12/07/2011 1:02 AM
Người dân Làng Vân, TP Đà Nẵng đang sống trong nỗi lo vì phải di dời vào đất liền để nhường đất cho dự án xây dựng khu du lịch cao cấp

Những ngày qua, thông tin về việc hơn 130 hộ dân ở thôn Hòa Vân, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng - còn gọi là Làng Vân - địa danh một thời gắn với hàng trăm người mắc bệnh phong, sẽ di dời vào đất liền để nhường đất cho một dự án xây dựng khu du lịch cao cấp với vốn đầu tư 5 tỉ USD đã khiến người dân nơi đây lo lắng.


Nhường đất cho dự án nghỉ dưỡng


Hơn 40 năm qua, cuộc sống của người dân Làng Vân ẩn mình trong một thế giới gần như biệt lập với bên ngoài. Họ chủ yếu làm ruộng, nương rẫy và một phần đi biển để kiếm sống. Việc học hành của con em Làng Vân cũng thiệt thòi hơn nhiều so với trẻ em trong TP. Đường đến Làng Vân cũng thật gian nan, cách trở. Chỉ có lối đi duy nhất là lội bộ băng rừng hàng km với những con dốc dựng đứng hoặc đi thuyền vượt biển mới đến được Làng Vân.

DI DỜI LÀNG PHONG ĐỂ XÂY KHU DU LỊCH Thấp thỏm chuyện an cư

Làng Vân (nhìn từ trên đỉnh Hải Vân xuống) sẽ di dời để nhường đất cho dự án hàng tỉ USD

Những năm gần đây, nhờ có sự quan tâm của chính quyền TP Đà Nẵng nên ánh sáng văn hóa đã đến được với người dân Làng Vân. Trẻ con nơi đây đã được học chữ. Đến năm 2006, TP Đà Nẵng đã có chủ trương di dời toàn bộ các hộ dân ở Làng Vân vào đất liền nhằm giúp họ có một cuộc sống hòa nhập cộng đồng, đầy đủ hơn về mọi mặt như văn hóa, y tế, giáo dục… Nhưng dự án vẫn nằm trên giấy và cuộc sống người dân nơi đây vẫn sống yên bình lặng lẽ, cô độc, tách biệt, rất hiếm người qua kẻ lại.


Mới đây, vào tháng 5-2011, UBND TP Đà Nẵng có chủ trương đầu tư dự án khu phức hợp nghỉ dưỡng, du lịch cao cấp tại thôn Hòa Vân và sẽ di dời người dân nơi đây vào sinh sống tại khu dân cư mới thì Làng Vân trở nên sinh động hẳn. Tuy nhiên, người dân nơi đây lại sống trong nỗi lo thấp thỏm vì khi đến nơi ở mới với nhiều khó khăn trước mắt, như làm gì để kiếm sống, trong khi cuộc sống của họ bao đời là làm ruộng và đi biển. Đặc biệt là sự dị nghị, kỳ thị của người đời và mặc cảm của người mắc bệnh.


Sẽ tạo chỗ ở, việc làm cho người dân


Ông Nguyễn Thanh Chương, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, cho biết theo chủ trương của TP Đà Nẵng, cuối năm nay sẽ tiến hành di dời các hộ dân Làng Vân vào đất liền để sinh sống, nhường đất để xây dựng dự án khu phức hợp nghỉ dưỡng, du lịch cao cấp. Tuy nhiên, đến thời điểm này chỉ trong giai đoạn thống kê nhà cửa, số lượng dân sinh sống chính thức ở Làng Vân. UBND quận Liên Chiểu cũng cử cán bộ ra Làng Vân để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân khi di dời họ vào đất liền. Từ đó, làm cơ sở để đưa ra giải pháp cụ thể cho việc di dời người dân vào đất liền để trình TP phê duyệt.

DI DỜI LÀNG PHONG ĐỂ XÂY KHU DU LỊCH Thấp thỏm chuyện an cư

Hơn 4 năm qua, cô giáo Nguyễn Thị Quảng (cựu giáo viên Trường Tiểu học Hải Vân, Đà Nẵng) lội bộ hơn 6 km, vượt hầm, băng núi Hải Vân đến dạy tiếng Anh cho trẻ em Làng Vân. Ảnh: HOÀNG DŨNG

Đối với 45 người bị bệnh phong, TP đã xây dựng khu điều dưỡng ở phường Hiệp Nam để đưa họ vào đó sinh sống. Với các hộ dân còn lại có thể sống tập trung ở khu nhà liền kề hay khu dân cư nào đó hoặc cho họ sống xen kẽ với người dân trong đất liền để hòa nhập. Đặc biệt, quận Liên Chiểu đã đề nghị UBND TP chỉ đạo Sở LĐ-TB-XH tìm hiểu, giải quyết, tạo công ăn việc làm cho người dân Làng Vân. Ngoài ra, những chính sách hỗ trợ người dân Làng Vân cũng sẽ giữ nguyên khi họ vào đất liền sinh sống. Ông Chương cũng khẳng định đến thời điểm này chưa xác định địa điểm chính thức di dời các hộ dân Làng Vân vào sinh sống, chứ không như tin đồn là di dời họ vào khu dân cư Hòa Hiệp (Kho Lào).


Lo bị kỳ thị, không có việc làm

“Những người mắc bệnh như chúng tôi khổ lắm. Bao năm nay sống trong làng, bà con biết hoàn cảnh, biết bệnh tật lui tới thăm hỏi, giúp đỡ, nếu vào đất liền không biết có ai dám lại gần không?” - cụ Nguyễn Thị Vân (82 tuổi), ngụ tại Làng Vân - bộc bạch.

Còn chị Nguyễn Thị Kim Hiền, mẹ của cháu Lê Thanh Trí (lớp 4 Trường Tiểu học Làng Vân), nói: “Khi nghe TP có chủ trương di dời vào đất liền, người dân chúng tôi mừng lắm vì đường sá đi lại sẽ đỡ vất vả hơn, việc học hành của các con cũng sáng sủa, có tương lai hơn. Nhưng chúng tôi lo lắng nhất là công ăn việc làm khi vào đất liền. Nếu không có công ăn việc làm thì lấy gì mà sống”.

Theo Hoàng Dũng (Người lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.