“Phần lớn sự tăng giá của đồng USD có thể đã xảy ra rồi, và chúng ta có thể sẽ không còn thấy đồng USD tăng giá thêm nhiều nữa”, ông Bernanke phát biểu ngày 19/1 tại Diễn đàn Tài chính châu Á diễn ra ở Hồng Kông.
Theo vị cựu Chủ tịch FED, sự tăng giá của đồng USD trong thời gian tới, nếu có, sẽ phụ thuộc nhiều vào tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ của FED.
Trong 2 năm qua, đồng USD đã tăng giá so với tất cả 16 đồng tiền chủ chốt khác do kỳ vọng FED nâng lãi suất trong khi các ngân hàng trung ương khác như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng.
Đồng USD mạnh đã trở thành một trong những mối bận tâm chính của FED trước khi tiến hành tăng lãi suất vào tháng 12/2015, lần tăng lãi suất đầu tiên sau gần một thập niên.
Chỉ số Bloomberg Dollar Spot Index, một thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh, đóng cửa ở mức 1.250,7 điểm trong phiên giao dịch ngày 19/1 tại New York. Kể từ đầu năm 2014 tới nay, chỉ số này đã tăng 22%.
Gần đây, giới đầu cơ ở Mỹ đã giảm đặt cược vào sự tăng giá lên mức cao hơn của đồng USD. Theo số liệu của Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ (CFTC), số hợp đồng đầu cơ giá lên đồng USD tính đến ngày 12/1 nhiều hơn số hợp đồng đầu cơ giá xuống 303.113 hợp đồng - mức chênh lệch thấp nhất kể từ tháng 11/2015.
Cuộc họp tiếp theo của FED sẽ diễn ra vào ngày 26-27/1. Khả năng FED tăng lãi suất trong cuộc họp này là gần 0%, trong khi khả năng FED nâng lãi suất trong cuộc họp tháng 3 là 31%.
Ông Bernanke, người giữ cương vị Chủ tịch FED trong thời gian 2006-2014, gần đây đã có một loạt bài viết về vai trò của đồng USD đăng trên blog của Viện Brookings.
Trong một bài viết hôm 7/1, ông Bernanke lập luận rằng “đặc quyền quá lớn” mà Mỹ có được từ địa vị đồng tiền dự trữ toàn cầu của đồng USD đã bị xói mòn bởi sự cạnh tranh của các đồng tiền khác, bao gồm đồng Euro và đồng Yên Nhật, cũng như tỷ trọng suy giảm của Mỹ trong nền kinh tế thế giới.
Một bài viết trước đó của ông Bernanke đã bác bỏ những nhận định cho rằng Mỹ đã thực hiện một “cuộc chiến tranh tiền tệ” sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008 bằng cách sử dụng chính sách tiền tệ để làm suy yếu đồng USD và giành lợi thế trong thương mại toàn cầu.