Lâu nay, doanh nghiệp BĐS và ngân hàng có quan hệ khá khăng khít. Nhưng gần đây nhiều doanh nghiệp thốt lên, ngân hàng “siết” tín dụng thế này thì doanh nghiệp chỉ còn đường chết.
Doanh nghiệp, ngân hàng: Ban đầu, khi nghe các doanh nghiệp tố khổ thì thấy khá phi lý bởi doanh nghiệp địa ốc và ngân hàng vốn luôn có mối quan hệ mật thiết. Bởi đa số các doanh nghiệp đều dựa vào vốn ngân hàng để hoạt động. Còn với nhiều dự án khả thi, ngân hàng không chỉ rót vốn làm dự án mà còn đứng ra bảo lãnh cho khách hàng vay đến 70% tiền mua nhà của chính dự án đó. Thậm chí, không ít dự án, ngân hàng mới chính là ông chủ thực sự.

Theo báo cáo Ủy ban giám sát tài chính, ngân hàng là một trong những kênh huy động vốn chủ yếu của các doanh nghiệp bất động sản. Dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản từ ngân hàng chiếm khoảng 1/3 tổng vốn đầu tư toàn xã hội vào bất động sản.

Các ngân hàng thương mại thông thường tài trợ cho các doanh nghiệp bất động sản khoảng 70-80% vốn vay để thực hiện dự án. Bởi vậy, thị trường bất động sản phụ thuộc khá chặt chẽ vào tăng trưởng tín dụng trong khu vực ngân hàng.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Nghĩa – Phó Chủ tịch UBNGTCQG cho rằng tín dụng BĐS có mối tương quan thuận chiều với tăng trưởng tín dụng ngân hàng. Trong bối cảnh thắt chặt tín dụng, tín dụng BĐS có dấu hiệu suy giảm mạnh, tác động lên tính thanh khoản của TTBĐS. Bên cạnh đó, sự suy giảm này còn xuất phát từ các chính sách kiềm chế tín dụng BĐS từ NHNN như đưa tín dụng BĐS vào danh mục tại sản có rui ro cao nhất các NHTM 250%, hạn chế tín dụng phi sản xuất …

TTBĐS có xu hướng sôi động khi tín dụng được nới lỏng tốc độ tăng trường cao và ngược lại TTBĐS phụ thuộc nhiều vào tín dụng ngân hàng nên rủi ro chéo hai khu vực là lớn.

Thanh khoản sụt giảm, thị trường bất động sản đóng băng đang khiến nợ xấu tại các ngân hàng (NH) gia tăng. Theo con số thống kế so với cuối năm 2010, nợ xấu trong lĩnh vực BĐS tính đến tháng 6/2011 đã tăng 1.766 tỉ đồng, tương đương 37%.

Dư nợ cho vay BĐS tính đến tháng 6/2011 đạt 245.000 tỉ đồng, chiếm 10% tổng dư nợ toàn xã hội. Trong đó, nợ xấu BĐS chiếm khoảng 3%, đặc biệt nợ nhóm 5 (nợ có nguy cơ mất vốn) chiếm khoảng 40% tổng số nợ xấu BĐS. Hệ thống NH đang gánh chịu áp lực lớn từ tài sản thế chấp là các dự án BĐS bị tồn đọng, không có giao dịch

Chính vì những khó khăn trong tiếp cận tín dụng, thời gian gần đây mối quan hệ giữa doanh nghiệp và ngân hàng dường như có phần lỏng lẻo sau khi Ngân hàng nhà nước ra chỉ thị yêu cầu các ngân hàng thương mại khống chế cho vay bất động sản. Điều này khiến các doanh nghiệp thực sự gặp khó khi thị trường bất động sản tê liệt.

Rất nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với tình trạng, hàng loạt dự án ra hàng nhưng không bán được, ngân hàng không cho vay. Vì không vay được tiền nên doanh nghiệp “sống dở chết dở”. Vay được tiền thì lợi nhuận làm ra không đủ bù chi phí, không vay được tiền thì doanh nghiệp chỉ còn cách đóng cửa, phá sản.

Theo phân tích ông Edward Chi - Tổng giám đốc Công ty đầu tư Minh Việt, với mức lãi suất huy động giảm 14% thì lãi suất cho vay trên thị trường vẫn đang phổ biến mức 19-20%. Mặc dù giảm nhưng không tác động nhiều thị trường bất động sản.

“Với mức lãi suất hiện nay để nói doanh nghiệp có muốn vay hay không phải xét phương diện thời gian vay ngắn hạn hay dài hạn. Vay để tạm qua chắc chắc sẽ có doanh nghiệp vay. Còn vay trung và dài hạn đối với LS hiện nay nhiều DN không dám vay bởi mức lãi suất/ tỷ suất đầu tư là rất cao. Nếu tính vay 17% trong 3 năm là 51%. Liệu một dự án bất động sản có thể lãi 50% không khi mà giá vật liệu, điện nước, nhân công tăng cao như hiện nay” ông Chi nói.

Chính vì cái khó lại ló cái khôn khi rất nhiều doanh nghiệp bất động sản đã tự tìm cách huy động vốn theo các riêng mà không muốn phụ thuộc ngân hàng. Trong đó, nhiều doanh nghiệp lựa chọn các cách bán hàng riêng có lợi cho khách hàng để thu hút dòng tiền.

Mới đây nhiều doanh nghiệp bất động sản khi bán hàng và phát hành trái phiếu đã chọn mức lãi suất hấp dẫn có tính cạnh tranh để hút vốn. Cụ thể, Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (SCR) vừa công bố phát hành thành công 99 trái phiếu riêng lẻ có giá trị 99 tỉ đồng với kỳ hạn 18 tháng. Lãi suất trái phiếu thả nổi và có điều chỉnh hằng tháng. Lãi suất tháng đầu tiên là 17%/năm, lãi suất tháng tiếp theo được áp dụng như lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của Sacombank lãi cuối kỳ +2,5%.

Trước đó, Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền phát hành 50 tỉ đồng trái phiếu không chuyển đổi với lãi suất cố định 21,5%/năm. Như vậy so với lãi suất huy động của ngân hàng thì lãi suất trái phiếu doanh nghiệp đã cao hơn từ 3% đến 7%....

Theo phân tích của các chuyên gia tài chính, sở dĩ có tình trạng doanh nghiệp BĐS bán sản phẩm và phát hành trái phiếu cạnh tranh lãi suất ngân hàng mục đích là để kích cầu người mua vì hiện cầu thị trường BĐS xuống thấp và tín dụng phi sản xuất (BĐS, chứng khoán, tiêu dùng) bị siết.

Bên cạnh đó, so với lãi suất đi vay ở lĩnh vực phi sản xuất trên 20%/năm thì doanh nghiệp trả lãi cho khách hàng cao hơn lãi ngân hàng vẫn tốt hơn. Với hình thức bán hàng, huy động vốn cam kết lãi suất như vậy, doanh nghiệp dễ dàng có vốn và chủ động hơn trong việc đầu tư, tiêu thụ sản phẩm.
Theo Minh Tuấn (VnMedia)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.