Nhà đất bán không được, lãi suất “ăn mòn” doanh nghiệp (DN), chi phí các khoản tăng cao… đang là thực trạng của các DN bất động sản (BĐS) hiện nay.
Giảm lợi nhuận, ngập hàng tồn
Tình hình thị trường bết bát tiếp tục phản ánh vào báo cáo tài chính quý III/2012 của các DN địa ốc đang niêm yết trên sàn chứng khoán. Theo số liệu VNDIRECT thống kê, đến nay đã có gần một nửa trong số 68 DN ngành BĐS công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III. Trong đó, có 8 DN niêm yết bị lỗ, các DN còn lại vẫn có lãi trong quý nhưng gần 60% số này giảm lãi so với cùng kỳ năm ngoái, thậm chí có đơn vị còn hạ tới 99% lãi.
Dẫn đầu nhóm doanh nghiệp lỗ quý III/2012 là Công ty Cổ phần Đầu tư địa ốc Khang An (KAC) với lợi nhuận sau thuế âm 24,1 tỉ đồng. Trước đó, 6 tháng đầu năm 2012, đơn vị này vẫn có lãi ròng 70,8 tỉ đồng. Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính quốc tế và Phát triển DN IDJ (IDJ) là DN hiện có mức lỗ thấp nhất danh sách, âm 877 triệu đồng lợi nhuận sau thuế quý III/2012...
Một “đại gia” khác là Quốc Cường Gia Lai với số nợ lãi vay 3.129 tỉ đồng nên lợi nhuận chỉ kiếm được 2 tỉ đồng trong 9 tháng. Hàng tồn kho tiếp tục tăng trong quý III và lên tới 2.946 tỉ đồng, từ mức 2.590 tỉ đồng hồi đầu năm, trong đó BĐS dở dang chiếm trên 2.618 tỉ đồng...
Mọi đường đi đều tắc
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, cho rằng tồn kho BĐS quá lớn trong thời gian vừa qua khiến các DN khó có khả năng vực dậy trong thời gian tới. Theo thống kê, thị trường BĐS Hà Nội và TPHCM đang tồn kho khoảng hơn 70.000 căn hộ. Tính đến cuối quý III/2012, tổng số căn hộ chào bán ra thị trường sơ cấp tại Hà Nội khoảng 111.500 căn, tại TPHCM khoảng 95.000 căn. Tuy nhiên, sự hấp thụ của thị trường từ quý IV/2011 đến nay là rất yếu, cho cả hai thị trường khoảng 5%-7% tổng nguồn cung.
Mới đây, TPHCM dự kiến đưa ra phương án xử lý các dự án chậm triển khai càng gây sốc cho DN. Theo đó, các dự án nhà ở có tiến độ thỏa thuận bồi thường chậm, đạt dưới 50% diện tích đất của dự án sẽ không được tiếp tục gia hạn thỏa thuận địa điểm. Trong trường hợp đã bồi thường được hơn phân nửa diện tích, chủ đầu tư phải chứng tỏ khả năng thực hiện dự án... Theo các DN, điều này đồng nghĩa với việc dự án sẽ bị thu hồi nếu không thực hiện đúng kế hoạch và ở thời điểm này chẳng có mấy DN có khả năng tiếp tục thực hiện.
Theo ông Lê Hoàng Châu, những con số lỗ lãi, tồn kho của các DN niêm yết mới phản ánh được một góc của bức tranh toàn cảnh về ngành BĐS hiện nay. Vấn đề giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu... để cứu thị trường BĐS vẫn là bài toán khó đã không ít lần được đặt lên bàn nghị sự của cơ quan quản lý. Nhiều chính sách cũng đã được ban hành nhưng dường như phía trước vẫn còn rất mờ mịt.
Theo số liệu báo cáo của Sở Xây dựng TPHCM, sau khi lập 4 đoàn khảo sát về tình hình các dự án nhà ở cho thấy một thực trạng bi đát của thị trường bất động sản. Trong tổng số 1.166 dự án đã được phê duyệt trên toàn TP, chỉ có 195 dự án hoàn thành, 815 dự án đang triển khai, 122 dự án chưa triển khai và 14 dự án đã tạm ngưng xây dựng. Các dự án dở dang và tạm ngưng chủ yếu tập trung tại các quận 2, 8, 9 và Thủ Đức. |