12/08/2016 1:14 PM
Một số cán bộ, nhân viên trong Tòa nhà Trung tâm hành chính Đà Nẵng cho biết, họ vẫn đang làm việc việc bình thường và không có chuyện nóng và thiếu oxy.

Sáng 12/8, dư luận vẫn tiếp tục xôn xao trước thông tin Đà Nẵng tính chuyện di dời khoảng 1.600 cán bộ, công nhân viên ra khỏi Trung tâm hành chính có giá trị hơn 2.000 tỷ đồng.

Tiếp xúc với phóng viên, một số cán bộ, nhân viên các sở ngành đang làm việc trong Tòa nhà Trung tâm hành chính tỏ ra hoang mang trước thông tin lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng có chủ trương bỏ tòa nhà Trung tâm hành chính cao 37 tầng ở đường Trần Phú để di dời đến nơi khác.


Bên trong tòa nhà Trung tâm hành chính thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Các phòng đều có cửa sổ và máy điều hòa công suất lớn

"Hôm qua, khi xem truyền hình, thấy đích thân Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh và ông Đặng Việt Dũng - Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - nói có chủ trương di dời toàn bộ lãnh đạo, công nhân viên ra khỏi tòa nhà, chúng tôi rất "sốc" và hoang mang", một cán bộ thuộc Sở Xây dựng, nói và xin đề nghị giấu tên.

Theo vị cán bộ này, trước đây ông cùng hàng trăm cán bộ của Sở phải làm việc trong những căn phòng chật hẹp tại trụ sở ở đường Hoàng Văn Thụ. Ba năm trước, khi tòa nhà Trung tâm hành chính hoàn thành, mọi người phấn khởi về làm việc trong ngôi nhà mới với những thiết bị khang trang, hiện đại gấp nhiều lần.

"Khi mới chuyển về đây đúng là có chuyện hơi bất tiện trong việc đi thang máy, những hạn chế đó đã được đơn vị vận hành khắc phục. So với đại đa số người lao động khác thì môi trường ở đây rất lý tưởng nên bản thân tôi không còn đòi hỏi gì hơn", vị cán bộ thuộc Sở Xây dựng nói.

Một nữ cán bộ thuộc Sở Văn hóa Thể thao Đà Nẵng cũng cho hay, môi trường làm việc trong tòa nhà Trung tâm hành chính không hề nóng và thiếu oxy như lý do mà lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng đưa ra. Bà này nói, không biết phòng làm việc của các lãnh đạo UBND TP thì như thế nào, còn ở Sở thì các phòng đều có cửa sổ và máy điều hòa công suất lớn.

"Nhiều hôm, chúng tôi chỉ cần mở cửa sổ ra đón gió chứ cũng chẳng cần phải bật điều hòa mà vẫn mát lạnh. So với trụ sở ở đường Lê Lợi (trước đây, trụ sở của Sở này nằm trên đường Lê Lợi- PV), môi trường làm việc ở tòa nhà 37 tầng này tốt hơn rất nhiều", nữ cán bộ nói thêm.

Ông Thái Bá Cảnh, Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ Đà Nẵng, khẳng địnhchưa nghe ai nói thiếu dưỡng khí, oxy. Mọi người vẫn làm việc trong tòa nhà hành chính bình thường. “Trước đây một số sở có đề nghị kiểm tra tòa nhà. Cuối năm ngoái sở Khoa học & Công nghệ đã kiểm tra và báo cáo khắc phục rồi. Tôi là thành viên, dù đã lớn tuổi rồi mà làm việc trong đó vẫn thấy bình thường”, ông Cảnh, nói.
Chống nóng không quá khó

Kiến trúc sư Trần Nam, giám đốc một công ty tư vấn thiết kế ở Đà Nẵng, phân tích: Việc lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng đưa ra lý do tòa nhà thiếu oxy và nóng để di dời Trung tâm hành chính là không thuyết phục. Theo ông, về nguyên tắc, khi xây một tòa nhà công cộng ít nhất phải đảm bảo yếu tố kết cấu đảm bảo an toàn cho số lượng người sử dụng. Thứ hai, độ an toàn về không khí và cháy nổ....

