Liên quan đến việc quả đồi 36ha ở Lâm Đồng bị xẻ thành 1.000 nền đất để bán, mới đây, trả lời PV VTC News, ông Nguyễn Trần Long, Phó Chánh Văn phòng UBND TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) cho biết, TP đang rốt ráo vào cuộc xác minh sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh từ VTC News và đề nghị kiểm tra của Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng.
Theo ông Long, từ trước đến nay, Bảo Lộc chưa từng có dự án nào quy mô "khủng" đến vậy. Song, dù cách UBND TP Bảo Lộc không xa nhưng chỉ đến khi báo chí phản ánh, TP mới hay biết sự tồn tại của bất động sản nói trên.
Quả đồi 36ha tại thôn 14 (xã Đam B'ri, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) bị xẻ thành 1.000 nền đất để bán nhưng không cần lập dự án.
"Tôi chưa vào khu đất đó, nhưng xem hình ảnh trong bài thì thấy lớn thật sự, trước đến nay ở Bảo Lộc chưa từng có dự án nào quy mô như vậy. Ngay khi tiếp nhận thông tin, chúng tôi gấp rút chỉ đạo các phòng ban chuyên môn rà soát, kiểm tra, xem ai thật sự là người đang triển khai ở bất động sản đó.
Thật ra có rất nhiều trường hợp người dân ở đâu đâu, như TP.HCM, Hà Nội lâu lâu lại đến hỏi về pháp lý của những dự án tên tiếng nước ngoài, rất kêu. Thật ra thì làm gì có dự án nào, toàn dự án ma, vẽ trên giấy và thực chất là những đồi chè, cà phê còn phục vụ sản xuất", ông Long cho hay.
Khi PV thắc mắc tại sao một quả đồi đang bạt ngàn chè và cà phê bỗng bị cạo trọc, san ủi, trải nhựa và xẻ nhỏ thành 1.000 nền đất nhưng chính quyền không hề hay biết, ông Long lý giải: "Có thể là họ tranh thủ thời gian bầu cử để triển khai nên ít người để ý...".
Tuy nhiên, ghi nhận của PV VTC News, từ đầu năm 2021, bất động sản nói trên đã được thi công rầm rộ, thông tin quảng cáo cũng được "phủ sóng" trên nhiều trang tin rao bán bất động sản và nhiều trang báo chính thống.
Ông Nguyễn Văn Hán, Chủ tịch xã Đam B'ri (TP Bảo Lộc) cho rằng, không chỉ riêng trường hợp quả đồi 36ha mà VTC News phản ánh, mọi trường hợp xin hiến đất làm đường và tách thửa trên địa bàn xã đều "thực hiện đúng quy trình".
"Thực chất thì việc người dân san gạt, cải tạo mặt bằng trên đất của người ta là quyền của người ta. Còn việc người ta phân lô bán nền như thế nào đó, thì về thẩm quyền phân lô là do Văn phòng đăng ký đất đai quản lý chứ địa phương không có thẩm quyền gì đâu.
Tuy nhiên tôi khẳng định là không có doanh nghiệp nào. Tất cả đều là đất cá nhân, họ nộp đơn xin hiến đất làm đường theo nhu cầu cá nhân. Hiện cơ quan điều tra đang làm, chưa có kết luận nên chúng tôi không thể thông tin cụ thể hơn", Chủ tịch xã Đam B'ri nói.
Dù cách UBND TP Bảo Lộc không xa và được giao dịch rầm rộ nhưng chỉ đến khi báo chí phản ánh, TP mới hay biết sự tồn tại của bất động sản này.
Theo khảo sát của PV VTC News, từ cuối năm 2019, thị trường bất động sản Lâm Đồng bỗng "nóng sốt" khi nhiều cá nhân, doanh nghiệp tập trung đổ về "gom" đồi trọc để phân lô, bán đất nền. Giá bất động sản Lâm Đồng cũng vì vậy tăng gấp nhiều lần so với trước đó, biến tỉnh trở thành địa phương sốt đất ở khu vực Nam Tây Nguyên.
Cơn sốt đất thực chất là do các doanh nghiệp thực hiện giao dịch bằng cách quảng cáo dưới hình thức là "dự án bất động sản".
