Sự khó khăn của thị trường bất động sản đã khiến nhiều chủ đầu tư không còn đủ sức tự thực hiện dự án, khiến nhiều dự án phải đắp chiếu trong thời gian dài. Tuy nhiên, những cái bắt tay hợp tác của các doanh nghiệp trong thời gian gần đây đã “cứu sống” nhiều dự án và tạo tính thanh khoản tốt cho thị trường.
Cuối tuần qua, Tập đoàn Đất Xanh (DXG) và Công ty TNHH Địa ốc Phú Gia đã ký kết hợp tác đầu tư Dự án Gia Phú (đường Lê Văn Chí, quận Thủ Đức). Theo đó, DXG sẽ chi 250 tỷ đồng để mua lại toàn bộ giai đoạn 2 của Dự án Gia Phú là một tòa nhà cao 15 tầng với 182 căn hộ. Theo kế hoạch, dự án này sẽ được xây dựng và mở bán trong thời gian tới.
Những cái bắt tay giữa các doanh nghiệp giúp làm hồi sinh nhiều dự án
Trước đó, DXG hợp tác với Tập đoàn C.T Group mua lại Dự án Thiên Lộc tại 359 Phạm Văn Chiêu (phường 14, quận Gò Vấp) để phát triển thành dự án căn hộ với tên gọi mới là Sun View 3.
Không chỉ có DXG, trong vài tháng trở lại đây, CTCP Địa ốc Hoàng Quân (HQC) cũng liên tục “trình làng” nhiều dự án căn hộ mang thương hiệu Cheery. Đây là những dự án đã từng xuất hiện trên thị trường với những tên gọi khác nhau, nhưng do thị trường khó khăn, chủ đầu tư không thể tiếp tục triển khai. Cheery 2 là dự án trước đây có tên Võ Đình Apartment nằm trên đường Lê Văn Khương (quận 12, TP. HCM) do Công ty Võ Đình làm chủ đầu tư. Sau Cheery 2, HQC đã hợp tác với Công ty Thương mại Hóc Môn khởi động lại Dự án căn hộ Cheery 3 và đã chính thức mở bán trong tháng 9 vừa qua. Dự án này vốn trước đây là Dự án Trung tâm thương mại cao tầng Hóc Môn do Công ty Thương mại Hóc Môn làm chủ đầu tư. Mới đây nhất, HQC đã công bố thông tin hợp tác với Công ty TNHH Tư vấn và kinh doanh Nhà Đạt Gia để đầu tư phát triển Dự án Cheery 4 Apartment.
Công ty Bất động sản Hưng Thịnh vừa công bố mở bán Dự án 27 Trường Chinh (quận 12, TP. HCM). Nghe qua, tưởng đây là dự án mới, song dự án này là sự “lột xác” của Dự án Kim Tâm Hải do CTCP Kim Tâm Hải làm chủ đầu tư. Được biết, Hưng Thịnh đã thỏa thuận với Kim Tâm Hải bơm 40 tỷ đồng để hoàn thiện và độc quyền phân phối dự án này.
Ghi nhận của ĐTCK, phần lớn hợp tác gần đây tập trung vào các dự án đang xây dựng dở dang và căn hộ có mức giá tầm trung. Những dự án này sau đó được chào bán khá tốt, nhờ tiến độ xây dựng được đẩy nhanh. Theo ông Đoàn Chí Thanh, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn, sự liên kết của các doanh nghiệp trong việc hợp tác đầu tư các dự án là tín hiệu tốt không chỉ cho các doanh nghiệp, mà cả người tiêu dùng.