Đối với công trình như trụ sở công ngoài các yếu tố trên còn có những yêu cầu khắt khe hơn như: thiết kế phải đảm bảo vấn đề an ninh, phòng chống nghe lén, các cửa thoát hiểm khi xảy ra chiến sự, khủng bố...


Tòa nhà Trung tâm hành chính Đà Nẵng. Ảnh: Nguyên Vũ.

"Để tiến hành xây dựng Trung tâm hành chính, theo tôi được biết phải qua rất nhiều lần họp, lấy ý kiến phản biện của các chuyên gia nên thiết kế không thể thiếu các yêu cầu trên được. Mặt khác, Trung tâm hành chính Đà Nẵng cao đến 37 tầng nên chuyện đổ thừa cho thiếu oxy là không chấp nhận được. Lý do nóng càng vô lý hơn vì hiện giờ công nghệ chống nóng không quá khó khăn nếu tòa nhà nóng thật", kiến trúc sư Nam, nói.
Phải công khai, minh bạch

Trao đổi với Zing.vn, ông Trần Văn Lĩnh - nguyên đại biểu HĐND Thành phố Đà Nẵng khóa VIII, cho hay nhiệm kỳ trước các đại biểu không nhận được báo cáo và tham gia phản biện khi xây dựng Trung tâm hành chính. "Đến khi khánh thành thì họ vào làm việc, khi đó nhiệm kỳ cũng sắp hết nên có nói cũng chẳng giải quyết được vấn đề", ông Lĩnh nói.

Theo ông, việc lãnh đạo lấy lý do tòa nhà thiếu oxy và nóng để di dời Trung tâm hành chính là chưa thuyết phục.

Cần phải có một tổng kết đánh giá xem, sau 3 năm vào sử dụng thì tòa nhà đạt được hiệu quả ra sao, tiết kiệm được chi phí và thời gian như thế nào, ông Lĩnh đề nghị.

"Nếu thấy nó không hiệu quả mà có một đơn vị nào đó muốn mua lại tòa nhà thì lãnh đạo thành phố cũng có thể bán để lấy tiền xây một trung tâm khác giản tiện, hiệu quả và phục vụ nhân dân tốt hơn. Tuy nhiên, số tiền 2.000 tỷ là do dân đóng thuế mà có nên lãnh đạo thành phố phải công khai, minh bạch để tạo sự đồng thuận", vị này khuyến cáo.

Tòa nhà Trung tâm hành chính Đà Nẵng khánh thành tháng 9/2014, được thiết kế theo biểu tượng ngọn hải đăng, cao 37 tầng, tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng.

Trong đó, 34 tầng nổi của tòa nhà là nơi làm việc của khoảng 1.600 công chức, gồm lãnh đạo thành phố, các sở, ngành. Hai tầng hầm làm chỗ để xe, tầng thượng làm nơi ngắm cảnh.

Cố Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh khi còn giữ chức Bí thư Đà Nẵng từng phát biểu trong kỳ họp HĐND khóa VIII (nhiệm kỳ 2011-2016): "Trung tâm hành chính thành phố khi đưa vào sử dụng sẽ chấm dứt sự manh mún, luộm thuộm của công chức, tiết kiệm được nhiều thứ, trong đó có xe công, từng bước chấm dứt tình trạng lãng phí công".

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng ngày 11/8, ông Nguyễn Xuân Anh cho biết Thành ủy Đà Nẵng có chủ trương di dời Trung tâm hành chính 2.000 tỷ.

Tuy nhiên, vị lãnh đạo này cũng cho biết, chủ trương là vậy nhưng việc này còn phải đưa ra bàn, lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia và người dân. Sau đó sẽ xin ý kiến HĐND TP rồi mới quyết định. "Quan điểm là phải làm cẩn thận, nếu di dời tốt hơn mới làm", ông Xuân Anh khẳng định.

Đoàn Nguyên (Zing)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.