03/11/2018 9:25 AM
CafeLand – Sau 26 năm chờ đợi, dự án khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa lại quay về vạch xuất phát, tiếp tục tìm kiếm nhà đầu tư đủ năng lực thực hiện. Và lần này, nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư sẽ mất khoảng 800 ngày, một khoảng thời gian không ngắn nhưng chẳng thấm vào đâu nếu so với ngần ấy năm dài đằng đẵng mà người dân sống trong dự án này phải chịu đựng.

Kẻ đến người đi

Trong cuộc họp về Kinh tế - Xã hội tháng 10 vừa qua, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã lý giải nhiều nguyên nhân khiến các nhà đầu tư “đến rồi đi” tại dự án khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa.

Ông Phong cho biết, năm 2015 dự án siêu đô thị này được thành phố giao cho liên danh giữa Tập đoàn Bitexco và Công ty Emaar Properties PJSC. Được biết, Emaar Properties PJSC là một gã khổng lồ trong ngành bất động sản đến từ các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất.

Thời điểm đó, liên danh này đã tung ra kế hoạch xây dựng dự án này theo các tiêu chí đô thị sinh thái, hiện đại với hệ thống hạ tầng xã hội-kỹ thuật được đầu tư xây dựng đồng bộ, nằm trong tổng thể không gian công viên sinh thái, cảnh quan thiên nhiên. Tổng diện tích dự án khoảng 427 ha, gồm toàn bộ phường 28, quận Bình Thạnh, với vốn đầu tư trên 30.000 tỉ đồng.

Mặc dù vậy, sau đó nhà đầu tư đến từ khu vực Trung Đông này đã bất ngờ xin rút lui khỏi dự án này.

“Emaar xin rút vì giải phóng mặt bằng kéo dài quá. Họ thấy thủ tục mình ngán quá nên xin thôi liên danh”, ông Phong cho biết.

Chánh văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cũng cho biết, dự án này ban đầu có doanh nghiệp trong nước làm nhưng sau đó triển khai không được nên đã liên danh với doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên doanh nghiệp nước ngoài cũng rút khi thành phố đã không giải đáp được câu hỏi của họ.

“Chỉ với câu hỏi “khi nào giao đất?” chúng ta cũng không trả lời được, mà không trả lời được thì họ rút lui”, ông Hoan nói.

Được biết, ngay sau khi các nhà đầu tư ngoại rút lui thì Betixco vẫn tiếp tục đề nghị được đứng ra thực hiện dự án. Thành phố sau khi thẩm định cũng cho rằng Betixco đủ năng lực thực hiện dự án. Tuy nhiên khi xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ thì được yêu cầu thực hiện đúng quy định thông qua đấu thầu.

UBND TP.HCM sau đó đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Mặc dù vậy, lãnh đạo thành phố cũng tỏ ra lo ngại vì trong trường hợp đấu thầu nếu đúng thủ tục và thuận lợi cũng phải mất đến 800 ngày.

Cũng trong buổi họp báo này, lãnh đạo TP.HCM cho biết, hiện nay đã có bốn nhà đầu tư có ý định tham gia đấu thầu dự án, trong đó có nhà đầu tư nói sẽ ứng 3 tỉ USD (khoảng 69.000 tỉ đồng) để triển khai.

Bitexco cố ôm “chiếc bánh khổng lồ”

26 năm kể từ khi được phê duyệt quy hoạch, nhiều nhà đầu tư được lựa chọn nhưng rồi đã “chạy làng”. Đến nay, dự án Bình Quới – Thanh Đa vẫn chưa có được một nhà đầu tư chính thức. Mặc dù vậy, cái tên Bitexco luôn song hành cùng dự án, thậm chí nhiều người mặc định đây là chủ đầu tư chính thức của dự án.

Bản thân Bitexco cũng không dấu diếm tham vọng “làm chủ” dự án siêu đô thị Bình Quới – Thanh Đa suốt những năm qua. Sau khi liên danh với Công ty Emaar Properties PJSC, Bitexco đã đưa ra viễn cảnh của một siêu đô thị Bình Quới – Thanh Đa hấp dẫn, hoành tráng. Nhưng trên thực tế, những gì doanh nghiệp này làm được lại không đáng kể.

Sau khi liên danh bất thành, Bitexco vẫn đứng ra để xin tiếp tục đầu tư dự án. TP.HCM cũng nhiều lần úp mở về việc tiếp tục lựa chọn doanh nghiệp này để thực hiện dự án. Thế nhưng, nhiều người lo ngại, với mộ dự án có quy mô rất lớn, đòi hỏi nguồn tiền đầu tư “khủng” thì liệu Bitexco có đủ năng lực?

