Nộp tiền 1 ngày, trường kỳ hành trình đòi nợ...
Sau 3 năm triển khai, đến nay hàng loạt dự án qua kênh phân phối Công ty Hạ Long như Hesco Văn Quán, 409 Lĩnh Nam... cùng một chủ đầu tư là Tập đoàn Megastar vẫn không tiến triển. Những ngày qua, khách hàng liên tục tìm chủ đầu tư và sàn thứ cấp để thanh lý hợp đồng nhưng hầu hết đều bất thành mà nguyên nhân chính là các cấp lãnh đạo đều "bặt vô âm tín".
Nhiều khách hàng nghẹn ngào: "Tiền của chúng tôi đều là tiền mồ hôi, nước mắt... Khi nộp tiền, chúng tôi đều nhanh chóng hoàn thành nghĩa vụ, bất chấp việc phải đi vay lãi suất cao. Giờ vụ việc thế này, chúng tôi cần ông Quỳnh (ông Phạm Như Quỳnh - Giám đốc Công ty Hạ Long - PV) ra mặt nói cho rõ dự án có thể triển khai hay không, việc đến đâu giải quyết đến đó, đừng "trốn chui trốn nhủi" như thế".
Giấy cam kết trả tiền, Hạ Long chỉ đóng dấu treo
Tiếp tục phản ánh đến báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, khách hàng Ngô Bá Thái – Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: Cuối năm 2010 anh đã đứng ra làm hợp đồng góp vốn để được quyền mua một căn hộ tại dự án chung cư Hesco Văn Quán do Công ty Cổ phần đầu tư phát triển và thương mại Hạ Long phân phối.
Ngay sau khi đóng tiền mua nhà tại đây, anh Thái mới tìm hiểu kỹ hơn về dự án và phát hiện ra dự án này chưa có đầy đủ giấy phép xây dựng và chủ đầu tư chỉ quảng cáo về vị trí đẹp và giấy phép quy hoạch chung của thành phố.
Giá mua của mỗi căn hộ là 17,5 triệu đồng/m2 và giá vênh là 19,8 triệu đồng/m2 cho căn hộ tầng 22 của tòa nhà 50 tầng. Anh Thái đã đóng tới 30% giá trị hợp đồng tương đương với khoản tiền 619, 5 triệu đồng cộng với 271 triệu đồng tiền chênh phải nộp ngay sau khi ký hợp đồng góp vốn và chi phí dịch vụ môi giới là 10 triệu đồng.
Trong hợp đồng ghi rõ thời gian bàn giao căn hộ là quý II/2013 nhưng đến thời điểm hiện tại khu dự án vẫn là bãi đất hoang với vài chiếc máy cẩu được chủ đầu tư huy động về để đó cho “oai”.
Tại điều 6.2 của hợp đồng ghi cụ thể: Trong trường hợp bên A (khách hàng) không muốn hưởng quyền ưu tiên mua căn hộ hoặc trong trường hợp bất khả khàng mà dự án không thực hiện được, bên B (Công ty Hạ Long) có trách nhiệm trả tiền vốn vay cho bên A, cộng với lãi suất không kỳ hạn tại thời điểm chi trả của ngân hàng nơi bên B mở tài khoản.
Từ những điều khoản trên, bên B đã vi phạm hợp đồng nên khách hàng đã nhiều lần tới làm việc với Công ty Hạ Long. Anh Thái cho biết công ty này chỉ cho các nhân viên kinh doanh ra gặp khách hàng trong khi vị giám đốc ký trực tiếp với khách hàng (ông Phạm Như Quỳnh) gần như "bặt vô âm tín".
Hơn thế nữa, sau khi thỏa thuận về việc thanh toán tiền cho khách, Công ty Hạ Long đã có giấy cam kết trả tiền mặt cho anh Thái với các lần thanh toán cụ thể như trong biên bản vào các ngày 14/10/2011, 26/10/2011 và hạn trả đợt 3 là 4/11/2011 với tổng số tiền là 713,9 triệu đồng. Tuy nhiên, trong giấy cam kết trả tiền khi khách hàng yêu cầu Công ty Hạ Long đóng dấu và ký tên, người có trách nhiệm của công ty không ký vào biên bản mà chỉ đóng một con dấu treo để trấn an khách hàng.
Anh Thái cho biết hơn gần 1 năm nay anh trông ngóng và liên hệ để rút vốn nhưng công ty cứ khất lần, khất lữa.
Gian nan đòi tiền với tờ phiếu thu
Trường hợp khác là anh Chiến - khách hàng đăng ký mua căn hộ tại dự án Hesco Văn Quán qua Công ty Hạ Long. Anh Chiến cho biết, anh chỉ đóng 10% giá trị hợp đồng tương đương với 150,5 triệu đồng. Sau khi ký hợp đồng góp vốn vì lý do anh đóng chưa đạt 30% nên Công ty Hạ Long chỉ cung cấp cho anh một phiếu thu thông báo đã thu tiền và không có một chứng từ và hợp đồng nào khác kèm theo.
Góp hơn trăm triệu đồng, khách chỉ nhận được phiếu thu tiền
Ngay sau khi ký hợp đồng, anh có tìm hiểu về dự án và gọi điện lên theo số điện thoại đường dây nóng của dự án để hỏi tình hình thì vẫn được trấn an "dự án đang triển khai...". Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, không còn đủ kiên nhẫn tin vào dự án anh Chiến tìm đến Công ty Hạ Long đòi tiền đã góp vốn nhưng chưa được giải quyết.
Theo vị khách hàng này, thời điểm anh đến mua nhà có rất nhiều khách đến đây mua và phải có quen biết và có giới thiệu mới mua được. Thậm chí, nhiều khách ở tỉnh lẻ còn chấp nhận mất một khoản phí không giấy tờ để được góp vốn. Nhưng đến nay, công ty không thể đối chất với khách để giải trình, tháo gỡ khó khăn với khách hàng.