Hiện nay các dự án đang bị ngưng trệ, nguồn cung đang thiếu so với nhu cầu dẫn đến giá tăng cao. Ảnh: Thuận Nguyễn
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), cho rằng việc các cơ quan có thẩm quyền của thành phố và trung ương đã khẩn trương rà soát hơn 150 dự án bất động sản trên địa bàn thành phố và đã chấp thuận cho 124 dự án được tiếp tục triển khai, thực hiện là tin tốt lành đối với các chủ đầu tư và khách hàng, và cũng là tín hiệu tích cực đối với thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, cho đến nay, các doanh nghiệp và người dân vẫn chưa tiếp cận được thông tin cụ thể danh sách các dự án trên.
Vì vậy, hiệp hội đề nghị UBND thành phố cho công bố danh mục 124 dự án nêu trên để các chủ đầu tư có căn cứ làm việc với các sở, ngành để hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng nếu thiếu và tiếp tục triển khai thực hiện dự án, đồng thời giúp cho người mua nhà yên tâm.
Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Phuc Khang Corporation, kiến nghị đối với các dự án ở trong tình trạng đang rà soát mà không bị đình chỉ hoặc điều tra, thành phố nên tiếp tục cho phép thực hiện. Với các dự án đã thực hiện các thủ tục theo đúng yêu cầu của cơ quan chức năng về quy hoạch, về thủ tục đầu tư xây dựng thì đề nghị được tiếp tục thực hiện các thủ tục còn lại vì việc dự án bị trì trệ khiến cho cơ hội của doanh nghiệp mất đi.
Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Nam Long, cho rằng hiện các chính sách từ luật đến nghị định, thông tư hướng dẫn về lĩnh vực bất động sản đang có những chồng chéo, mâu thuẫn, dẫn đến tình trạng nhiều dự án bị thanh tra kiểm toán kéo dài. Những vướng mắc này đã được lãnh đạo thành phố tìm cách tháo gỡ nhưng vẫn cần giải quyết từ tầm cao hơn.
Ông Quang cho biết, hiện nay các dự án đang bị ngưng trệ, nguồn cung đang thiếu so với nhu cầu dẫn đến giá tăng cao. Các nhà đầu tư bắt đầu rời TP.HCM để đầu tư vào các tỉnh lẻ, thậm chí là lên tới Bình Dương, Bình Phước và đi xa hơn nữa. Vị này cũng cho rằng, năm 2019 các doanh nghiệp cũng thận trọng hơn trong việc đưa ra các kế hoạch kinh doanh so với năm trước.
Ông Quang nêu những vướng mắc mà các doanh nghiệp địa ốc đang gặp phải. Trong đó, vướng mắc lớn nhất hiện nay là vấn đề tiền sử dụng đất, giá đất. Ngoài ra, các doanh nghiệp tại TP.HCM cũng đang gặp trở ngại với giá thành xây dựng hạ tầng.
“Hiện giá thành xây dựng hạ tầng đang ở mức 700.000 đồng/m2. Nhưng theo quy định, các công trình hạ tầng phải chống được lún theo thời gian trên nền đất yếu. Điều này dẫn đến giá thành hạ tầng thực tiễn hiện nay tại TP.HCM phải nằm ở mức từ 1,5 đến 2 triệu đồng/m2. Nếu theo công thức tính toán tỷ suất hiện nay thì doanh nghiệp chỉ được công nhận 700.000, rất xa so với thực tiễn”, ông Quang nói.
Tương tự, giá xây dựng công trình hiện nay do TP.HCM đưa ra cũng không sát với thị trường, dẫn đến giá bán cao nhưng khi trừ giá xây dựng thấp dẫn đến nghĩa vụ của chủ đầu tư rất lớn.
Thông tin lại các ý kiến của doanh nghiệp, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết thành phố rất chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp khi các dự án ngưng trệ do bị thanh tra, kiểm tra; chủ đầu tư bị áp lực về lãi suất vay ngân hàng, áp lực khách hàng, đối tác, trong đó có đối tác nước ngoài.
Ông Tuyến cũng thông tin thêm rằng, trong tổng số 124 dự án chậm tiến độ, những dự nào đang thanh tra có kết luận sai phạm, công an đang thụ lý thì phải dừng lại, những dự nào không rơi vào trường hợp trên thì thành phố sẽ làm việc với Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ tháo gỡ khó khăn để tiếp tục triển khai thực hiện đúng quy định.
Thành phố cũng đang xin Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm rút ngắn thời gian thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng xuống bớt 100 ngày. Hiện nay đang là 360 ngày.
Sau khi nghe đại diện các doanh nghiệp bất động sản và đại diện các sở, ngành trình bày, Bí thư thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu người đứng đầu các sở phải quyết liệt hơn nữa để giúp đỡ doanh nghiệp trong việc triển khai dự án trên địa bàn thành phố.
Ông Nhân yêu cầu rà soát lại quy trình, phải có sự phân công, thời hạn giải quyết công việc rõ ràng. Với các vấn đề ngoại lệ cần có thêm thời gian cũng lưu ý cho doanh nghiệp được biết, không để chậm chạp. UBND TP.HCM cần có văn bản yêu cầu các sở rà soát, báo cáo. Không để tình trạng giám đốc sở trả lời muốn giúp doanh nghiệp mà không biết làm thế nào.
Về các kiến nghị của doanh nghiệp, ông Nhân đề nghị thành phố phải có hệ thống tiếp nhận thường xuyên, giải quyết liên tục, có một cơ quan tập hợp báo lại các đơn vị có liên quan giải quyết.
Đánh giá về cơ hộ của thị trường bất động sản TP.HCM, ông Nhân cho rằng dù chịu áp lực trong ngắn hạn, song chưa lúc nào thời cơ kinh doanh của các doanh nghiệp lớn như bây giờ.
Cứ năm năm thành phố có thêm 1 triệu người. Trung bình nhà cón bốn người thì cần thêm 250.000 căn hộ. Dân số tăng, thu nhập bình quân đầu người cũng tăng, nhu cầu nhà ở vô cùng lớn. Tuy nhiên, để doanh nghiệp bất động sản đồng hành với chính quyền trong xây dựng phát triển thành phố, đòi hỏi một cơ chế thuận lợi cho doanh nghiệp.
-
Bà chủ Quốc Cường Gia Lai: Đã có lúc, tôi nghĩ đến chuyện tự tử
CafeLand – Bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Công ty Quốc Cường Gia Lai, cho biết doanh nghiệp đã gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian qua, thậm chí có lúc bà nghĩ đến chuyện tự tử.