Không thể phủ nhận dấu ấn của Bitexco với hàng loạt dự án đã thực hiện như tòa nhà 68 tầng Bitexco Financial Tower (quận 1, TP.HCM), The Manor TP.HCM, The Manor Hà Nội, The Manor Lào Cai, The Manor Huế, khách sạn JW Marriott Hanoi, Ritz CarltonSài Gòn, The Manor Central Park ở Hà Nội…

Tuy nhiên, Bitexco cũng “mất điểm” bởi nhiều dự án. Trong đó có dự án khu đô thị Nguyễn Cư Trinh (thường được gọi là khu Mả Lạng) do doanh nghiệp này làm chủ đầu tư đã “treo” suốt 10 năm qua. Để thực hiện dự án nằm ở vị trí đắc địa, ngay trung tâm quận 1, TP.HCM, Bitexco phải giải tỏa hoàn toàn 1.424 căn nhà và khoảng 10.000 người. Tuy vậy, hơn 10 năm qua, dự án vẫn đang giậm chân tại chỗ.

Ở Hà Nội, doanh nghiệp này cũng từng bị nêu tên vì sai phạm tại dự án đường giao thông bao quanh khu tưởng niệm công viên Chu Văn An…

Xuất thân từ một công ty dệt nhỏ ở tỉnh Thái Bình vào năm 1985, đến nay Bitexco có 26 công ty con và công ty liên kết hoạt động ở nhiều lĩnh vực như: bất động sản, khách sạn, bệnh viện, trung tâm thương mại, thủy điện, đường cao tốc, khoáng sản, dầu khí… Mặc dù vậy, doanh nghiệp này hiện vẫn chưa niêm yết nên mọi thông tin về tình hình kinh doanh vẫn đang là một ẩn số.

26 năm mỏi mòn

Là bán đảo có vị trí đắc địa ngay trung tâm thành phố, từ năm 1992, khu vực Bình Quới – Thanh Đa đã được phê duyệt để làm dự án khu đô thị du lịch, sinh thái tầm cỡ. Tuy nhiên, đã 26 năm qua, dự án vẫn chỉ nằm trên giấy.

“Chúng tôi khổ quá rồi, gần nửa đời người sống trong quy hoạch treo. Có đất nhưng không làm gì được, nhà cửa hư hỏng muốn xây cũng không được”, bà Phúc, một người dân sống trong phạm vi dự án nói.

Trái ngược với hình ảnh những tòa nhà cao tầng đang chen nhau mọc lên bên kia quận 2, quận 1, khu Bình Quới – Thanh Đa hiện vẫn như một làng quê với ruộng lúa, ao sen, đồng cỏ.

Mang tiếng sống ở trung tâm thành phố, nhưng người dân ở đây vẫn trồng lúa, nuôi heo, chăn gà vịt đúng chất nông dân. Nhà cửa phần lớn đều lụp xụp, xuống cấp, nhiều căn chỉ quây tôn và lợp mái lá đơn sơ. Những con đường nhỏ quanh co, nhưng mặt đường hư hỏng, chạy xe xốc liên hồi.

“Đường xá đã xuống cấp. Khổ nhất là lúc trời mưa, lầy lội. Rồi triều cường, ngập nước, ruồi muỗi kinh khủng”, ông Trí, một người dân bức xúc.

Theo phản ánh của người dân, khổ nhất là tình trạng nhà cửa xuống cấp, không thể xây dựng mới. Nhiều gia đình có đất nhưng không thể xây dựng nhà cửa, con cái lập gia đình phải đi thuê ở nơi khác.

“Dự án treo quá lâu rồi. Chúng tôi chỉ mong muốn sớm chấp dứt tình trạng này. Một là thành phố nhanh chóng thực hiện dự án hai là xóa bỏ để người dân đảm bảo cuộc sống”, bà Phúc đề nghị.

Trước những khó khăn của người dân, chính quyền quận Bình Thạnh đã kiến nghị UBND TP.HCM cấp giấy phép xây dựng có thời hạn và cho tách thửa đất cho người dân Thanh Đa.

Ngày 18/10, Sở Xây dựng TP.HCM cũng đã có đề xuất liên quan đến việc cấp giấy phép xây dựng có thời hạn tại dự án khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa.

Cụ thể, trước mắt sẽ rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định, đánh giá tính khả thi của dự án để điều chỉnh hoặc hủy bỏ kế hoạch sử dụng đất hàng năm làm cơ sở để người dân được tách thửa và được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn.

Theo Sở xây dựng, phương án này sẽ giải quyết được nhu cầu tách thửa và cấp giấy phép xây dựng có thời hạn, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân bị ảnh hưởng bởi quy hoạch kéo dài.

Trần Phong
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.