Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, ngành xây dựng hiện nay đang cố gắng lấy “ngắn nuôi dài”.
Lấy ngắn nuôi dài
Với tư cách là đại diện cho các nhà thầu xây dựng, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Nhà thầu xây dựng Việt Nam, cho biết hiện nay cả nước có khoảng 2.000 nhà thầu xây dựng.
Thời gian vừa qua, trải qua đại dịch Covid-19 và đợt bão giá lên tới 40%, nhiều nhà thầu không dám nhận việc.
Nhiều nhà thầu đã cố gắng vượt lên, nhưng chỉ có một số doanh nghiệp lớn, phần lớn còn lại bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trên thực tế, các chủ đầu tư đang bị tắc nghẽn về giải ngân, về vốn, về chính sách siết chặt tín dụng vào bất động sản.
Theo ông Hiệp, ngành xây dựng hiện nay đang cố gắng lấy “ngắn nuôi dài”.
Để tháo gỡ cho các doanh nghiệp ngành xây dựng, Chủ tịch Nhà thầu xây dựng Việt Nam đề nghị Bộ Xây dựng cho phép sửa đổi nghị định về hợp đồng xây dựng, trong đó cần quy định rõ trách nhiệm thanh toán của các chủ đầu tư bằng những quy định cụ thể.
Ông đề nghị sửa đổi về thanh toán của hợp đồng xây dựng: các chủ đầu tư đặc biệt là các chủ đầu tư vốn ngoài ngân sách phải có bảo lãnh thanh toán có 30% hợp đồng bảo lãnh vốn vay.
Một hợp đồng thi công xây dựng nhà thầu phải có 4 hợp đồng bảo lãnh. Còn các chủ đầu tư không có bảo lãnh gì về nguồn vốn, gây ra khó khăn cho các doanh nghiệp.
Ông Hiệp đề nghị công trình không ký quyết toán thì không đưa vào sử dụng. Theo ông, trong việc đối phó với bão tăng giá hiện tại cần phối hợp giữa các cơ quan.
“Hiện nay, tốc độ cập nhật giá trên thị trường luôn bị chậm 1-2 tháng, vì vậy các giá cập nhật thanh toán vẫn không phải là thực tế”, ông Hiệp lý giải.
Ngoài ra, vị này còn đề nghị Bộ Xây dựng có đánh giá về tiêu chuẩn kỹ thuật đấu thầu, về đầu tư bất động sản, ngành kinh doanh chịu sự tác động của 12 Luật khác nhau nên gây chậm tiến độ cho các dự án, kéo theo chậm tiến độ xây dựng, gây ảnh hưởng số đầu việc cho các nhà thầu.
Ngoài ra, theo ông Hiệp, quy định việc lựa chọn chủ đầu tư, quy định chuyển đổi đất ở đô thị phải có một phần đất ở đô thị đang gây hạn chế toàn bộ các dự án nhà ở vì hiện tại là đất kho, đất xưởng…
“Quy định này đang gây ách tắc cho khoảng 400 dự án cả ở TP.HCM và Hà Nội”, ông Hiệp nói.
Theo ông, Luật Nhà ở 2014 và Nghị định của Chính phủ đang có sự vênh nhau về thời gian bảo hành. Hiện nay, công tác đền bù giải phóng mặt bằng đang rất phức tạp, các cơ quan chính quyền không mạnh tay về công tác đền bù. Những tỉnh đưa ra hệ số đền bù cao thì dễ triển khai hơn.
Vì vậy, ông Hiệp đề nghị có cơ chế bồi thường đất, các tỉnh công bố hệ số định giá đất để các nhà đầu tư có thể tính toán được chứ không phải đợi Hội đồng định giá. Các văn bản luật hiện nay đang có sự chồng chéo, cần có đầu mối thống nhất giữa các bộ để điều phối chung.
Ngoài ra, việc dành 20% quỹ đất cho các dự án nhà ở xã hội đang bất cập, đề nghị các dự án nộp phần chênh lệch này vào quỹ nhà ở xã hội và do Bộ Xây dựng quản lý.
