tăng cường nguồn lực tài chính cho hoạt động cấp tín dụng cho các khách hang cá nhân vay mua nhà, sửa chữa nhà ở, và thúc đẩy hoạt động cấp tín dụng cho các khoản vay mua nhà có giá trị thấp.

Tương tự, SHB và IFC cũng ký kết hợp đồng tín dụng trị giá 120 triệu USD hồi tháng 3.

Mới nhất, Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (DFC) đã ký cam kết cấp khoản vay trị giá 300 triệu USD và 100 triệu USD với kỳ hạn 7 năm cho VPBank và TPBank năm nhằm nâng cao khả năng tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), đặc biệt là doanh nghiệp SME do phụ nữ làm chủ và hỗ trợ các dự án xanh, bền vững tại Việt Nam.

Theo đề xuất mới của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), các tổ chức tín dụng nhận chuyển nhượng bắt buộc có thể bị nâng giới hạn sở hữu nước ngoài lên 49%.

Mới đây, cơ quan xếp hạng tín dụng Moody's đã nâng xếp hạng tổ chức phát hành và xếp hạng tiền gửi ngoại tệ và nội tệ dài hạn của 8 ngân hàng Việt Nam lên một bậc, cũng như một bậc trong xếp hạng rủi ro đối tác bằng nội tệ và ngoại tệ và đánh giá rủi ro đối tác đối với 7 ngân hàng.

Moody's cho biết, việc nâng hạng này phản ánh sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của Việt Nam so với các nước trong cùng nhóm, cũng như khả năng chống chịu trước các cú sốc bên ngoài được cải thiện và các chính sách hiệu quả hơn. Hơn nữa, các ngân hàng Việt Nam sẽ thu hút đầu tư và hợp tác từ các tổ chức tài chính quốc tế.

Anh Mai
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.