Năm 2015 được coi là một năm “bận rộn” của cơ quan ngành Thuế với nhiệm vụ truy thu nghĩa vụ tài chính khổng lồ của hàng trăm đơn vị trên cả nước. Theo nguyên lý “bình thông nhau”, tình trạng “nợ đồng lần” của dự án – chủ đầu tư tác động trực tiếp tới thanh khoản của sản phẩm – doanh thu của DN.

Sau 7 đợt công khai danh sách các đơn vị nợ thuế kèm theo nhiều chế tài của đơn vị chức năng, nhiều ông lớn trong ngành BĐS đã mau mắn hoàn thành nghĩa vụ ở thời điểm chỉ cách đích 31/12 chừng 2 tuần.

Trung tuần tháng 12, “cập nhật” về kết quả truy thu nợ thuế, nghĩa vụ tài chính của DN trên địa bàn, Cục thuế Hà Nội hé lộ thông tin liên quan tới nhiều dự án BĐS thuộc phân khúc cao cấp. Tính đến 8/12, 12/40 dự án đã nộp hết tiền sử dụng đất sau công khai. Đáng chú ý, đa phần trong số này đều được định vị ở tầm cao trong rổ hàng địa ốc Thủ đô.

Việc chậm thanh toán, gia hạn hoàn thành tiền sử dụng đất của nhiều dự án đều có căn nguyên.

Chậm…có cái lý của chậm

Tiêu biểu là Dự án đầu tư Tòa nhà hỗn hợp đa năng và nhà ở chung cư Vinafor tại số 55, đường 430, phường Vạn Phúc (quận Hà Đông) do Tổng công ty Lâm Nghiệp Việt Nam – công ty TNHH MTV – thực hiện cùng công ty CP Sông Đà 1.01.

Cách đây 2 tháng, Thời báo Kinh Doanh từng phản ánh nhiều sự lạ trong hoạt động PR bán hàng của dự án “cao thứ 3 Hà Nội” này. Trong đó, đặc biệt chú ý vai trò thực sự của Hoàng Vương Land – một pháp nhân tự nhận là đơn vị quản lý và phát triển dự án (thời điểm tháng 10) để được quyền phân phối một tỷ trọng nhất định sản phẩm dự án.

Tìm hiểu ngọn ngành, “hóa ra” Hoàng Vương đã trả trước (dưới dạng đặt cọc) 15 tỷ đồng để được toàn quyền “phán quyết” một tỷ lệ căn hộ dự án nhất định. Đáng lo cho người mua và nhà đầu tư hơn là khoản tiền nghìn tỷ đầu tư vào dự án vẫn là dấu hỏi, khi dấu hiệu hiếm hoi thể hiện nguồn tài chính rót vào siêu dự án là khoản vay tín dụng của Sông Đà 1.01…

Tuy nhiên, với những cơ hội trong tương lai gần, nhờ hiệu quả của chính sách tín dụng ưu đãi và tiềm năng từ hội nhập, giao thương khu vực, quốc tế, một dự án lừng lững phía Đông Hà Nội với cơ man sản phẩm nhà ở, diện tích văn phòng rõ ràng có “lối thoát” về thanh khoản. Chí ít, khép lại năm 2015, dự án được định vị là nằm trên khu đất “sạch” khi đã tròn nghĩa vụ thuế đất.

Một trường hợp khác, từng nhiều lần được giới thạo tin nhắc tới như điển hình về nợ thuế đất (nhưng đã bán hàng ra thị trường) là dự án KĐTM Phú Lương của công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Việt.

Cuối tháng 7, dư luận sửng sốt bởi cơn sốt đất Phú Lương (Hà Đông) với giá bán trên dưới 20 triệu đồng/m2 trong bối cảnh dự án bị bêu nợ tiền sử dụng đất tới trên 1.500 tỷ đồng.

Chủ đầu tư “nấn ná” xin giãn tiến độ, đồng thời cấp tập đẩy mạnh bán hàng (!?). Và kết quả, dự án đã hoàn thành đầy đủ “núi” nợ tiền sử dụng đất nêu trên sau vài tháng. Có ý kiến cho rằng, “chậm” thanh toán nghĩa vụ tài chính như công ty Trung Việt, cũng có… cái lý của chậm!

Và phần còn lại

Ngoại trừ những DN – dự án chậm thanh toán nghĩa vụ tiền sử dụng đất (một cách có dụng ý) nêu trên, chứng kiến không ít trường hợp thể hiện chiến thuật khá hợp lý của đơn vị tạo lập.

Đơn cử, dự án Nhà ở hỗn hợp cao tầng Đồng Phát Hoàng Mai (Đồng Phát ParkView) tại Khu công nghiệp Vĩnh Tuy, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai thuộc công ty CP Đầu tư Đồng Phát. Đây là tòa nhà ở hỗn hợp cao 30 tầng (2 tầng đế bố trí dịch vụ, thương mại và nhà trẻ, 02 tầng hầm để xe và 28 tầng ở với 672 căn hộ).

Vị trí trung tâm, nằm ở đầu mút giao thông trọng yếu, dự án vốn là đích nhắm của giới đầu tư nhỏ lẻ lẫn khách hàng cần nhà ở. Theo nguồn tin riêng, dự án đang rậm rịch đẩy mạnh truyền thông để bán hàng. Trong đó, việc hoàn thành nghĩa vụ tài chính với cơ quan thuế (được công khai) là một trong các yếu tố quyết định thanh khoản dự án tương lai gần.

Hay một trường hợp khác, công trình HH nhà ở VP và TTTM tại 265 Cầu Giấy thuộc công ty CP hóa chất và vật tư Khoa học kỹ thuật (đã nộp hết nợ tiền sử dụng đất). Khu đất “vàng” ở trung tâm quận Cầu Giấy chính là nơi tọa lạc của tổ hợp công trình dự án của Tập đoàn FLC (thông qua thương vụ M&A thời gian trước).

Pháp lý đảm bảo, kết cấu công trình hiện đại, vị trí trung tâm kèm theo tài lực đã được khẳng định, việc chủ đầu tư gặt hái thành công ở dự án này đã được dự báo sớm.

Danh sách 66 đơn vị nợ thuế (tính đến 31/10/2015) được Cục Thuế công khai đợt VII còn cho thấy nhiều DN liên quan tới ngành xây dựng bị nêu danh. Đứng đầu là công ty CP Xây dựng số 4 Thăng Long với 14,55 tỷ đồng nợ thuế.

Ngoài ra, có thể kể tới những tên tuổi chưa từng được biết đến trong giới làm nghề như công ty TNHH TM & Xây Dựng Việt Nga (hơn 5 tỷ đồng); công ty CP Sản xuất Vật liệu & Xây dựng Công Trình 1 (5,98 tỷ đồng); công ty CP xây dựng thương mại Hà An (hơn 2,2 tỷ đồng)…

Đông Hưng (TBKD)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.