CafeLand - Danh sách các nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu thầu dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa đã tăng lên 10 công ty. Nhiều người cho rằng động thái này đang mở ra những tín hiệu tích cực, dù mong manh cho khu đô thị đã treo gần 3 thập kỷ này.

Nằm kề trung tâm TP.HCM, ba mặt lại được bao bọc bởi sông Sài Gòn, thế nhưng 27 năm qua, việc xây dựng khu đô thị mới trên bán đảo Thanh Đa vẫn đang đứng im tại chỗ. Ảnh: Thuận Nguyễn

Chưa đầy 10 ngày kể từ khi lãnh đạo thành phố cho biết đã có 5 nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu thầu dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa, số doanh nghiệp quan tâm đến dự án khu đô thị này đã tăng gấp đôi.

Theo đó, danh sách các nhà đầu tư bao gồm: Công ty TNHH Roytrade; Công ty CP Đầu tư Quốc tế FED Việt Nam; Công ty TNHH TM Petro Đông Nam Á; Liên danh Công ty CP Đầu tư Golden Star và Công ty TNHH Capital Land; Liên danh Công ty CP Đầu tư Thương mại DV Thuận Tuấn, Công ty Golden Wealth Golbal Pty. Ltd; Công ty CP Xử lý ùn tắc giao thông - môi trường; Công ty CP Quy hoạch- Kiến trúc Gia Bảo; Liên danh Công ty CP AGR.3000 Việt Nam, Gaudha Putih (Thái Lan) và Công ty CP Tập đoàn PTDT Thái Thành Vân; Công ty CP Tập đoàn Sunshine; Công ty TNHH TMDV Khách sạn Tân Hoàng Minh.

Trước đó, UBND TP HCM cho biết đang xem xét các tiêu chí đấu thầu, đồng thời rà soát lại quy hoạch cũ, điều chỉnh dự án cho phù hợp thực tế. Bởi quy hoạch trước đây do nhà đầu tư cũ đề xuất không còn phù hợp, thành phố từng có chủ trương cấp giấy phép xây dựng tạm trong vùng quy hoạch. Thành phố cũng đang nghiên cứu điều chỉnh lại ranh quy hoạch dự án này nhằm tạo thuận lợi cho người dân trong vùng tự phát triển.

Được xem là vùng “đất vàng” khi nằm kề trung tâm TP.HCM, ba mặt lại được bao bọc bởi sông Sài Gòn, thế nhưng 27 năm qua, việc xây dựng khu đô thị mới trên bán đảo Thanh Đa vẫn đang đứng im tại chỗ.

Siêu dự án Bình Quới - Thanh Đa được UBND TPHCM phê duyệt từ năm 1992. Dự án được quy hoạch xây dựng thành khu đô thị với đầy đủ chức năng, đáp ứng nhu cầu ở cho 41.000-50.000 người, quy mô sử dụng đất 426 ha.

Đến năm 2010, UBND TP.HCM quyết định thu hồi dự án, xóa “treo” cho người dân Thanh Đa. Năm 2015, UBND TP.HCM phê duyệt quy hoạch Thanh Đa là khu dân cư đô thị sinh thái với dân số 45.000 người.

Cũng trong năm này, UBND TP chấp thuận chủ trương cho liên danh giữa Tập đoàn Bitexco và Công ty Emaar Properties PJSC làm chủ đầu tư dự án quy hoạch khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa. Giữa năm 2016, Công ty Emaar Properties PJSC xin rút khỏi liên danh, không tiếp tục tham gia dự án.

Nhiều người vẫn ví von Thanh Đa như vùng quê giữa phố với những con đường đất nhỏ, những ao hồ ruộng lúa xen lẫn nhà dân. Ảnh: Thuận Nguyễn

Theo quy định mới, dự án phải được tổ chức đấu thầu để chọn lựa nhà đầu tư mới. Được biết, hiện trên bán đảo Thanh Đa có khoảng 2.000 căn nhà, 3.000 hộ dân với hơn 14.000 nhân khẩu.

Trao đổi với CafeLand, giáo sư Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường, đánh giá việc các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, nộp hồ sơ xin đấu thầu dự án Bình Quới - Thanh Đa là tín hiệu tốt. Vì khi có nhiều nhà đầu tư quan tâm, chúng ta có thể lựa chọn phương án phù hợp nhất, khả thi nhất để triển khai khu đô thị này.

Dù vậy, ông Võ cũng lưu ý trong quá trình đấu thầu cần đưa ra bảng các tiêu chí để lựa chọn nhà thầu.

“Chúng ta có thể dựa trên ba trụ chính là kinh tế - xã hội - môi trường, mỗi một tiêu chí đó có thể đưa ra chỉ số khác nhau”, ông Võ đề xuất và cho rằng trong hồ sơ thầu yêu cầu các nhà đầu tư phải thể hiện được ý định rõ ràng về các tiêu chí này. Từ đó sẽ đánh giá được tư duy về các chỉ số cụ thể về kinh tế xã hội và môi trường trong quá trình nâng cấp khu đô thị này.

Trước vấn đề chọn một hay nhiều nhà đầu tư để thực hiện dự án, cựu Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho rằng cơ chế nhiều nhà đầu tư là yếu tố tốt. Trong đó có thể có sự tham gia của cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Vì nhà đầu tư nước ngoài thường mạnh về kỹ thuật, kinh nghiệm lẫn năng lực tài chính. Các thủ pháp trong phát triển đô thị của họ cũng nhiều hơn ta. Song các nhà đầu tư trong nước lại có thế mạnh hơn ở khía cạnh sát sao với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của các địa điểm ở trong nước, sát với vấn đề xã hội, vấn đề môi trường.

Còn theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, việc TP.HCM xem xét điều chỉnh quy hoạch, ranh dự án, lên kế hoạch đấu thầu là những động thái mới nhất từ UBND TP.HCM đối với dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa.

Việc điều chỉnh ranh dự án có thể làm diện tích khu đô thị này nhỏ lại so với thời Bitexco nghiên cứu, nhưng đây là việc cần làm nếu quy hoạch trước đây do nhà đầu tư cũ đề xuất không còn phù hợp, ông Châu nói.

Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM cũng nói thêm rằng, hiệp hội ủng hộ phương thức đấu thầu và cho đấu thầu rộng rãi trong nước và quốc tế. Để đảm bảo tính khả thi khi thực hiện, đề bài đặt ra trong hồ sơ đấu thầu là vấn đề hết sức quan trọng. Nếu cần có thể thuê tư vấn đấu thầu quốc tế, để có thể dựa vào uy tín của họ trong việc xúc tiến kêu gọi đầu tư.

“Bên cạnh đó, cần nhanh chóng điều chỉnh quy hoạch, ranh dự án để có thể ổn định dân cư. Trong lúc chưa chọn được nhà đầu tư thì để cho dân tự sửa chữa nhà, khi chính thức công bố dự án thì dừng lại và thương lượng giải phóng mặt bằng”, ông Châu nói.

  • Bình Quới – Thanh Đa, bao giờ hết long đong?

    Bình Quới – Thanh Đa, bao giờ hết long đong?

    CafeLand – Sau 26 năm chờ đợi, dự án khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa lại quay về vạch xuất phát, tiếp tục tìm kiếm nhà đầu tư đủ năng lực thực hiện. Và lần này, nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư sẽ mất khoảng 800 ngày, một khoảng thời gian không ngắn nhưng chẳng thấm vào đâu nếu so với ngần ấy năm dài đằng đẵng mà người dân sống trong dự án này phải chịu đựng.

Thanh Thịnh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.