“Cần có tiêu chí rõ ràng phân loại hàng tồn kho” Ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư và phân phối DTJ Muốn giải quyết vấn đề hàng tồn kho bất động sản, trước hết phải có tiêu chí phân loại rõ ràng. Tôi cho rằng, một sản phẩm bất động sản được gọi là tồn kho khi đã hoàn thiện và có thể bàn giao cho khách hàng vào ở được ngay, nhưng lại không bán được. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay, loại sản phẩm này không nhiều. Nếu có tồn kho chỉ là những trường hợp đặc biệt và nằm ở phân khúc chung cư cao cấp, diện tích quá lớn, chưa kết nối hạ tầng… Đối với loại hàng tồn kho này thì không thể giải cứu. Một dạng tồn kho khác với số lượng rất lớn là những căn hộ thuộc dự án đã làm xong móng và đủ điều kiện bán hàng, nhưng do thị trường đóng băng nên không bán được. Đây chính là nhóm sản phẩm lớn nhất và cần “giải cứu” nhất hiện nay. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cũng cần phân loại để có giải pháp hỗ trợ hiệu quả. Tôi cho rằng, đối với những dự án đã xây xong hoặc sắp xong phần thô, nhưng hết vốn để triển khai tiếp thì các tổ chức tín dụng nên xem xét cho vay. Còn đối với các dự án mới khởi công hoặc chưa làm gì, thì nên xem xét dừng triển khai để tránh những thiệt hại cho khách hàng và cả chủ đầu tư. “Liên kết là giải pháp vượt khó” Ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH) Trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn, nhất là nguồn vốn đầu tư, thì việc cùng nhau liên kết, hợp tác được xem là một giải pháp để vượt khó. Một doanh nghiệp có đất, nhưng thiếu vốn và kinh nghiệm thì khó thực hiện tốt được dự án, nhưng khi hợp tác với doanh nghiệp có tiềm lực về vốn và kinh nghiệm phát triển dự án, thì sẽ tập hợp thành sức mạnh tổng hợp phát triển dự án tốt hơn. Thời gian qua, chúng tôi đã nhận được khá nhiều lời mời hợp tác từ các doanh nghiệp, tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể hợp tác được, mà chỉ có thể hợp tác với các đối tác có sự tương đồng về năng lực, văn hóa doanh nghiệp và đặc biệt là sự công khai, minh bạch, tin tưởng lẫn nhau trong suốt quá trình hợp tác. Xu hướng này sẽ còn phát triển mạnh thời gian tới. “Cần có sự hỗ trợ của Nhà nước và các ngân hàng” Ông Phan Thành Mai, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Từ các khó khăn và thách thức của các doanh nghiệp, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam kiến nghị và đề xuất các giải pháp tháo gỡ tình trạng hàng tồn kho cho doanh nghiệp để thị trường năm 2013 có cơ hội phục hồi. Cụ thể: Thứ nhất, các ngân hàng tăng cường cho vay và ưu đãi lãi suất đối với các dự án bất động sản dở dang khi các doanh nghiệp tái cơ cấu sản phẩm phù hợp thị trường. Cần có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ các doanh nghiệp liên quan tương tự như “Gói 4 nhà” của BIDV. Thứ hai, cần xem xét việc hoãn và giảm thuế VAT cho các doanh nghiệp có tồn kho lớn. “Doanh nghiệp bắt tay sẽ tạo tính thanh khoản cho thị trường” Ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đất Xanh Không thể phủ nhận thị trường bất động sản đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, dù khó khăn nhưng nhu cầu nhà ở luôn có thực và rất lớn. Đất Xanh với lợi thế có hệ thống phân phối rộng khắp, có công ty chuyên về xây dựng nên kiểm soát được đầu vào, giúp đầu ra của sản phẩm luôn có giá hợp lý và đảm bảo chất lượng. Hiện nay, đối tác nào có dự án căn hộ có giá trị trung bình đang xây dựng dở dang cần hỗ trợ, Đất Xanh luôn sẵn sàng hợp tác để cùng nhau phát triển. Với một thị trường còn nhiều khó khăn như hiện nay, những cái bắt tay của doanh nghiệp, không chỉ có lợi cho các chủ đầu tư mà còn giúp thị trường tạo được tính thanh khoản |