7 năm trước, tôi - một cô gái tỉnh lẻ lên xe hoa về nhà chồng dưới cái mác khá danh giá đó là "lấy chồng Hà Nội". Bố mẹ chồng tôi không phải người Hà Nội gốc. Ông bà lên Thủ đô buôn bán lâu năm và mua được một căn nhà 25m2 ở quận Nam Từ Liêm.
Trên chồng tôi có hai chị gái đều đã lập gia đình. Sau khi lấy nhau, vợ chồng tôi sống cùng bố mẹ chồng luôn. Thu nhập của hai vợ chồng tôi đều ổn, lại chưa tốn kém con cái nên sau 2 năm kết hôn, chúng tôi cũng tiết kiệm được dăm trăm triệu.
Trong một bữa cơm, bố mẹ chồng nói có người quen bán miếng đất nhỏ giá hợp lý nên ông bà định mua để đầu tư, muốn vợ chồng tôi góp một nửa tiền, bán có lãi sẽ chia mỗi bên một nửa tiền lời. Tôi hỏi về việc có cần làm giấy tờ để chứng minh việc góp vốn chung không thì bố mẹ chồng tôi tỏ ra khó chịu.
Tiền bạc và tình cảm nên rạch ròi, thà mất lòng trước mà được lòng sau (Ảnh minh họa)
Tối đó khi về phòng, tôi bị chồng trách móc: "Bố mẹ nuôi anh bằng ngần này chẳng bao giờ kể công, giờ có mấy đồng bạc mà em lại hành xử như vậy". Tôi phân trần bản thân không nghi ngờ gì bố mẹ, chỉ là nghĩ tiền bạc nên rạch ròi để tránh nảy sinh tranh chấp gây mất tình cảm gia đình. Mặt khác, ông bà tuổi đã cao, nhỡ có mệnh hệ gì thì về mặt pháp luật sẽ rất rắc rối trong việc chia tài sản với các chị gái chồng, vì đâu có gì chứng minh vợ chồng tôi góp vốn mua nhà.
Chồng mắng tôi toàn nói điềm gở. "Thay vì lo chuyện vài đồng bạc ấy, em liệu mà lo chuyện con cái để ông bà đỡ sốt ruột thì hơn", anh nói rồi bỏ ra ngoài. Sau hôm đó, anh ấy luôn mặt nặng mày nhẹ, kiếm cớ gây sự với tôi. Bố mẹ chồng thì không trò chuyện gì như trước nữa. Những bữa cơm trôi qua yên lặng, ngột ngạt khiến tôi phát sợ. Để giữ hòa khí, tôi đành chấp nhận góp tiền mua chung đất mà không một giấy tờ gì chứng minh, bố mẹ chồng đứng tên sổ đỏ.
Chỉ ngay năm sau, bố mẹ tôi bán mảnh đất đó, lãi gần 400 triệu, ông bà cho vợ chồng tôi phần hơn tức tròn 200 triệu, còn đâu là của ông bà. Chồng dựa vào đó trách khéo tôi chuyện cũ: "Đấy, trước em cứ tính toán thiệt hơn".
Sau đó, vợ chồng tôi lại góp tất cả tiền bạc cùng ông bà đầu tư mảnh đất khác. Do đã có lòng tin nên lần này tôi cũng chẳng hỏi han gì đến giấy tờ góp vốn và mặc nhiên vẫn bố mẹ chồng đứng tên sổ đỏ.
Thế nhưng lần này, mọi chuyện đã khác trước. Tôi khó khăn về đường con cái. Hơn 3 năm lấy chồng, tôi 2 lần sảy thai. Bố mẹ chồng mong cháu đích tôn nên thường giục giã càng khiến tôi áp lực. Sóng gió ập đến khi tôi phát hiện chồng ngoại tình. Tôi càng rụng rời hơn khi biết tình nhân của chồng đã mang thai "quý tử" sắp đến ngày sinh.
Quá đau đớn, tôi về quê với bố mẹ đẻ một tuần. Đến khi xuống Hà Nội, tôi như chết lặng khi thấy bố mẹ chồng đã đón "cháu đích tôn" về. Mẹ của đứa trẻ cũng được bố trí cho một phòng trong nhà. Tôi làm ầm lên đòi ly hôn. Không một ai ngăn cản. Họ nói tôi cứ đi. Lúc này, tôi chợt nhớ ra khoản tiền góp vốn đầu tư đất kia không một giấy tờ gì chứng minh, sổ đỏ đứng tên bố mẹ chồng, trên pháp lý, tôi chẳng có quyền hạn gì với mảnh đất đó cả.
Kết thúc cuộc hôn nhân cay đắng, tôi ra đi với hai bàn tay trắng, ôm theo nỗi hận khó nói thành lời. Nếu ngay từ đầu tôi kiên quyết "đồng tiền đi liền khúc ruột", phải rõ ràng giấy tờ khi chung tiền đầu tư bất động sản với bố mẹ chồng, thì có lẽ tôi đã không lâm vào hoàn cảnh như vậy.
-
Hùn tiền mua chung nhà đất, 3 năm bạc mặt rao bán vội
Nhà cửa tốt nhất nên riêng, đừng nên chung đụng gì, đó là lời khuyên của tôi dành cho bạn Minh Ngọc sau khi đọc những trăn trở của bạn trong bài viết "Dồn tiền tỷ mua chung nhà đất coi chừng méo mặt ôm hận ‘lật kèo’".