18/04/2023 8:57 AM
Bức tranh kinh doanh quý 1.2023 của các doanh nghiệp ngành thép đang dần được hé lộ với kết quả không mấy khả quan, thậm chí thua lỗ mặc dù thời điểm khó khăn nhất đã qua.

Giai đoạn khó khăn nhất đã qua?

“Giai đoạn khó khăn nhất của ngành thép đã qua” là một trong những phát biểu đáng chú ý của ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát, tại kỳ ĐHĐCĐ thường niên vừa qua.

Cụ thể, đánh giá về thị trường thép năm vừa qua, Chủ tịch Hòa Phát cho biết ngành thép Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đã trải qua giai đoạn đầy khó khăn, cũng là chu kỳ suy thoái chung của ngành thép.

“Tại đại hội năm ngoái tôi đã dự báo những khó khăn này rồi, nhưng cũng không ngờ tình hình còn xấu hơn cả mình dự báo”, ông Long chia sẻ.

Chủ tịch Hòa Phát cho rằng tốc độ phục hồi của ngành thép thời gian tới sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào cầu thị trường

Năm 2022, trong bối cảnh khó khăn chung của ngành thép, cầu suy giảm khiến tồn kho tăng cao, Hòa Phát đã quyết định cắt giảm sản lượng, ngừng hoạt động 4/7 lò cao, gồm 2 lò cao ở Khu liên hợp Dung Quất và 2 lò cao ở Khu liên hợp Hải Dương.

Đến năm nay, khi thị trường có dấu hiệu hồi phục, đặc biệt là việc Trung Quốc mở cửa trở lại, Hòa Phát đã chạy lại 1 lò cao vào đầu tháng 1. Ông Long cho biết theo kế hoạch, đầu tháng 4, tập đoàn sẽ khởi chạy lại lò cao thứ 2 và 2 lò cao còn lại sẽ vận hành lại trong quý 2.2023.

Về kết quả kinh doanh, Chủ tịch Hòa Phát cho biết trong tháng 1 và 2, Hòa Phát vẫn thua lỗ nhưng thấp hơn dự kiến, trong khi kết quả kinh doanh tháng 3 đã tích cực hơn.

Phát biểu tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức ngày 10/3, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen, cũng nhận định "thời điểm xấu nhất ngành thép có lẽ đã qua”.

“Đáy khó khăn” với ngành thép đã qua, nhưng bản thân các doanh nghiệp và giới chuyên gia đều nhận định 2023 vẫn là năm nhiều thách thức, lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ đến từ các biến số, gồm: kết quả tháo gỡ vướng mắc pháp lý của các dự án bất động sản, tiến trình giải ngân vốn đầu tư công, thị trường xuất khẩu là EU và Mỹ, biến động giá nguyên vật liệu và giá thép, biến động tỉ giá, lãi suất.

Doanh nghiệp báo lãi giảm mạnh, thậm chí thua lỗ

Mùa báo cáo tài chính quý 1.2023 vừa mới bắt đầu, đã có nhiều doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh. Bên cạnh những doanh nghiệp báo doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng tốt thì cũng có không ít doanh nghiệp ghi nhận lỗ trong quý này.

Với ngành thép, các doanh nghiệp trong ngành này đang bước vào giai đoạn bên kia sườn dốc của chu kỳ kinh doanh khi liên tiếp báo lỗ kỷ lục trong nhiều quý gần đây.

Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp thép đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1.2023 với kết quả không mấy khả quan, thậm chí thua lỗ mặc dù nhận định giai đoạn khó khăn nhất đã qua.

Bức tranh kinh doanh quý 1.2023 của các doanh nghiệp ngành thép đang dần được hé lộ với những khoản lỗ lớn

Đơn cử, tại báo cáo tài chính công bố mới đây, CTCP Gang thép Thái Nguyên - Tisco (Mã: TIS - UPCoM) tiếp tục báo lỗ hơn 19 tỉ đồng trong quý 1.2023, đánh dấu ba quý lỗ liên tiếp của đơn vị này.

Phía Tisco cho biết, nguyên nhân là bởi những tháng đầu năm nay, thị trường tiêu thụ thép gặp nhiều khó khăn, sản lượng và giá bán giảm trong khi đó giá nguyên liệu đầu vào cao.

Cụ thể, trong quý đầu năm 2023, doanh thu thuần Tisco giảm 34% so với cùng kỳ năm trước, đạt 2.445 tỉ đồng. Giá vốn bán hàng cũng giảm xuống 2.390 tỉ đồng, lợi nhuận gộp doanh nghiệp còn 56 tỉ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ. Ngoài ra, chi phí tài chính và chi phí bán hàng lần lượt tăng lên 42 tỉ và 12 tỉ đồng. Trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp giảm xuống 22 tỉ đồng.