Cùng với đó, Thông tư 06 cũng cần được sửa đổi để hạn chế bất cập giữa ban quản trị và cư dân và các thông tư của Ngân hàng Nhà nước.
Ông Hiệp đồng tình việc siết chặt trái phiếu doanh nghiệp để hạn chế rủi ro trong lĩnh vực đầu tư bất động sản.
Sức ép từ thủ tục hành chính
Bà Nguyễn Minh Thảo, đại diện Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương, cho biết khi vào Việt Nam, chỉ số cấp phép xây dựng là một trong các chỉ số được các nhà đầu tư quan tâm. Hiện nay, thời gian thực hiện cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan rất dài.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, hiện nay thủ tục cấp phép xây dựng là 166 ngày, không bao gồm quyết định chủ trương đầu tư, giải phóng mặt bằng, quy hoạch.
Theo bà Thảo, đây là thời gian tương đối dài, có thể gấp 2, gấp 3 lần so với các nước trong khu vực.
Khi làm việc với địa phương và các doanh nghiệp về việc sửa đổi quy định pháp luật, Bộ Xây dựng đã có những điều chỉnh liên quan đến quy định pháp lý để đảm bảo thuận lợi hơn, phân cấp hơn.
Luật Xây dựng năm 2020 đã khắc phục một phần những chồng chéo với lĩnh vực khác. Tuy nhiên, việc sửa đổi pháp luật chưa thực sự phân cấp, phân quyền cho địa phương. Thực thi trên thực tế khác biệt so với quy định.
Bà Thảo kiến nghị, khi cắt giảm những thủ tục hành chính, việc cắt giảm những điều kiện sẽ mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho biết tác động của đại dịch Covid đang tạo ra áp lực và đòi hỏi phải cải cách thủ tục hành chính.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục, đặc biệt sau dịch Covid-19 trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Việc số hóa ứng dụng hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi phải thay đổi tư duy “thiết kế lại thủ tục hành chính trên tư duy kinh doanh số”, bãi bỏ những thứ không cần thiết.
“Sự phối hợp giữa các cơ quan bộ ngành là rất quan trọng bởi ách tắc một thủ tục liên quan đến cả quy trình. Do vậy, mong muốn Bộ Xây dựng nên là một đơn vị tiên phong, chủ động rà soát, đề xuất, phối hợp với các Bộ ngành khác”, ông Hiếu đề nghị.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng thủ tục hành chính trong ngành xây dựng còn nhiều dư địa để rà soát, cắt giảm mạnh.
Do vậy, bộ sẽ đẩy mạnh rà soát lại những điểm bất cập trong các Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở… trong thời gian tới.
-
eMagazine: Sun Group tìm hướng đi mới trong tâm dịch
Tìm hướng đi mới, xoay chuyển tình thế từ bị động sang chủ động gắn với tinh thần “3T” là cách mà Sun Group lựa chọn để đối mặt và vượt qua những thách thức mà đại dịch Covid-19 đặt ra. Trong một buổi trò chuyện cuối năm, bà Nguyễn Ngọc Thuý Linh, Tổ...
-
Đại dịch khiến nhu cầu mua ngôi nhà thứ hai lên cao kỷ lục
Đại dịch làm khối lượng tài sản của người giàu tăng lên nhanh chóng. Theo báo cáo, số cá nhân sở hữu tài sản trị giá trên 30 triệu USD đã tăng gần 10% vào năm ngoài. Điều này kéo theo nhu cầu cao kỷ lục đối với các bất động sản cao cấp hoặc những ngô...
-
Lợi nhuận homestay đâu chỉ đong đếm bằng tiền
Từ dạo bước chân vào làm homestay dù quy mô nhỏ xíu, mọi người vẫn mặc định tôi đang kinh doanh và thường hỏi về lợi nhuận. Đã là lợi nhuận thì nhất định câu trả lời phải bằng những con số, mọi câu trả lời khác được đánh giá thuộc dạng né tránh hoặc ...