Doanh
nghiệp Singapore rất tự hào vì có "lý lịch kinh doanh tốt" trong 4 lĩnh
vực thế mạnh gồm: giáo dục bậc cao, dịch vụ tài chính - ngân hàng, bất
động sản và quản lý tài sản, quản lý chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, tại diễn
đàn này, bất động sản lại được xem là lĩnh vực thu hút sự quan tâm của
họ.
Theo đó, hai doanh nghiệp bất động sản của Singapore là Keppel Land và CapitaLand Holdings đang kỳ vọng nhiều vào việc tận dụng những kinh nghiệm đã được tích lũy, kiểm chứng trong lĩnh vực bất động sản để khai thác các cơ hội đầu tư trong phân khúc thị trường nhà ở tại Việt Nam. Dự kiến, tổng vốn đầu tư mà CapitaLand (hiện có 5 dự án căn hộ chất lượng cao, với tổng số hơn 5.500 căn hộ tại TP.HCM và Hà Nội) đổ vào Việt Nam sẽ tăng từ 400 triệu lên gần 2 tỷ đôla Singapore trong 3-5 năm tới.
Riêng
Keppel Land có kế hoạch củng cố vị thế của mình tại thị trường Việt Nam,
với danh mục đầu tư khá đa dạng, từ Khu phức hợp thương mại Saigon
Centre đến các dự án khu đô thị lớn Saigon Sports City tại TP.HCM và
Đồng Nai. Với chiến lược hướng đến nhiều đối tượng khách hàng và không
quên tìm cơ hội đầu tư trong phân khúc nhà giá thấp, Keppel Land tích
cực săn đất giá rẻ tại những địa phương trên.
"Keppel Land đang đầu tư 17 dự án bất động sản với khoảng 22.000 đơn vị nhà ở tại thị trường Việt Nam, nhưng vẫn chưa tiếp cận được nhà đầu tư nào để hợp tác phát triển dự án nhà ở thương mại giá thấp", ông Linson Lim, Chủ tịch Công ty Keppel Land tại Philippines, Thái Lan và Việt Nam cho biết.
Chính những động thái trên của các doanh nghiệp Singapore khiến ông Phan Thanh Mai, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khẳng định, bất động sản sẽ là lĩnh vực tiếp tục thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp Singapore. "Không chỉ các doanh nghiệp Singapore xúc tiến kinh doanh vào Việt Nam, mà hy vọng rằng, sẽ có làn sóng đầu tư ngược lại từ phía doanh nghiệp Việt Nam. Trong bối cảnh các dự án ở Việt Nam đang rất thiếu vốn, đây cũng là cơ hội giúp các chủ đầu tư tìm đầu mối kết nối nguồn vốn và kinh nghiệm kinh doanh chuyên nghiệp của đối tác Singapore trên toàn cầu", ông Mai nhận định.
Cần
phải nói thêm rằng, cuối năm 2010, trong công trình nghiên cứu mang tên
"Doanh nghiệp nghĩ gì về ASEAN" của Hội đồng Cố vấn kinh tế ASEAN, TS.
Wong Marn Heong (Trường Chính sách công Lý Quang Diệu) đã tiến hành khảo
sát 355 doanh nghiệp trong khối ASEAN. Kết quả là, có 49% trong tổng số
120 doanh nghiệp đang hoạt động tại Singapore chọn Việt Nam làm điểm mở
rộng kinh doanh trong vòng 3 năm tới.
Như
vậy, các cơ hội hợp tác kinh doanh cho doanh nghiệp hai nước luôn có
sẵn, nhưng chưa được khai thác thoả đáng. Nguyên nhân chủ yếu là các
doanh nghiệp Singapore chưa tìm thấy các dự án phù hợp với năng lực và
mục tiêu kinh doanh của họ tại Việt Nam. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt
Nam lại xuất hiện khá mờ nhạt tại những dịp xúc tiến đầu tư.