Tại thời điểm ngày 31.3, tổng tài sản của Tisco đạt 10.750 tỉ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Số dư tiền và các khoản tương đương tiền ghi nhận cuối kỳ đạt 77 tỉ đồng, giảm 26% so với thời điểm đầu năm 2023.

Trong khi đó, hàng tồn kho của Tisco tăng 21% so với đầu năm, ở mức 2.132 tỉ đồng. Hiện, hàng tồn kho đang chiếm hơn 73% tài sản ngắn hạn của Gang thép Thái Nguyên.

Đáng chú ý, khoản chiếm tỉ trọng lớn nhất trên tổng tài sản của Tisco là tài sản dở dang dài hạn, đạt 6.353 tỉ đồng. Trong đó chủ yếu là chi phí xây dựng dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên (Tisco 2).

Trước đó, CTCP Thép Thủ Đức - VnSteel (Mã: TDS) cũng đã công bố báo cáo tài chính quý 1.2023 với kết quả làm ăn sa sút. Doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu đạt 349 tỉ đồng, lợi nhuận chỉ vỏn vẹn 4,4 tỉ đồng, lần lượt giảm 54% và 45% so với cùng kỳ năm 2022.

Lãnh đạo Thép Thủ Đức cho biết việc giá mặt hàng thép cũng như nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, kèm theo nhu cầu tiêu thụ của thị trường ở mức thấp trong quý đầu năm 2023 đã khiến doanh thu và lợi nhuận cùng lao dốc.

Tại thời điểm 31.3.2023, tổng tài sản của Thép Thủ Đức tăng 114 tỉ đồng so với đầu năm lên mức 483 tỉ đồng, trong đó phần tăng chủ yếu đến từ hàng tồn kho, tăng 40% lên mức 355 tỉ đồng (chiếm 73,5% tổng tài sản).

Tương tự, một công ty khác trong nhóm VNSteel là Thép Vicasa - VnSteel (Mã: VCA) cũng báo lợi nhuận chỉ ở mức 5 tỉ đồng, giảm tới 40% so với cùng kỳ trong bối cảnh khó khăn chung của toàn ngành thép vì giá và nhu cầu tiêu thụ đi xuống.

Kết quả kinh doanh kém khả quan trong quý 1.2022 không chỉ là câu chuyện riêng của Gang thép Thái Nguyên, Thép Vicasa hay Thép Thủ Đức, mà đây là vấn đề chung của các doanh nghiệp thép hiện nay.

Trong báo cáo mới đây của SSI Research, đơn vị này dự báo lợi nhuận của 2 ông lớn ngành thép là Tập đoàn Hòa Phát và Tập đoàn Hoa Sen tiếp tục suy giảm.

Cụ thể, SSI Research đánh giá Hòa Phát vẫn có thể ghi nhận lỗ trong quý 1.2023 nhưng mức lỗ có thể ít hơn nhiều so với mức lỗ của hai quý liền trước nhờ sự hồi phục của giá thép.

Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc công suất hoạt động tiếp tục giảm trong bối cảnh nhu cầu thị trường suy yếu. Cụ thể, tổng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng, thép cuộn cán nóng HRC và phôi thép của Hòa Phát giảm 37% xuống còn 1,37 triệu tấn trong quý 1.2023, tương đương với mức công suất hoạt động là 65% so với 100% trong quý 1.2022 và 70% trong quý 4.2022.

Do thị trường chung đang diễn biến kém khả quan, SSI Research cũng điều chỉnh giảm 5,5% ước tính doanh thu cho quý 1.2023 của Hòa Phát xuống 41.634 tỉ đồng, đồng thời lợi nhuận ròng của công ty dự kiến giảm xuống mức thấp là 2.010 tỉ đồng, giảm 75,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Với Hoa Sen, theo ước tính của ban lãnh đạo, lợi nhuận của Hoa Sen đã có sự hồi phục khả quan kể từ tháng 2.2023 và có thể đạt 50 tỉ đồng trong quý 2 niên độ tài chính năm 2023 nhờ giá thép phục hồi. Tuy nhiên, so với kết quả trong quý 2 niên độ tài chính năm 2022, mức lợi nhuận trong quý vừa qua vẫn có thể giảm hơn 70%.

Theo đó, SSI Research dự báo doanh thu của Hoa Sen sẽ đạt 11.565 tỉ đồng, giảm 31,7% so với cùng kỳ. Lợi nhuận ròng dự kiến tăng nhẹ 4,8% so với quý 1 năm trước, khoảng 607 tỉ đồng.

Thúy Hà
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.