Thậm chí, dù đã là “ông lớn” nhưng tại nhiều gói thầu xây lắp, họ vẫn chấp nhận chỉ làm “quân xanh” cho một nhà thầu khác. Những hành vi này phần nào đang khiến cho việc tổ chức đấu thầu trở nên phức tạp. “Ông lớn” bị loại từ khâu xét tư cách hợp lệ Thông tin từ các thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu được công bố gần đây cho thấy, nhiều nhà thầu dù có tên tuổi trên thị trường, đã xây dựng được thương hiệu nhưng lại rớt thầu bởi những lý do vô cùng “nghiệp dư”. Tại một gói thầu xây lắp dân dụng tổ chức ở TP.HCM, một loạt nhà thầu tên tuổi ở cả TP.HCM đến Hà Nội đều rủ nhau trượt từ “vòng gửi xe”. Cụ thể, nhà thầu GT tại TP.HCM bị loại từ khâu tư cách hợp lệ do đơn dự thầu sai. Còn nhà thầu TS ở Hà Nội thì bị loại do không có bảo đảm dự thầu. Khi bị “bắt bài”, GT cho biết mình chỉ là “quân xanh” cho một nhà thầu khác. Ban đầu sẽ rất khó hiểu vì sao một nhà thầu chuyên nghiệp, có kinh nghiệm lại bị loại bởi khâu tư cách hợp lệ khi dự thầu. Nhưng tìm hiểu lý do không được lựa chọn của nhiều “anh cả” trong ngành xây dựng có thể thấy ngay việc các nhà thầu này đang cố tình muốn mình bị loại vì những vi phạm hết sức ngô nghê trong đấu thầu, do làm “quân xanh” cho một nhà thầu khác. Một nhà thầu khi nộp HSDT có thể lôi kéo hàng chục nhà thầu khác tham gia làm “quân xanh”. Hàng chục nhà thầu đó thường không nộp HSDT, và nếu có nộp thì cũng chỉ là sự chuẩn bị sơ sài, đối phó, dễ dàng bị loại bởi tư cách hợp lệ không đáp ứng. “Việc nhà thầu lớn tự biến mình thành “quân xanh” là hành vi rất mạo hiểm. Các chủ đầu tư và tư vấn đấu thầu chuyên nghiệp sẽ cực kỳ lưu ý các nhà thầu kiểu này. Do đó, ít nhiều, uy tín của một “ông lớn” tự hạ mình làm “quân xanh” cũng hao hụt đi phần nào”, một chủ đầu tư chia sẻ. Lộ chuyện mượn “râu hùm” từ kiến nghị Chuyện cho mượn hồ sơ để dự thầu của các nhà thầu từ lâu đã không còn là chuyện mới, song vì nhiều lý do, việc này ít khi bị tiết lộ. Tuy nhiên, dẫu có kín kẽ đến mức nào, khi thực hiện các thủ tục liên quan đến kiến nghị trong đấu thầu, việc cho mượn hồ sơ của các “ông lớn” cũng dễ bị tư vấn mời thầu, chủ đầu tư bắt bài. Một gói thầu xây lắp giao thông quy mô lớn bán ra hàng chục bộ HSMT, nhưng đến thời điểm đóng thầu chỉ có 4 nhà thầu nộp HSDT cũng ghi nhận một kiểu cho mượn hồ sơ. Theo đó, đại diện tư vấn đấu thầu cho biết, ngay trong quá trình đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật đã dấy lên nhiều nghi ngờ về những cái bắt tay hờ trong các liên danh dự thầu, khi trong 4 liên danh, chỉ có 1 liên danh tham gia dự thầu thực sự, còn lại đều có dấu hiệu của việc cho mượn hồ sơ. Nhận định này của vị tư vấn đấu thầu nêu trên phù hợp với diễn biến tiếp theo của quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu cho gói thầu. Bởi, ngay khi công bố kết quả lựa chọn nhà thầu, đơn kiến nghị của liên danh giữa một nhà thầu TP.HCM và một nhà thầu nổi tiếng của miền Trung đã được gửi đến bên mời thầu. Theo đánh giá của chủ đầu tư, năng lực của nhà thầu miền Trung nêu trên rất tốt, nếu đứng một mình hoàn toàn có thể trúng thầu. Nhưng trên thực tế, nhà thầu này lại chỉ cho nhà thầu tại TP.HCM mượn hồ sơ để dự thầu. Điều này được khẳng định bởi quá trình kiến nghị, nhà thầu này không dám kiến nghị về nội dung đánh giá HSDT, mà chỉ kiến nghị về vấn đề gia hạn hiệu lực hồ sơ. Trường hợp khác, Tổng công ty CC là nhà thầu có tiếng trong giới xây lắp nhưng cũng nổi tiếng không kém khi có nhiều chiêu trong kiến nghị đấu thầu. Khi nộp HSDT một gói thầu xây lắp bệnh viện quy mô lớn, do bị loại từ bước đánh giá năng lực kỹ thuật nên CC đã liên tục kiến nghị. Nhưng càng kiến nghị kéo dài, CC càng lộ ra việc mượn hồ sơ để liên danh từ một nhà thầu tiềm lực khác. Điều này đã được chính đại diện VC – nhà thầu cho CC mượn hồ sơ để đấu thầu xác nhận. Khẳng định có sự việc này, một tư vấn đấu thầu tại TP.HCM thừa nhận, từ lâu, VC đã có “thói quen” cho nhà thầu khác mượn hồ sơ để hợp thức hóa HSDT. Vì vậy, nhiều chủ đầu tư và tư vấn mời thầu khi đánh giá HSDT nếu có VC trong thành viên liên danh đều rất cảnh giác. Điều quan ngại là hồ sơ của VC rất đẹp và hoàn hảo. Do đó, việc đánh giá hồ sơ liên danh có thành viên là VC vẫn luôn là đòn cân não của tư vấn mời thầu lẫn chủ đầu tư.
Quá trình kiến nghị đã lộ ra việc một nhà thầu lớn tại miền Trung cho mượn hồ sơ để một nhà thầu khác dự thầu gói thầu xây lắp giao thông quy mô lớn tại TP.HCM. Ảnh: Tiên Giang