Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp địa ốc đứng ngồi không yên khi nguồn vốn đầu tư bị thắt chặt, nền kinh tế đi xuống kéo theo sự “méo mó” của thị trường. Trước tình hình đó nhiều doanh nghiệp không đứng yên “chờ chết” đã tự tìm hướng đi riêng cho mình nhằm thoát khỏi khung cảnh ảm đạm chung của thị trường.

Doanh nghiệp bất động sản: Vượt khó thời thị trường đóng băng

Trong bối cảnh dòng vón tín dụng thắt chặt, nhiều doanh nghiệp địa ốc tìm cách "bung hàng" nhằm kéo lại thị trường. Ảnh: Minh Nguyệt


Vào thời điểm này, thị trường bất động sản đang phải đối mặt với những khó khăn rất lớn trong khi giá vật liệu xây dựng ngày một tăng cao. Mặt khác, trong bối cảnh vạn người bán nhưng chỉ có trăm người mua, thị trường ế ẩm nên buộc chủ đầu tư phải hạ giá thành sản phẩm, chiết khấu, khuyến mãi nhằm kéo lại thị trường.

Thêm vào đó là việc mất giá của đồng tiền và áp lực lãi suất cao khiến nhà kinh doanh phải bán sản phẩm phải nhanh chóng tung sản phẩm để thu hồi vốn. Tuy nhiên, giá sản phẩm đã hạ thấp, thậm chí giảm sâu vẫn không đủ sức làm xê dịch tâm lý chờ giá giảm của đại đa số người dân. Chính vì vậy, trong 9 tháng đầu năm 2011, nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản báo cáo tài chính công ty bị lỗ.

Ngoài ra, bên cạnh việc nguồn vốn đầu tư bất động sản đang bị tắc do chính sách siết tín dụng thì nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài đổ vào lĩnh vực này cũng bị hạn chế. Vì vậy, từ những tác động trên làm cho thị trường bất động sản vốn đã èo uột nay lại thêm khó khăn.

Đứng trước những khó khăn hiện tại, nhiều doanh nghiệp phải tìm ra nhiều kế sách để tự cứu mình. Khi vay vốn từ các ngân hàng trở nên khó khăn, các doanh nghiệp bắt đầu chuyển sang tìm vốn trong dân. Đó là các đối tượng đang thực sự có nhu cầu giao dịch, cho dù đó chỉ là những giao dịch nhỏ lẻ nhưng “có còn hơn không”. Tuy nhiên trên thực tế, để thu hút nguồn vốn này là điều không dễ tính thanh khoản trên thị trường còn rất yếu, tâm lý người dân vẫn trông chờ giá giảm.

Xác định “tích tiểu thành đại”, các chủ đầu tư bất động sản vào cuộc đua kích cầu với nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá, tặng kèm hấp dẫn. Tuy nhiên, khả năng có được nguồn vốn này cũng không nhiều vì phương án đòi hỏi nhiều yếu tố khác như dự án hấp dẫn, thương hiệu của nhà đầu tư, sản phẩm đáp ứng được nhu cầu thực. Đây không phải là một hướng đi có thể dễ dàng thực hiện ngay được, nhưng cũng là một cách để tháo gỡ khó khăn nhất thời.

Một giải pháp khác cũng được nhiều doanh nghiệp áp dụng là chuyển hướng phân khúc đầu tư. Theo đó, dòng sản phẩm được các doanh nghiệp hướng đến là thị trường căn hộ dành cho người thu nhập trung bình và dưới trung bình, phát triển nhà chung cư mini cho hộ ít người với giá từ 500 - 600 triệu đồng/căn nhưng vẫn đảm bảo yếu tố an toàn, tiện nghi cần thiết, thiết kế hợp lý và đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người dân.

Theo Ông Trần Kim Chung - Trưởng ban chính sách đầu tư Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đưa ra lời khuyên: Các doanh nghiệp địa ốc nên linh hoạt trong việc tạo ra những sản phẩm nhà ở đa dạng, phù hợp với “hầu bao” của nhiều người. Theo ông Chung, các loại căn hộ diện tích nhỏ dưới 60m2 là sản phẩm mà người tiêu dùng đang có nhu cầu.

Còn Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, mỗi doanh nghiệp phải rà soát lại phương án đầu tư, xem lại các sản phẩm của công ty mình đã phù hợp với nhu cầu của người mua hay chưa. Nếu có những sản phẩm phù hợp, cung cầu gặp nhau, thì ắt sẽ có giao dịch, thị trường sẽ có dấu hiệu hồi phục.

Giới trong ngành nhận định, việc thu nhỏ diện tích căn hộ thôi chưa đủ mà còn phải tính đến chi phí xây dựng. Chi phí xây dựng thấp thì giá thành sản phẩm sẽ được giảm. Tuy nhiên, giá thành giảm không đồng nghĩa với chất lượng sản phẩm giảm. Đối với những dự án này, chất lượng công trình cần phải được đảm bảo, chi phí xây dựng thấp khi chủ đầu tư áp dụng các kỹ thuật công nghệ tiên tiến.

Ngoài ra, một yếu tố không kém phần quan trọng góp phần kéo lại thị trường là sự liên kết đồng thuận giữa các doanh nghiệp. Bởi nếu càng nhiều doanh nghiệp “ăn nên làm ra” thì thị trường bất động sản sẽ sớm khởi sắc trở lại.

Tuyết Lê
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.