10 dự án đăng ký mới với tổng giá trị đầu tư 45,6 triệu USD
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội vừa được Cục thống kê TP.HCM công bố, thống kê từ ngày 1/1-30/11/2024, tổng vốn FDI đầu tư vào TP.HCM đạt 2.281,3 triệu USD, giảm 39,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó có 1.285 dự án, tăng 14,7% so với cùng kỳ và vốn đăng ký đạt 475,2 triệu USD, giảm 18,3%. Ngoài ra còn có 198 dự án điều chỉnh vốn đăng ký, bằng 69,5% so với cùng kỳ và vốn điều chỉnh đạt 535,9 triệu USD, giảm 11,5%. Bên cạnh đó có 2.148 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện với góp vốn là 1.270,2 triệu USD, bằng 49,2% về vốn so với cùng kỳ.
Lĩnh vực kinh doanh bất động sản có 10 dự án với tổng giá trị đầu tư 45,6 triệu USD, chiếm 9,6% vốn FDI đăng ký mới trong năm.
Dù còn nhiều khó khăn nhưng thị trường bất động sản TP.HCM đang xuất hiện những tín hiệu tích cực hơn.
Theo Cục thống kê TP.HCM, Singapore vẫn là quốc gia dẫn đầu về vốn đăng ký đầu tư tại thành phố với 179 dự án, tổng vốn 119,4 triệu USD. Tiếp đến là Nhật Bản với 117,1 triệu USD và Hàn Quốc với 65,6 triệu USD.
Lũy kế từ ngày 01/01/1988 đến ngày 30/11/2024, trên địa bàn Thành phố có 13.499 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn hơn 58,45 tỷ USD. TP.HCM dẫn đầu về số dự án còn hiệu lực so với cả nước. Ngoài ra, có 28.781 trường hợp Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước với vốn góp đăng ký tương đương 29,39 tỷ USD.
Tính chung giá trị vốn đầu tư nước ngoài cấp mới, vốn đầu tư tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp vào Thành phố đạt hơn 87,84 tỷ USD.
Doanh thu kinh doanh bất động sản ước đạt 282.134 tỷ
Cũng theo Cục Thống kê TP.HCM, doanh thu các dịch vụ khác trong năm 2024 ước đạt 465.224 tỷ đồng trong cả năm 2024, chiếm 38,6% trong tổng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (tăng 8,3% so với năm 2023).
Đáng chú ý, Cục Thống kê TP.HCM cho biết doanh thu kinh doanh bất động sản ước đạt 282.134 tỷ đồng (hơn 11 tỷ USD), chiếm 60,6% trong doanh thu dịch vụ khác và tăng 7,9% so với cùng kỳ.
Cục Thống kê nhận định thị trường bất động sản đã có dấu hiệu hồi phục khi các chính sách hỗ trợ của Nhà nước phát huy hiệu quả, lãi suất huy động và cho vay sản xuất kinh doanh giảm giúp tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.
Tuy vậy, Cục Thống kê TP.HCM cũng nhận định ngành bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn, chưa tác động đủ lực cho hoạt động xây dựng, khi tăng 2,6%, chiếm 3,2% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) nhưng chỉ đóng góp 1,1% vào mức tăng GRDP của TP.HCM.
Theo Savills Việt Nam, trong năm 2024, thị trường bất động sản nhà ở tại TP.HCM, bao gồm cả phân khúc căn hộ và bất động sản gắn liền với đất, tiếp tục đối mặt với thách thức lớn về nguồn cung.
Nguồn cung trong năm được ghi nhận là thấp nhất trong vòng 5 năm qua, ảnh hưởng trực tiếp đến sự lựa chọn của người mua. Đa số các dự án mở bán trong năm thuộc phân khúc trung cấp, dẫn đến tình hình giao dịch không mấy khả quan. Do thiếu hụt nguồn cung, giá bất động sản vẫn duy trì ở mức cao, với các dự án mới có giá bán vượt trội so với các giai đoạn trước.
Thách thức về nguồn cung trong năm 2024 không chỉ gây khó khăn mà còn khiến số lượng căn bán giảm đáng kể. Tỷ lệ hấp thụ tại một số dự án gặp khó do mặt bằng giá tại TP.HCM đang ở mức cao. Tình hình cung-cầu cho thấy sự chững lại, với tâm lý thị trường ngày càng thận trọng.
Theo đơn vị này, khi giá bán cao, người mua sẽ cân nhắc kỹ lưỡng, bao gồm việc xem xét tính hấp dẫn của tỷ suất lợi nhuận từ cho thuê, khả năng sinh lời khi đầu tư bán lại, tính minh bạch pháp lý, tiến độ xây dựng, uy tín của chủ đầu tư, hoặc chuyển hướng sang thị trường thứ cấp. Một khi thị trường có sự chọn lọc chặt chẽ, sự phân hóa giữa các dự án và phân khúc sẽ ngày càng rõ rệt.
Bà Giang Huỳnh, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và S22M Savills Việt Nam dự báo trong năm 2025, nguồn cung sẽ có dấu hiệu cải thiện dần. Tuy nhiên, cơ cấu nguồn cung vẫn chủ yếu thuộc phân khúc trung cấp, trong khi nhà ở giá rẻ, vừa túi tiền vẫn sẽ tiếp tục khan hiếm.
TP.HCM vẫn là thị trường tập trung vào phân khúc trung và cao cấp, trong khi quỹ đất cho nhà ở giá rẻ ngày càng hạn chế. Vì vậy, các khu vực vệ tinh xung quanh TP.HCM, với vị trí thuận lợi và kết nối giao thông tốt, sẽ trở thành những thị trường tiềm năng đáp ứng nhu cầu nhà ở.
-
Thị trường vui trở lại, doanh thu kinh doanh bất động sản TP.HCM đạt hơn 80.800 tỷ đồng
Thị trường bất động sản có chiều hướng tăng tích cực khi các chính sách của Nhà nước phát huy hiệu quả, lãi suất ngân hàng giảm.
-
UBND TP.HCM vừa có quyết định quan trọng về nguồn vật liệu cho các dự án hạ tầng trên địa bàn
UBND TP.HCM vừa có văn bản chỉ đạo về việc triển khai thực hiện thí điểm cát biển làm làm vật liệu san lấp phục vụ các công trình giao thông trên địa bàn thành phố.
-
Bất động sản TP.HCM và vùng phụ cận năm 2025: Động lực phục hồi từ chính sách và hạ tầng
Theo dự báo từ DKRA Consulting, năm 2025 được kỳ vọng trở thành năm bản lề cho sự phục hồi của thị trường bất động sản TP.HCM và vùng phụ cận. Động lực tăng trưởng đến từ sự hỗ trợ mạnh mẽ của các chính sách pháp lý mới cùng sự hoàn thiện của các dự ...
-
9,6 tỷ USD kiều hối về TP.HCM trong năm 2024, gấp 4 lần vốn đầu tư nước ngoài
Lượng kiều hối về TP.HCM trong năm 2024 đạt 9,6 tỷ USD, cao hơn khoảng 140 triệu USD so với năm 2023.