Một kịch bản chung được các doanh nghiệp sử dụng là dùng danh nghĩa cá nhân để gom mua đất nông nghiệp với số lượng lớn. Sau khi có đất, họ “lách luật” bằng cách làm đơn xin hiến đất làm đường, xin xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong các thửa đất nông nghiệp, từ đó lắp điện, nước để hình thành nhiều “dự án” với hàng trăm lô đất đem bán.
Tại Bảo Lộc, tình trạng sốt đất hiện nóng hơn bao giờ hết, đến chính ông Nguyễn Trần Long cũng khẳng định sốt đất này chắc chắn không bền. Bởi theo các chuyên gia, nếu đánh giá đúng bản chất thì sốt đất tại đây đang rơi vào tình trạng sốt ảo. Sốt đất là dấu hiệu tốt, đáng mừng, tuy nhiên sốt ảo" lại là vấn đề khiến nhà đầu tư dễ gặp rủi ro.
Bài viết "Không cần lập dự án, quả đồi 36ha ở Lâm Đồng bị xẻ thành 1.000 nền đất để bán" được VTC News đăng tải nêu tình trạng nhiều cá nhân, doanh nghiệp đổ xô về Lâm Đồng gom đồi trọc để phân lô, bán đất nền. Đây chính là nguyên nhân tạo nên cơn sốt đất tại Lâm Đồng. Điển hình tại thôn 14 (xã Đam B'ri, TP Bảo Lộc), quả đồi 36ha sau khi bị máy ủi cạo trọc lập tức được lắp đặt hệ thống hạ tầng hoành tráng. Đường nội khu, đèn đường, tiện ích cây xanh... hệt như một dự án được Nhà nước phê duyệt chủ trương. Quả đồi này được Công ty CP quản lý vận hành Thông Minh tự nhận là chủ đầu tư, sau đó đặt tên là "Dự án Làng sinh thái nghỉ dưỡng La Melodie" và chạy quảng cáo trên nhiều trang mạng. Quảng cáo thể hiện, "dự án" được quy hoạch với tổng diện tích 36ha, gồm 1.000 nền đất phân lô có diện tích từ 200 - 500m2. Mỗi nền đều đã có thổ cư từ 200m2 trở lên, phù hợp với nhu cầu xây biệt thự, khu resort, homestay, nhà hàng, khách sạn. Tuy nhiên, hiện quả đồi này vẫn đứng tên cá nhân sở hữu, không hề có một văn bản nào thừa nhận Công ty Cổ phần quản lý và vận hành Thông Minh làm chủ đầu tư. Đối với quy trình thực hiện một dự án, dự án phải được UBND cấp tỉnh phê duyệt và qua rất nhiều sở, ngành, cơ quan chức năng xem xét, tham mưu. Vì vậy, thời gian triển khai dự án mất nhiều năm mới xong thủ tục. Chưa kể, khi lập dự án thì hệ số sử dụng đất dành cho xây dựng chỉ còn khoảng 45-55%. Trong khi đó, việc tự xin tách thửa chỉ qua chính quyền cấp xã, huyện nên thời gian nhanh và đỡ tốn kém chi phí hơn rất nhiều, hệ số đất xây dựng có thể lên tới 80%. |
-
Không cần lập dự án, quả đồi 36ha ở Lâm Đồng bị xẻ thành 1.000 nền đất để bán
Quả đồi 36ha được Công ty Thông Minh "xẻ" thành 1.000 nền đất, sau đó dùng các chiêu thức quảng cáo như một dự án bài bản để "thôi miên" khách hàng.
-
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có chỉ đạo quan trọng về nguồn vật liệu thi công cho các dự án trên địa bàn
UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra từ khâu xây dựng mỏ, phương án khai thác; khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng....
-
Novaland nói không liên quan sai phạm tại dự án Bộ Công an vừa có kết luận điều tra
Novaland cho hay ngay từ khi cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ các sai phạm của ông Nguyễn Cao Trí, doanh nghiệp đã tích cực hợp tác và cung cấp các tài liệu liên quan đến giao dịch dự án tại Lâm Đồng....
-
Sáp nhập nhiều đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 1245/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2023 – 2025. Theo đó, kể từ ngày 1/12/2024, tỉnh Lâm Đồng có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 08 ...